Giáo viên… “kêu trời”?!
Là một đơn vị trực thuộc Sở LĐTB&XH đóng trên địa bàn thị xã Thái Hoà, từ nhiều năm nay với chức năng tuyển dụng, đào tạo cho con em các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, cùng với sự phát triển về quy mô đào tạo ngành nghề hàng năm, đơn vị này cũng đã tuyển thêm cán bộ, giáo viên để tham gia công tác giảng dạy.
Vì vậy, ngoài số giáo viên thuộc biên chế cố định, nhà trường cũng ký hợp đồng không xác định thời hạn cho nhiều giáo viên khác qua các năm. Đến nay, tổng số giáo viên được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn là 27 người.
Theo hợp đồng mà nhà trường đã ký thì đơn vị sử dụng lao động sẽ chịu trách nhiệm chi trả lương, chế độ, bảo hiểm… theo pháp lệnh cán bộ, công chức. Có nghĩa là, ngạch lương, mức lương của những lao động thuộc diện hợp đồng không xác định thời hạn sẽ được chi trả theo quy định hiện hành của Luật Lao động.
Trường Trung cấp nghề KT-KT miền Tây, nơi có cách làm đi ngược với Luật Lao động
Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 1/2013, lãnh đạo trường này đã triệu tập cuộc họp rồi ra thông báo cho tất cả các giáo viên đã hợp đồng không xác định thời hạn đều phải quay trở lại với mức chi trả trước đây (lương tối thiểu chung theo quy định từ ngày 4/4/2011 đến ngày 12/4/2012 là 830.000 đồng).
27 giáo viên dạy tại Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật miền Tây đang yên đang lành hưởng lương tối thiểu chung theo quy định mới là 1.050.000 đồng chưa được bao lâu nay bỗng dưng phải chấp nhận nhận lương theo mức tối thiểu là 830.000 đồng mỗi tháng.
“Khi biết nhà trường thông báo từ tháng 1/2013 tất cả giáo viên sẽ phải quay trở lại nhận lương theo mức cũ, chúng tôi vô cùng bức xúc. Khi chúng tôi đem thắc mắc này hỏi lãnh đạo nhà trường thì chỉ nhận được câu trả lời là do khó khăn. Tuy nhiên, theo như trong bản hợp đồng mà nhà trường đã ký với các giáo viên thì không có đề cập đến vấn đề như vậy. Đồng lương eo hẹp, đời sống giáo viên như chúng tôi đã khó khăn, nay với cách làm đột ngột như vậy của nhà trường khiến chúng tôi hết sức bức xúc” - Một trong những giáo viên được ký hợp đồng không xác định thời hạn của Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật miền Tây trình bày.
“Do nhà trường khó khăn…”?
Đó là câu trả lời mà ông Phạm Nam Hải - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật miền Tây đưa ra để biện hộ cho lý do đơn vị đã chi trả tiền lương cho thuộc cấp của mình trong những tháng qua. Mặt khác, ông Hải cũng biện minh thêm là suốt thời gian qua, trong 7 ngành nghề mà nhà trường đào tạo thì có nghề kế toán, đơn vị không được tỉnh hỗ trợ nên không đủ kinh phí để chi trả cho số giáo viên đã được hợp đồng trước đó.
Cũng theo như vị Hiệu trưởng này cho biết, mặc dù thông báo sẽ quy định trả lương tối thiểu chung cho các giáo viên hợp đồng theo mức cũ nhưng đơn vị vẫn đóng bảo hiểm với mức lương tối thiểu chung mới là 1.050.000 đồng theo quy định tại Nghị định số 31/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ.
Tuy nhiên, khi chúng tôi đem thắc mắc của số giáo viên nằm trong danh sách phải nhận lương theo mức cũ mà không theo như trong hợp đồng đã ký thì ông Hải giải thích là do nhà trường và giáo viên tự thoả thuận với nhau? “Nếu nhà trường chi trả lương tối thiểu chung cho giáo viên hợp đồng theo mức quy định mới thì không đủ kinh phí” - Ông Hải nói.
Khi đem vấn đề này trao đổi với ông Nguyễn Đăng Dương, Trưởng phòng Lao động - Việc làm - Tiền lương (Sở LĐTB&XH) thì được biết: “Đơn vị tự ý giảm lương tối thiểu chung của người lao động là sai. Dù là hợp đồng thỏa thuận hay kiểu gì đi chăng nữa thì cũng chỉ được phép trả bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu chung theo quy định của Luật Lao động hiện hành”.
Thiết nghĩ, việc đột ngột ra thông báo quy định chi trả tiền lương như vậy của Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật miền Tây trong thời gian qua là đi ngược với Luật Lao động. Đề nghị các ban, ngành liên quan sớm vào cuộc thanh kiểm tra, tránh tình trạng gây bức xúc và làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của các giáo viên ở đây.
Ngọc Thái
.