Những lời cảnh báo này được đưa ra tại Hội thảo “Chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỷ: Thực trạng và triển vọng” diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 12, 13/3 do Bộ GD&ĐT, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức…
Trẻ tự kỷ nếu được phát hiện sớm sẽ nhanh chóng hòa nhập xã hội
Ở Việt Nam, tuy chưa có số liệu chính thức về tỷ lệ mắc hội chứng tự kỷ nhưng theo Nghiên cứu mô hình tàn tật ở trẻ em của Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi Trung ương, giai đoạn 2000-2007 số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị tự kỷ ngày càng đông; trẻ tự kỉ đến khám năm 2007 tăng gấp 50 lần so với năm 2000; số trẻ tự kỉ đến điều trị năm 2007 tăng gấp 33 lần so với năm 2000.
Xu thế mắc tự kỷ tăng nhanh từ 122% đến 268% trong giai đoạn 2004-2007 so với năm 2000. Cũng theo các thống kê từ Bệnh viện Nhi đồng I (TP HCM), nếu năm 2000 bệnh viện chỉ điều trị cho 2 trẻ bị tự kỷ, thì sau 4 năm con số này đã là 170 trẻ, đến năm 2008 con số này tăng gấp 2 lần tức là 324 trẻ.
Trong một dự án chăm sóc giáo dục trẻ khuyết tật của tổ chức NGO Plan, riêng một huyện ở Hà Nội, trong số 733 trẻ khuyết tật được phát hiện, thì có tới 221 trẻ chậm phát triển và trẻ tự kỷ chiếm 10% số trẻ chậm phát triển đó.
Ở các nước phương Tây, khuyết tật tự kỷ đã được xã hội hóa và hầu như mọi người đều có những hiểu biết nhất định về rối loạn này. Trong khi đó tại Việt Nam, số lượng trẻ tự kỷ có xu hướng ngày càng nhiều, mà kiến thức về vấn đề này của các bậc cha mẹ còn khá khiêm tốn.
Theo Nghiên cứu “Hỗ trợ cho gia đình có trẻ khuyết tật ở châu Á” thực hiện tại Hà Nội, TP HCM từ tháng 3/2009 đến tháng 2/2010, có người ngộ nhận rằng tự kỷ là bệnh, có thuốc chữa và sẽ khỏi hoàn toàn. Những nhận thức đó là sai lầm và hết sức nguy hiểm.
Trung tâm Nuôi dạy trẻ tự kỷ Sao Mai (Hà Nội) thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa ngoài trời giúp trẻ nhận thức nhanh, sớm hòa nhập cộng đồng |
Chúng ta chưa có được những công cụ đánh giá chẩn đoán tự kỉ để đảm bảo độ tin cậy và hiệu lực khi dùng cho trẻ em Việt Nam. Các trắc nghiệm ở Việt Nam đều chỉ được dịch từ các phương pháp chẩn đoán của nước ngoài (chủ yếu là các bộ công cụ STAT; ADOS...), và thích nghi dưới dạng ngôn ngữ mà chưa được chuẩn hóa đầy đủ. Phương pháp phỏng vấn cha mẹ và trong thời gian tương đối ngắn (10-15 phút) được sử dụng phổ biến để đưa ra kết luận nên sẽ không tránh khỏi sự phiến diện và thiếu chính xác.
Nên sớm có nghiên cứu cấp nhà nước về phương pháp chăm sóc trẻ tự kỷ
Đánh giá mức độ sẵn sàng hòa nhập của trẻ tự kỷ, Ths Nguyễn Nữ Tâm An, ĐHSP Hà Nội cho biết, hiện nay, các trung tâm chăm sóc, phục hồi chức năng và giáo dục cho trẻ tự kỉ được mở ra ngày càng nhiều, môi trường giáo dục tương đối tốt, nhưng chỉ tập trung ở một số thành phố lớn, chỉ đáp ứng được một lượng nhỏ nhu cầu của các gia đình trẻ tự kỉ và chủ yếu tập trung vào công tác chăm sóc.
Chương trình giáo dục cho trẻ tự kỷ còn chưa có sự thống nhất giữa các địa phương, giữa các cơ sở giáo dục và các trường hòa nhập. Kinh nghiệm thực tế của giáo viên còn thiếu. Các chính sách về hỗ trợ và phúc lợi xã hội chưa được tiến hành một cách đồng bộ và hiệu quả. Luật Giáo dục và quyền trẻ em chưa đến được với trẻ tự kỷ. Chính vì vậy khi quay trở lại hòa nhập với môi trường bình thường, mức độ sẵn sàng của trẻ tự kỷ chỉ đạt mức trung bình, nhiều trẻ chưa sẵn sàng cho việc học hòa nhập, thậm chí là không thể hòa nhập. Kĩ năng xã hội và kĩ năng học tập của trẻ ở mức thấp. Còn nhiều trẻ không được đến trường do học phí cao hoặc do địa lí không thuận lợi...
Các đại biểu tham dự hội thảo mạnh dạn đưa ra nhiều đề xuất can thiệp hỗ trợ điều trị cho trẻ tự kỷ như: Cần có những nghiên cứu sâu hơn và toàn diện hơn, trên số lượng lớn về việc sử dụng các mô hình can thiệp trẻ tự kỷ trên thế giới sao cho phù hợp với văn hóa Việt Nam.
Nên có những nghiên cứu thuộc quy mô khác nhau (cơ sở, địa phương, nhà nước) về các cách tiếp cận trong can thiệp cho trẻ tự kỷ để tìm ra những định hướng khoa học cho cách tiếp cận ở Việt Nam. Mặt khác, nên có những nghiên cứu cấp nhà nước về chuẩn hóa các công cụ đánh giá và chương trình dành cho trẻ mắc hội chứng tự kỷ ở Việt Nam để đẩy mạnh việc phát hiện sớm trẻ tự kỷ và xây dựng chương trình can thiệp phù hợp cho trẻ và gia đình trẻ.
Cần xây dựng chế tài cụ thể về việc mở trường và mô hình hoạt động của các trung tâm, cơ sở giáo dục và chăm sóc trẻ tự kỷ. Các cơ sở đào tạo ngành giáo dục đặc biệt trong nước có những chương trình đào tạo chính quy, không chính quy, hay đào tạo chứng chỉ hành nghề dạy trẻ tự kỷ để góp phần phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực cho trẻ tự kỷ...
Từ kết quả sàng lọc tự kỷ ở trẻ 18 tháng đến 30 tháng, TS Nguyễn Thị Hương Giang, Bệnh viện Nhi Trung ương đã cảnh báo một số dấu hiệu bất thường của trẻ, như: trẻ thờ ơ với âm thanh (cảm giác như trẻ bị câm điếc); hành vi bất thường như tăng động quá mức (kích động khó ngủ, khóc nhiều, khó dỗ dành, khó chịu không lý do...), hoặc thờ ơ, yên lặng dường như thích ở một mình, ít đòi hỏi cha mẹ chăm sóc; khả năng tập trung kém; tăng trương lực; giảm hoạt động; chơi một mình, chơi với các ngón tay và bàn tay ở trước mặt; sử dụng các đồ vật một cách bất thường (như gãi, cào...); không chú ý đến người khác; giảm hoặc không có kĩ năng giao tiếp bằng cử chỉ; giao tiếp bằng mắt bất thường; ít hoặc không phát âm, không nói, chậm nói, nói kém. Khi thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường trên cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, chuẩn đoán và áp dụng những hình thức, chương trình can thiệp sớm hỗ trợ điều trị. |