Đồng chí là người con ưu tú của quê hương Xô Viết anh hùng; là một đảng viên cộng sản kiên cường, trung thành, tận tụy, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 16/3/2013, tại TP Vinh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Đại tướng Chu Huy Mân (17/3/1913 - 17/3/2013) - Nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trí QĐND Việt Nam; nguyên Ủy viên BCH TW Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị; đại biểu Quốc hội các khóa II, VI, VII; nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Đồng chí là người con ưu tú của quê hương Xô Viết anh hùng; là một đảng viên cộng sản kiên cường, trung thành, tận tụy, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Hướng tới sự kiện ý nghĩa này, Báo Công an Nghệ An xin giới thiệu tóm lược cùng bạn đọc về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Đại tướng Chu Huy Mân.
Đại tướng Chu Huy Mân |
Đồng chí Chu Huy Mân (bút danh: Vũ Chân, Lê Thế Mỹ, Trần Thanh Lạc, Hai Mạnh, Thao Chăn), tên thật là Chu Văn Điều, sinh ngày 17/3/1913 trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hoà, thành phố Vinh, Nghệ An). Bố mất sớm khi ông mới 14 tháng tuổi, mẹ ông một mình tần tảo nuôi 8 người con ăn học.
Sinh ra nơi quê hương có truyền thống cách mạng, Chu Huy Mân đã tham gia cách mạng từ sớm, từ thời kỳ trước khi có phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Trong cao trào 30-31, ông tham gia Tự vệ Đỏ, là Đội phó Đội tự vệ xã. Ngày 10/9/1930, Chi bộ Yên Lưu, quê ông đã kết nạp đồng chí vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới 17 tuổi. Sau này ông tâm sự: Khi nhìn màu đỏ lá cờ, ông nhớ đến những dòng máu đào mà nhân dân quê ông đã đổ xuống trong ngày 1/5/1930.
Món nợ này, mình phải trả sao đây?! Nhiệm vụ đầu tiên Chi bộ giao cho Chu Huy Mân là tổ chức cho nhân dân Yên Lưu tham gia cuộc mít tinh của nhân dân cả huyện Hưng Nguyên vào ngày 12/9/1930. Từ trong máu lửa, các Xô Viết công nông ra đời. Nông hội Đỏ Yên Lưu đã bầu ông Trần Tích làm xã bộ, Chu Huy Mân và Trần Vương làm chỉ huy Xích vệ (Tự vệ đỏ).
Đầu năm 1931, Chu Huy Mân bị bắt cùng với 50 người khác, bị tra tấn suốt 3 ngày đêm nhưng ông vẫn một lòng giữ bí mật, dứt khoát không khai nhận, không ký cam kết. Cuối cùng, thực dân Pháp buộc phải thả ông nhưng chúng cử người theo dõi. Đến cuối năm 1932, ông lại bị bắt rồi lại được thả.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Chu Huy Mân ở Mặt trận khu 5 và Tây Nguyên
Bước sang năm 1933, tình hình có nhiều chuyển biến thuận lợi, nhiều đồng chí qua ba năm giam cầm đã được trả tự do. Đầu năm 1933, ông móc nối khôi phục cơ sở và được cử làm Bí thư Chi bộ xã Hưng Hòa, lúc đó ông 20 tuổi. Chớp thời cơ, Bí thư Chu Huy Mân đề ra chủ trương: Chuyển phương thức đấu tranh từ bí mật sang bán công khai, bán hợp pháp, đấu tranh đòi lại ruộng đất tu lý (ruộng đất của dân hào lý tạm tịch thu vì thiếu sưu thuế), giảm các khoản thuế khoá vô lý.
Tháng 10/1935, Chu Huy Mân được Tỉnh ủy mời về báo cáo kinh nghiệm vận động quần chúng đấu tranh hợp pháp tại hội nghị Tỉnh ủy mở rộng ở Kỳ Trân (Nghi Lộc). Những bài học bám dân, bám cốt cán trong thanh niên để xây dựng Đảng của Chi bộ Yên Lưu đã được Tỉnh ủy nhân rộng trong toàn tỉnh.
Sau đó, thực dân Pháp đưa ông vào danh sách tình nghi cộng sản nên từ năm 1935-1939, hàng năm cứ đến ngày 8/3, 1/5, 14/7 (Quốc khánh nước Pháp) và ngày 12/9 (ngày nông dân Hưng Nguyên kéo lên Vinh biểu tình), ông phải trình diện và bị giữ lại ngày hôm đó. Đến cuối năm 1939, ông bị bắt giam ở Nhà lao Vinh suốt 7 tháng liền. Được thả ra ít ngày, đến tháng 5/1940, thực dân Pháp lại bắt và đày ông đi Đắc Lay, Đắc Tô, Kon Tum.
Đến đầu năm 1943, tổ chức tạo điều kiện để ông vượt ngục an toàn cùng các đồng chí Hà Thế Hạnh, Nguyễn Duy Trinh, Huỳnh Ngọc Huệ. Trong khoảng thời gian sau đó là chuỗi ngày ông hoạt động cách mạng sôi nổi, liên tục, tham gia Ban vận động Việt Minh và Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam và là 1 trong 4 cán bộ chủ chốt của Quảng Nam lãnh đạo quần chúng đứng lên giành lại chính quyền về tay nhân dân ngày 24/8/1945.
Bắt đầu từ đây, Chu Huy Mân được thử thách và rèn luyện, trưởng thành trong đấu tranh cách mạng. Cách mạng tháng Tám thành công, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã bầu đồng chí Chu Huy Mân làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ kiêm Chính trị ủy viên Tỉnh đội Quảng Nam. Giữa tháng 9/1945, đồng chí được Đảng giao nhiệm vụ làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Khu C (4 tỉnh Bắc Trung bộ: Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình), kiêm Chính trị ủy viên Mặt trận đường 9 - Đông Hà - Xavanakhẹt.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Chu Huy Mân được điều ra Bắc và cùng cơ quan chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc làm Trưởng ban kiểm tra xây dựng Đảng Quân khu ủy Việt Bắc, rồi sau đó chuyển sang quân đội làm Trung đoàn trưởng các đơn vị cấp trung đoàn đầu tiên của QĐND Việt Nam. Năm 1951, đồng chí làm Phó Chính ủy rồi Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đại đoàn 316, tham gia nhiều chiến dịch lớn như Chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào và Điện Biên Phủ.
Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 316 của ông là Đại đoàn chủ lực được vinh dự đánh trận mở đầu, tiêu diệt cứ điểm Him Lam (13/3/1954), tham gia bắt sống tướng Đờ Cát... Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 8/1954, ông được bổ nhiệm làm Trưởng đoàn kiêm Bí thư Đảng ủy Đoàn Cố vấn quân sự Việt Nam tại Lào, có nhiệm vụ giúp cách mạng Lào xây dựng lực lượng, giúp Lào giải quyết thành công các nhiệm vụ trung tâm cơ bản, có ý nghĩa quyết định trong xây dựng và chiến đấu của cách mạng Lào.
Từ 1957-1961, Chu Huy Mân lần lượt giữ các chức vụ: Chính ủy QK4, Bí thư Khu ủy Tây Bắc rồi Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu Tây Bắc, rồi Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy QK4. Đến năm 1962, ông được cử đi học tại Học viện Quân sự Phơ-run-de của Liên Xô. Từ 1963 - 1977, ông là Tư lệnh - Chính ủy QK5.
Từ tháng 7/1977 đến 1980 là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, ủy viên chính thức BCH TW (1960), rồi Ủy viên Bộ Chính trị tại Đại hội IV (1976), Đại hội V (1982); là Đại biểu Quốc hội các khóa II, VI, VII và được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (1981), rồi Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc, đến tháng 12/1986 đồng chí được nghỉ hưu. Đại tướng Chu Huy Mân qua đời ngày 1/7/2006 ở tuổi 93 sau một cơn bệnh nặng, với 76 năm tuổi Đảng, 61 năm tuổi quân.
Đại tướng Chu Huy Mân là một đảng viên cộng sản kiên trung, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Ông là người có đóng góp to lớn trong sự phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật chiến dịch tổng hợp gồm 2 lực lượng: Chính trị (đấu tranh chính trị, binh vận) và quân sự (ba thứ quân: Chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ).
Ông còn là người trực tiếp có những đóng góp quan trọng góp phần xây dựng và hoàn thiện cơ chế Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội. Chính ông cùng nhiều cán bộ lão thành quân đội đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết với Bộ Chính trị trong việc ban hành Nghị quyết 51 (năm 2005) "Về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong QĐND Việt Nam".
Chu Huy Mân - người con ưu tú của quê hương Nghệ An - quê hương Xô Viết anh hùng; là người biết phát huy truyền thống cách mạng và yêu nước, thủy chung nhân nghĩa, kiên cường bất khuất, không chịu khuất phục trước khó khăn, gian khổ của quê hương Nghệ Tĩnh vào trong quá trình hoạt động cách mạng của mình. Chính ông đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của quê hương xứ Nghệ và cả dân tộc Việt Nam.
Xuân Thống
.