Trà Giang sinh năm 1942 tại Quảng Ngãi, là học sinh trường miền Nam tập kết. Năm 17 tuổi, bắt đầu thi vào học trường nghề, Trà Giang đã rất thích âm nhạc và múa, do từ nhỏ luôn được theo ba là NSƯT Nguyễn Văn Khánh - Trưởng đoàn văn công Khu 5, dẫn đi xem kịch, xem múa, cải lương...
Người cha từng làm điện ảnh thời kháng chiến ở bưng biền nên ông rất quan tâm đến bộ môn này, đã khuyên con gái dự thi vào lớp diễn viên điện ảnh và trúng tuyển vào học khóa I, Trường Điện ảnh Việt Nam (1959 - 1962) cùng với diễn viên Kim Chi, Thúy Vinh, Lâm Tới...
Thời ấy, lớp học được chuyên gia điện ảnh Liên Xô sang hỗ trợ giảng dạy, rèn luyện rất bài bản nên ai cũng học hành nghiêm túc và háo hức mong được đóng phim. Ra trường, chị được phân về Xưởng phim Việt Nam (nay là Hãng phim truyện).
NSND Trà Giang lúc trẻ |
Trà Giang đã tham gia đóng 17 bộ phim truyện nhựa, như: “Một ngày đầu thu” (1961); “Chị Tư Hậu” (1962); “Vỹ tuyến 17 ngày và đêm” (1972); “Bài ca ra trận” (1973); “Em bé Hà Nội” (1974); “Ngày lễ thánh” (1976); “Mối tình đầu” (1977); “Huyền thoại mẹ” (1987); “Thủ lĩnh áo nâu” (1987); “Dòng sông hoa trắng” (1989)... và đã 3 lần đoạt giải “Nữ diễn viên xuất sắc nhất” tại LHP Quốc tế Mátxcơva (1973), LHP Việt Nam 4 (1977), LHP 8 (1988).
Được phong tặng NSND đợt đầu tiên (1984) và là đại biểu Quốc hội các khóa 5, 6, 7. Dịp Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với Hội nghị Văn hóa toàn quốc (1962), Trà Giang vinh dự được cử lên tặng hoa và được Bác ôm vào lòng khi biết chị là con của cán bộ miền Nam tập kết.
Trà Giang là nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng với đôi mắt đẹp, “có thần”, lối diễn xuất tinh tế, giàu cảm xúc, lột tả chiều sâu nội tâm của nhân vật, mang dáng vẻ cao quý và đức hạnh của người phụ nữ Việt Nam.
Chị may mắn có duyên với các vai diễn như chị Tư Hậu trong phim cùng tên; Dịu trong “Vỹ tuyến 17 ngày và đêm”; Hương trong “Huyền thoại mẹ”; Vợ ba Đề Thám trong “Thủ lĩnh áo nâu”... Các hình tượng nhân vật này đều đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong người xem với những ký ức thiêng liêng, cảm động.
Chị kể: Có lần trong giờ giải lao họp Quốc hội, một đại biểu đến tìm tôi bắt tay cảm ơn vì quá cảm kích về nhân vật chị Tư Hậu. Anh xưng là chồng Tư Hậu thật ở ngoài đời và nói các con Tư Hậu rất mong được gặp mẹ “Trà Giang”, làm tôi quá bất ngờ.
Mới đây, được về lại vùng đất Nam Định, thăm Lễ hội Phủ Dày nơi đã quay bộ phim “Ngày lễ thánh”, nhiều phụ nữ công giáo dẫn con đến giao lưu với nghệ sỹ điện ảnh thật nồng hậu và bày tỏ từ nhỏ đến giờ chúng em chỉ mong một lần gặp được chị Trà Giang, thì nay đã toại nguyện.
Khi được nghe một số anh lính trẻ bày tỏ sau khi xem phim “Vỹ tuyến 17 ngày và đêm”, họ đã xung phong lên đường đi B. Hay như ở LHP Việt Nam 13, tại TP Vinh, Nghệ An năm 2001, chúng tôi luôn bị khán giả “bao vây” nồng nhiệt.
Đi ăn cháo lươn cùng mấy anh Đặng Nhật Minh, Thế Anh, Bùi Bài Bình…, lúc trả tiền bị chủ quán từ chối vì cả đời mới được “chiêu đãi” nghệ sỹ điện ảnh nổi tiếng. Thật hạnh phúc vô cùng, không thể ngờ từ chuyện trong nghệ thuật đã mang lại tình cảm đẹp đẽ, lớn lao đối với cuộc sống!
Nhiều dấu ấn kỷ niệm sâu sắc về “chuyện nghề, chuyện đời” của người nghệ sỹ tài danh mang tên con sông Trà quê hương. Khi phim “Chị Tư Hậu” được mời tham gia LHP Quốc tế Mátxcơva, NSND Bích Ngọc (cùng đồng hương khu 5), lúc ấy đang học ở Nhạc viện Tchaikovky. Chàng nhạc sỹ vĩ cầm đã mê người trong phim, khi về nước quyết định đi tìm diễn viên Trà Giang... Sự đồng cảm nghệ thuật giữa âm nhạc và điện ảnh đã dẫn hai người tiến đến hôn nhân vào năm 1966. Kết quả tình yêu ấy là cháu Bích Trà ra đời, con gái chịu ảnh hưởng “gien” của bố, lớn lên cháu đã chọn con đường âm nhạc đương đại, đàn Piano.
NSND Trà Giang bên giá vẽ
Trả lời câu hỏi của mọi người vì sao Trà Giang rẽ ngoặt từ điện ảnh sang hội họa? Chị bộc bạch: “Sau phim “Dòng sông hoa trắng” (1990), tôi chuyển sang làm việc ở Viện phim Việt Nam - phân viện 2 tại thành phố Hồ Chí Minh - nhưng vẫn nặng lòng với nghiệp diễn, luôn chờ đợi những vai ưng ý. Trong cơ chế thị trường với những kịch bản phim kinh doanh kiểu “mì ăn liền” không mấy hợp với “tạng” của mình!
Có một phần nữa từ nỗi buồn riêng, sự ra đi vội vã của chồng vì căn bệnh quái ác và sự trống vắng khi Bích Trà đang du học và làm việc ở London. Tôi đã tìm đến lớp vẽ của nhóm nữ thành phố như một sự tình cờ của định mệnh... Với tôi, con đường hội họa luôn có bóng dáng từ nghệ thuật điện ảnh. Những cảm xúc, ấn tượng, kỷ niệm trải qua trong phim và ở đời thường đều trở thành trải nghiệm, vốn sống cho hội họa. Nghệ thuật nào cũng có tiềm ẩn cái đẹp, ai cũng muốn đi tìm và khám phá”.
Gần mười năm luyện bút, luyện màu, Trà Giang đã có hàng trăm bức vẽ đủ các đề tài, thể loại, trong đó có nhiều bức lấy cảm hứng từ ký ức về phim ảnh, về người phụ nữ Việt Nam luôn ám ảnh chị trong cầm cọ. Cũng là cách để chị “khoe” với bạn bè, dù sống bình lặng nhưng không vô dụng, vẫn luôn giữ được ngọn lửa đam mê nghệ thuật cháy mãi.
Chị đã có 5 lần tham gia triển lãm cùng nhóm họa sỹ “Hương cỏ”. Sau triển lãm, số tiền bán tranh đều dùng vào các việc làm từ thiện, như lần 11 bức mang ra triển lãm ở Hà Nội bán được số tiền kha khá, chị đã gửi tặng cơ sở Thiện Giao (Đồ Sơn, Hải Phòng), nơi có một phụ nữ mang bệnh ung thư, nhưng đã nuôi 166 trẻ em tàn tật, mắc di chứng chất độc da cam.
Vậy là cuối đời, hội họa đã trở thành người bạn đồng hành, nguồn vui không thể thiếu đối với người nghệ sỹ bước vào tuổi 70 có “đôi mắt biết nói” trên màn ảnh năm nào. Chúc chị có nhiều thành công trong lĩnh vực mới.
Lê Lân
.