Thưởng Tết ở thành phố
Vinh những ngày áp Tết, chúng tôi ghé thăm một vài trường đóng trên địa bàn. Nhắc đến chuyện thưởng Tết, thầy giáo Nguyễn Trọng Bé, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Viết Thuật cho biết: “Trong giáo dục đó là một khái niệm mơ hồ”. Tiết kiệm từ nguồn chi tiêu, qua 4 đợt xếp loại thi đua bình bầu A, B, C khen thưởng giáo viên dạy giỏi, tiết tốt, ngày công cao.
Không phát ngay mà trường để đến gần Tết mới phát để thêm vào khoản thưởng Tết cho giáo viên. Năm nay, theo thầy Bé, mỗi cán bộ giáo viên được thưởng 700.000 đồng đến 800.000 đồng. Hầu hết các trường trên địa bàn thành phố Vinh đều ở mức thưởng này.
“Tiền thưởng Tết có hay không, nhiều hay ít phụ thuộc vào chi tiêu của các trường”, ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó chánh Văn phòng Sở GD & ĐT Nghệ An cho biết. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm nhiều trường đã xác định được điều đó nên tiết kiệm từ những khoản chi tiêu để cuối năm gọi là có chút quà động viên mọi người.
Giáo viên vùng sâu vùng xa vẫn thiệt thòi nhiều
Chúng tôi ghé Trường mầm non Bến Thủy vào một ngày mưa ẩm ướt. Trường đang làm thêm một vài phòng học, còn đó những bề bộn, dở dang. Cô giáo Nguyễn Thị Liên, Hiệu trưởng của trường niềm nở tiếp đón chúng tôi.
Với 45 cán bộ giáo viên, được sự ủng hộ từ phía phụ huynh cùng với việc tiết kiệm từ nhiều nguồn chi tiêu như điện thắp sáng, giấy vệ sinh, chổi... năm nay trường cũng có một chút quà, khoảng 800.000 đồng cho mỗi giáo viên để ăn Tết.
“Ở thành phố với nhiều khoản chi tiêu trong cái guồng quay chóng mặt của giá cả tăng vọt thì từng ấy cũng phải cân nhắc lắm rồi. Về công tác ở đây đã 7 năm, trường cũng đã quan tâm rất nhiều đến đời sống các cán bộ giáo viên. Nói thưởng Tết thì hơi to tát, nhưng đó là món quà động viên các cô mỗi khi Tết đến xuân về ”, cô Bùi Thị Thanh Huyền, giáo viên mầm non của trường chia sẻ.
Ngậm ngùi thưởng Tết giáo viên miền núi
Nhắc đến chuyện thưởng Tết, các thầy giáo cô giáo đang công tác giảng dạy tại các trường vùng sâu vùng xa, vùng miền núi lại ngậm ngùi, tủi thân. Một năm trời âm thầm tận tụy với nghề nhưng thầy cô giáo nơi đây chỉ có được từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, như một món quà cho con trẻ. Một vài điểm trường khó khăn thì gói mì chính, chai dầu cũng đã thấy mãn nguyện lắm rồi.
Trường THCS Kim Lâm đóng trên địa bàn xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương được đánh giá là một trường “chuẩn” trong năm học này ở khu tái định cư Thanh Chương. “Với ngân sách chi tiêu thường xuyên trong năm là 180 triệu.
Dù được thưởng hay không thì những người giáo viên vẫn miệt mài gieo chữ
Năm nay, trường cũng cố gắng thu xếp từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng, một chút quà cho thầy cô giáo đón Tết”, thầy Nguyễn Văn Lương, Hiệu trưởng của trường cho biết. Với nhiều thầy cô miền núi, Tết đến được trở về sum họp bên gia đình, cạnh người thân đã là một niềm hạnh phúc. Chút quà mọn gói mì chính, chai dầu ăn gửi về xuôi như một niềm an ủi.
Thưởng Tết, với những người thầy, người cô cắm bản là một điều quá xa vời. “Điều kiện các trường miền núi còn gặp nhiều khó khăn về mọi mặt nên hàng năm nguồn kinh phí đưa về hầu hết là lo trang trải cho công tác dạy và học nên giáo viên ở đây chưa bao giờ biết đến khái niệm thưởng Tết là như thế nào” - Cô Võ Thị Lộc,Trưởng phòng giáo dục huyện Quỳ Châu tâm sự.
Ở một số trường gần với trung tâm có nhiều thuận lợi hơn thì quà tết cho giáo viên giới hạn trong khoảng từ 50 - 100 nghìn đồng, ngoài ra công đoàn nhà trường còn hỗ trợ bằng việc cho thêm gói mì chính để thầy cô về ăn Tết.
Tuy nhiên, một số điểm trường thuộc vùng khó khăn ở huyện Quỳ Châu như Châu Hoàn, Châu Phong thì quà của giáo viên mỗi dịp Tết đến xuân về có chăng cũng chỉ là lời chúc sức khỏe, là gói kẹo, bịch cà phê hay mấy thẻ hương trầm mang đặc trưng riêng của phố núi. Nhưng, chỉ cần như thế thôi cũng đã động viên, an ủi và làm ấm lòng những thầy cô giáo trẻ.
Xuân về, chuyện thưởng Tết với giáo viên năm nào cũng được nhắc đến nhưng đâu lại vào đó. Với đội ngũ giáo viên, những con người góp phần nuôi dưỡng mầm non, nhân tài và nguồn lực cần phải được quan tâm. Dẫu không đủ đầy nhưng được xã hội biết đến mỗi khi tết đến xuân về cũng là một niềm an ủi.
Phan Tuyết - Ngọc Anh
.