Đối với người dân Hưng Nguyên, Đền Rậm được xem là nhân chứng từng ghi dấu nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử nước nhà, là nơi tụ họp, sinh hoạt của các chí sỹ yêu nước. Năm 2008, Đền vinh dự được đón nhận Bằng Di tích lịch sử Kiến trúc - Nghệ thuật Quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng. Trải qua bao thăng trầm biến động của thời gian, đến nay đền đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Đền Rậm được tọa lạc trên khuôn viên với tổng diện tích 10.401 m2, là quần thể di tích với nhiều công tình nghệ thuật độc đáo, bao gồm 14 công trình lớn, nhỏ nhưng được phân bố một cách khoa học và hợp lý như: Lăng mộ, cổng đền, nhà thánh, chùa, nhà tế quan, hữu vu, hạ điện, trung điện, thượng điện…
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, Đền Rậm đóng trên địa bàn xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên đã có lịch sử từ rất lâu đời. Đền khởi công xây dựng vào năm 1831, đến năm 1832 thì hoàn thành và được người dân nơi đây tự hào xem là Quốc Tử Giám của xứ Nghệ. Đền Rậm là nơi thờ các nhân vật lịch sử như Lê Lợi, Nguyễn Quang Hợp, thần Cao Sơn Cao Các.
Đền Rậm đang bị xuống cấp nghiêm trọng cần được tu sửa, tôn tạo
Cũng chính tại nơi đây, các bậc chí sỹ cách mạng như Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong đã dùng một số địa điểm trong Đền gặp gỡ bí mật để luận bàn các vấn đề của cách mạng. Những năm 1930 - 1931, khi cách mạng nước nhà đang trong giai đoạn cam go, quyết liệt, nhân dân chiến đấu hết mình để hướng đến cuộc cách mạng tháng 8/1945 thì Đền Rậm đã hoàn thành xuất sắc vai trò, nhiệm vụ của mình khi làm nơi để chính quyền tập hợp lực lượng cũng như trung chuyển các loại vũ khí từ Bắc vào Nam bằng đường thủy trên sông Lam.
Với những giá trị lịch sử và kiến trúc độc đáo đó, năm 2008, Đền Rậm được vinh dự đón nhận danh hiệu Di tích lịch sử Kiến trúc - Nghệ thuật Quốc gia. Tuy nhiên, trải qua bao thăng trầm, biến động của thời gian, đến nay Đền đã bị hư hỏng và xuống cấp trầm trọng. Chúng tôi theo chân cụ Phạm Hồng Kỳ - một trong năm người quản lý ở đây đi thị sát một vòng quanh ngôi Đền.
Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt đó là mái ngói đã ố màu cũ nát theo thời gian và xung quanh cây cỏ mọc leo, bao phủ. Bên trong Đền, cột chống và các thanh xà trên mái bị mối mọt ăn chạy thành từng hàng dài. Có những thời điểm gỗ bị mục nát và sập, các cụ quản lý Đền và dân làng lại cùng chung sức mang các thanh gỗ khác vào để thay thế và chống đỡ tạm.
Cụ Kỳ cho biết: Do nằm trên địa hình trũng thấp, xung quanh là đồng ruộng bao phủ nên những lúc mưa lũ, Đền đều phải hứng chịu sự nổi giận của thiên tai. Có những thời điểm, nước ngập lút cả hương án, dân làng không thể chống lại sức mạnh của thiên nhiên nên đành ngậm ngùi nhìn ngôi Đền ngập chìm trong biển nước.
Khi chúng tôi đưa vấn đề trùng tu, tôn tạo Di tích lịch sử Đền Rậm ra trao đổi thì ông Phạm Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên cho biết: Với những tác động của thiên tai, lũ lụt và hư hại theo thời gian, chính quyền và nhân dân xã nhà cũng đã bày tỏ nguyện vọng tu sửa lại ngôi Đền để xứng tầm với giá trị lịch sử.
Năm 2010, xã được hỗ trợ 100 triệu đồng để đầu tư tôn tạo. Tuy nhiên, với số tiền đó cũng chỉ tôn tạo được một số ít hạng mục đã bị hư hại nặng. Năm 2011, Đền Rậm nhận được dự án hỗ trợ 10 tỷ đồng để tiếp tục tu bổ, sửa chữa nhưng đã gần 3 năm trôi qua vẫn chưa thể thực hiện do nguồn kinh phí chưa rót xuống.
Trong tiềm thức của người dân huyện Hưng Nguyên nói chung thì từ bao đời Đền Rậm đã là một biểu tượng cao quý và rất đỗi thiêng liêng, đáng tự hào. Nỗi niềm trăn trở của chính quyền và nhân dân nơi đây là mong muốn được nhìn thấy một dáng vẻ, hiện trạng của Đền Rậm xứng tầm với những giá trị lâu đời vốn có. Và câu trả lời cuối cùng chúng tôi xin được dành cho các cấp có thẩm quyền có liên quan.
Ngọc Anh - Phan Tuyết
.