Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201212/24623-nguoi-ccb-50-nam-suu-tam-anh-bac-ho-393861/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201212/24623-nguoi-ccb-50-nam-suu-tam-anh-bac-ho-393861/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Người CCB 50 năm sưu tầm ảnh Bác Hồ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 06/12/2012, 09:00 [GMT+7]
24623

Người CCB 50 năm sưu tầm ảnh Bác Hồ

Vào dịp ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2012, trong lần quay trở lại huyện Anh Sơn để thăm, chúc mừng một cô giáo ở xã Lạng Sơn, tôi tìm đến nhà ông Phạm Ngọc Bỉnh ở xóm 6, một cơ sở đã cho chúng tôi ăn, nghỉ gần 30 năm trước khi chúng tôi đang công tác ở Công an huyện Anh Sơn.

Thăm lại căn nhà và đặc biệt gian phòng hồi trước tổ công tác chúng tôi thường nằm nghỉ, tôi mới phát hiện ra rằng, căn phòng đó hiện nay ông Bỉnh đã sử dụng để treo các khung ảnh (hơn 60 khung) với hơn 600 bức ảnh về Bác Hồ mà ông đã âm thầm sưu tầm từ các báo, tạp chí, sách... và cất giữ 50 năm nay.

Ý tưởng xuất hiện từ một lần được gặp Bác

Ông Bỉnh cho biết: Ngày 9/12/1961, khi Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2, ông đã vinh dự đi bảo vệ Bác và được gặp Bác. Lúc đó, ông là Tiểu đội trưởng D25, Bộ đội công binh Quân khu 4, đóng quân ở Rú Đụn, Nam Đàn. Được thấy vị lãnh tụ tối cao, vị cha già dân tộc, ông Bỉnh quá xúc động.
 
Ông ghi vào nhật ký và cất giữ đến hôm nay: "Lần đầu tiên và có lẽ là lần duy nhất trong đời mình được gặp Bác Hồ, hạnh phúc quá, sung sướng quá".
 
Thế rồi, biết khó được gặp Bác lần thứ 2, từ hôm đó với lòng kính yêu, thương nhớ Bác, ông Bỉnh âm thầm sưu tầm, cất giữ các bức ảnh về Bác Hồ trên các tranh, ảnh, sách báo, tạp chí... Dù cuộc đời quân ngũ chiến chinh lúc ở Việt Nam, lúc sang Lào, hay sau này phục viên chuyển ngành về công tác tại địa phương, trong ba lô, đồ dùng cá nhân và sau này ở tủ nhà ông luôn luôn có đầy đủ các bức ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Công việc sưu tầm ảnh Bác càng lôi cuốn ông Bỉnh thành một đam mê khi ông được xem bộ phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn" với lời bình trong phim "Số người đã được nhìn thấy Bác Hồ không nhiều, số người được gặp Bác càng quý hiếm. Được tiếp xúc, hiểu tường tận về con người ấy đã trở thành mơ ước, trở thành nhu cầu tinh thần, tình cảm của hàng chục triệu người Việt Nam và hàng triệu người trên thế giới. Nhưng lịch sử là lịch sử, bánh xe lịch sử không quay ngược lại, đó là nhược điểm tất yếu của lịch sử mà nghệ thuật phải phấn đấu để bù đắp...", dù ông không dám nhận rằng việc giữ lại những bức ảnh của Bác là một nghệ thuật.
 
Vợ chồng ông Bỉnh đang nghiên cứu một bức ảnh về Bác Hồ

Mua khung ảnh, dành một gian nhà để trưng bày ảnh Bác

Đã mấy năm nay, qua các phương tiện truyền thông và sinh hoạt cựu chiến binh, đoàn thể, khối xóm, ông Bỉnh biết được rằng Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta đang phát động toàn Đảng, toàn dân "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" nên từ vài năm trở lại đây, ông đã mua khung để lắp các ảnh Bác vào theo từng chủ đề như: "Quê nội, quê ngoại và những người thân của Bác Hồ", "Bác Hồ kêu gọi thi đua ái quốc", "Bác Hồ với đồng bào miền Nam", "Bác Hồ chiêu hiền đãi sỹ", "Bác Hồ với lực lượng vũ trang", "Có Bác Hồ ta mới có hôm nay"... và dành một gian nhà nhỏ để trưng bày các bức ảnh này.

Ông Bỉnh cho biết: Mình yêu quý, kính trọng Bác nên sưu tầm, lưu giữ ảnh Bác để hàng ngày ngắm Bác với tâm nguyện phấn đấu, học tập, noi gương Bác và giáo dục vợ con, các cháu sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác chứ không phải để khoa trương, hình thức. 50 năm qua, tôi đã âm thầm làm công việc này, nhưng bây giờ, Đảng ta đang thực hiện cuộc vận động lớn "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", cần phải để cho mọi người biết mà học tập và làm theo Bác.
 
Tôi tuổi cũng đã cao, sức khoẻ đi xuống, việc sưu tầm ảnh Bác đến ngày 9/12/2012 này là vừa đúng 50 năm. Đến ngày đó, tôi sẽ thắp hương cúng Bác, xin Bác cho tôi công khai trưng bày các bức ảnh của Người. Hiện, đã có nhiều cựu chiến binh, nhiều cụ cao tuổi và bà con chòm xóm đến chiêm ngưỡng các bức ảnh của Bác, sau ngày đó chắc số người đến chiêm nghiệm tìm hiểu sẽ nhiều hơn...

Kho tư liệu quý

Tuy qua tranh ảnh, sách báo nhưng hơn 600 bức ảnh của Bác Hồ kèm theo những lời chú giải thực sự là một kho tư liệu quý. Như khung ảnh có chủ đề "Quê nội, quê ngoại và gia đình Bác Hồ" có đầy đủ những người thân của Bác, hay khung ảnh có tựa đề "Bác Hồ chiêu hiền đãi sỹ" có bức ảnh chụp Bác Hồ với nhà khoa học Trần Đại Nghĩa với lời chú giải "Bác Hồ đã thu phục được nhà khoa học Trần Đại Nghĩa bỏ thành phố Paris hoa lệ với mức lương tương đương 22 lạng vàng/tháng để về chiến khu Việt Bắc kham khổ chế tạo ra vũ khí đánh Pháp"; hoặc khung ảnh có tựa đề  "Bác Hồ với lực lượng vũ trang" có đầy đủ ảnh Bác với  các chiến sỹ đại đoàn quân tiên phong ở đền Hùng, với Bộ đội Hải quân, với Công an nhân dân...
 
Kho tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh của ông Bỉnh
 
Ngoài các bức ảnh về Bác còn có một số ảnh các nhà hoạt động cách mạng với Người như đồng chí Hồ Tùng Mậu, Võ Nguyên Giáp, Chu Huy Mân, Lê Đức Thọ...
 
Ông Bỉnh còn tập hợp từ sách báo, văn kiện của Đảng, chính sách của Nhà nước thành từng tập tư liệu quý theo các chuyên đề giúp cho học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu và những ai quan tâm tìm hiểu về các chuyên đề, lĩnh vực như: "Sưu tầm về Đảng", "Sưu tầm về Bác", "Sưu tầm danh ngôn", "Các mô hình hay" các chuyên đề "Nông nghiệp", "Thanh niên", "Phụ nữ", "Sức khoẻ đời sống", "Tìm hiểu thế giới", "Tìm hiểu Nghệ An", "Tìm hiểu Anh Sơn"... Đây thực sự là những tư liệu quý giá, bổ ích cho nhiều người khi cần tham khảo, tra cứu.

Tâm nguyện cuối đời

Ông Bỉnh tâm sự:
"50 năm âm thầm miệt mài sưu tầm, cất giữ, bảo quản các bức ảnh về Bác Hồ giờ là thời điểm thích hợp để giới thiệu trưng bày, bởi quỹ thời gian đối với ông không còn nhiều".
 
Hiện nay, ông đã làm được 62 khung ảnh và lắp các ảnh vào khung theo các chủ đề. Với số lượng ảnh còn lại và sưu tầm tiếp, ông phấn đấu để treo được 100 khung ảnh. Dù căn nhà có chật chội nhưng việc trưng bày ảnh Bác được cả nhà đồng tình, vợ và con cháu ủng hộ... Nhưng rồi khi tuổi già, khuất núi, liệu con cháu ông có thời gian và điều kiện cùng tâm huyết để lưu giữ mãi cho hậu thế. Vậy nên, nếu như việc làm của ông được một tổ chức chính trị xã hội nào đó, hay chính quyền các cấp quan tâm "giữ hộ" thì dù có nhắm mắt, ông cũng yên lòng...

Tạm biệt ông Bỉnh, rời mảnh đất Anh Sơn trăm thương ngàn nhớ với những bãi mía, bãi ngô nương dâu xanh ngát ven dòng Sông Lam uốn lượn... Tôi nghĩ việc làm của ông Bỉnh là cao quý, hiếm có, đáng trân trọng và cần được tuyên truyền, phổ biến... và đó là trách nhiệm của những người làm công tác tuyên truyền, những nhà báo như chúng tôi.

Bá Minh
.