Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201212/24678-rat-can-nhung-noi-dung-thiet-thuc-393813/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201212/24678-rat-can-nhung-noi-dung-thiet-thuc-393813/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Rất cần những nội dung thiết thực - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 09/12/2012, 09:51 [GMT+7]
24678

Rất cần những nội dung thiết thực

Từ thực trạng học sinh vi phạm pháp luật...

Chúng ta đang nỗ lực để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xem pháp luật là thượng tôn, không ai có quyền đứng ngoài, đứng trên pháp luật. Kêu gọi mọi người tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Thế nhưng, đối với học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước, thì việc chấp hành pháp luật xem ra còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm.
 
Những năm gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa nhiều tin bài, hình ảnh về học sinh vi phạm pháp luật nói riêng và những trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật nói chung. Đối với học sinh, những vi phạm pháp luật thường gặp mà hầu như trường nào cũng có, nhất là đối với học sinh THPT, đó là học sinh đánh nhau.

Nếu như trước đây, chuyện đánh nhau chỉ dành cho học sinh nam, học sinh nữ mà đánh nhau chỉ là cá biệt. Thế nhưng, gần đây nữ sinh đánh nhau đã trở nên phổ biến.
 
Điều đáng quan tâm là như người xưa đã dạy “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, những kẻ lười biếng học tập, thiếu ý thức tu dưỡng rèn luyện, thích ăn chơi, thể hiện mình ở các trường trên một địa bàn cấp huyện đã liên kết lại với nhau, cộng với sự tiện lợi từ điện thoại đã thông tin kịp thời cho nhau nên nhiều lúc các vụ mâu thuẫn nhỏ, trong một trường đã liên kết, kéo hội, nhóm lại với nhau thành những vụ đánh nhau có tổ chức, đánh nhau tập thể.
 
Ở tuổi học sinh, hành vi vi phạm pháp luật khá phổ biến nữa là trộm cắp tài sản, “xin đểu” hay còn gọi là trấn lột. Nhóm tội phạm này dành cho những đối tượng nghiện game online, hết tiền rồi mượn xe bạn để “cắm”, khi không mượn được nữa thì lấy cắp, “xin đểu”. Cũng có nhóm học sinh thích chơi bời hưởng lạc, tụ tập ăn uống, trong lúc ở độ tuổi học sinh thì chưa làm ra tiền, thành ra khi túng thiếu thì làm liều dẫn tới vi phạm pháp luật.
 
Một trong những hành vi vi phạm pháp luật nữa cũng rất phổ biến trong học sinh đó là vi phạm luật giao thông. Khi tan trường, ở cổng các trường THPT người đi đường không khó để bắt gặp những hình ảnh vi phạm Luật giao thông đường bộ như đi môtô không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe (vì chưa đủ tuổi để học và thi giấy phép lái xe), thậm chí còn chở 3 chở 4 đánh võng lạng lách để cho oai trước đám bạn cùng trang lứa vừa tan trường.
 
Giáo dục pháp luật vào trong trường học đang là nhiệm vụ cấp thiết để đảm bảo
môi trường học đường lành mạnh
 
Đối với học sinh đi xe đạp thì đi hàng ba, hàng bốn trên đường, xô đẩy nhau, trời mưa còn đi ô… Tất cả những hành vi ấy đều vi phạm Luật giao thông đường bộ nhưng không ít học sinh cứ hồn nhiên vi phạm và xem đó là hành động bình thường.

Đến cách giáo dục pháp luật trong nhà trường
 
Trong nhà trường phổ thông hiện nay, có nhiều lực lượng cùng tham gia giáo dục pháp luật. Từ Ban Giám hiệu nhà trường thông qua các buổi chào cờ đầu tuần thường có nội dung tuyên truyền giáo dục pháp luật, đến các buổi sinh hoạt chi đoàn, hoạt động ngoại khóa, sân khấu hóa các cuộc thi, cuộc hội diễn của Đoàn trường… đều lồng ghép đưa nội dung giáo dục pháp luật đến với học sinh.
 
Đối với môn Giáo dục công dân trong nhà trường, song song với giáo dục đạo đức, chương trình cải cách, đổi mới sách giáo khoa cũng đã đưa nhiều văn bản luật đến với học sinh. Và các buổi giáo dục ngoài giờ lên lớp cũng lồng ghép để tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật đến với học sinh.
 
Ngoài ra, trong trường hàng năm còn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật. Đó là những kênh thông tin quan trọng để học sinh có cơ hội hiểu biết về pháp luật. Thế nhưng, nhìn chung, học sinh vẫn ít thuộc bài và điều quan trọng hơn là có khi thuộc lý thuyết nhưng thực hành lại không như lý thuyết đưa ra. Có nghĩa là rất nhiều học sinh đã được tiếp cận, thậm chí là hiểu biết về pháp luật song không chấp hành pháp luật, thậm chí coi thường pháp luật.
 
Vậy nguyên nhân do đâu, theo chúng tôi, có hai lý do cơ bản đó là hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật hiện nay còn xơ cứng, nặng về hình thức và lý thuyết nên chưa thu hút, hấp dẫn sự chú ý đối với học sinh; thứ hai là nội dung phổ biến giáo dục pháp luật còn ôm đồm, chưa trọng tâm, trọng điểm, chưa thiết thực đối với học sinh.

Và cần những nội dung thiết thực hơn
 
Nội dung thiết thực yêu cầu không được tách rời những điều luật đã quy định trong các bộ luật mà Nhà nước đã ban hành. Có nghĩa là trong các điều luật cần phải phổ biến giáo dục đến với học sinh cần chọn những nội dung liên quan trực tiếp, thiết thực và những điều mà học sinh hay vi phạm nhất để giáo dục.
 
Trong giáo dục cần lấy nhiều dẫn chứng là những câu chuyện vụ án, câu chuyện pháp luật trong thực tế, nếu là các vụ án xảy ra tại địa phương của học sinh càng tốt để minh họa. Nhất là nhấn mạnh đến những hậu quả từ các vụ án ấy, hình phạt mà tòa đã tuyên đối với những hành vi vi phạm pháp luật từ các đối tượng trong độ tuổi học sinh gây ra. Có như vậy, học sinh mới dễ nhớ và có tính răn đe cao.
 
Trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cũng chú ý đến nhóm cấu thành tội phạm, hành vi vi phạm, khung hình phạt, nhất là những điều mà học sinh còn chủ quan nhất để tạo sự chuyển biến trong nhận thức của học sinh. Về hình thức tuyên truyền cũng cần linh hoạt hơn.
 
Ngoài các lực lượng giáo dục phổ biến pháp luật trong nhà trường, các trường cũng cần mời thêm các đồng chí trong tổ phổ biến pháp luật của Công an huyện, hoặc cán bộ phòng tư pháp huyện đến nói chuyện với học sinh thì học sinh quan tâm hơn, chú ý lắng nghe hơn. Vì các đồng chí công an hoặc cán bộ tư pháp là những người có vốn kiến thức pháp luật thực tế phong phú, trực tiếp chỉ đạo hoặc xử lý, giải quyết nhiều vụ việc pháp luật nên dẫn chứng minh họa dồi dào thiết thực hơn.
 
Bên cạnh đó, tuyên truyền pháp luật cần gắn với giáo dục lý tưởng, giáo dục đạo đức, giáo dục các giá trị và kỹ năng sống cho học sinh để khi học sinh nhận thức đúng thì có hành động đúng, lý thuyết với thực hành phải gắn chặt với nhau.
 
Một trong những điều cũng rất quan trọng trong giáo dục pháp luật cho học sinh đó là việc người lớn phải làm gương để học sinh noi theo. Chẳng hạn, nhắc nhở học sinh chấp hành nghiêm Luật giao thông đường bộ thì thầy cô giáo cũng thực hiện đầy đủ trước đã, nhất là phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy đến trường. Người cán bộ tuyên truyền cũng vậy, phải gương mẫu từ tác phong, lời nói cho đến hành động. Có như vậy, học sinh mới tự nguyện noi theo.

Công việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh thực sự là một quá trình gian khó, cần thường xuyên, kiên trì và sự vào cuộc của toàn xã hội. Có như vậy, trước mắt hạn chế được hiện tượng học sinh vi phạm pháp luật và về lâu về dài sẽ hình thành được những thế hệ công dân tốt, có ý thức kỷ luật cao, có hiểu biết và tôn trọng pháp luật.

Hồ Đình Kiếm
.