Vào năm Mậu Tý (1788), Nguyễn Huệ đã xuống chiếu giao cho Trấn thủ Nguyễn Thận và La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp tổ chức xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô ở giữa vùng núi Dũng Quyết và núi Kỳ Lân. Và trên mảnh đất “hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng” đã được chọn năm xưa, Đền thờ Vua Quang Trung được dựng nên thỏa ý nguyện của nhân dân tôn vinh người anh hùng áo vải của dân tộc.
Đền là chốn linh thiêng, nơi mang đặc thù văn hóa tâm linh. Những vật chất quanh đền là linh vật. Những linh vật cho dù là khối đá vô tri thì đến đó người dân cũng phải tỏ lòng thành kính. Thế nhưng, ngày nay, lớp trẻ đặc biệt là học sinh, sinh viên đến đền với nhiều mục đích khác nhau. Sự tôn nghiêm đáng kính không còn nữa mà thế vào đó là sự cười đùa quá trớn, ăn mặc hở hang, khêu gợi, sự thiếu văn hóa trong việc viết nhăng viết cuội trên các tấm bia đá, và đặc biệt vô tình là trèo lên linh vật, cưỡi lên voi, lên ngựa ăn mặc hở hang chụp ảnh với các kiểu tư thế.
Ăn mặc hở hang hồn nhiên tạo dáng chụp ảnh trên linh vật tại
Đền thờ Vua Quang Trung
|
Tôi lên Đền thờ Vua Quang Trung vào một ngày cuối Thu. Không khỏi ngỡ ngàng trước hình ảnh hai bạn sinh viên mặc quần đùi ngắn hồn nhiên trèo lên ngựa trước cổng đền chụp ảnh tạo nên sự phản cảm. Với nhiều tư thế chụp cùng với những tiếng nói, tiếng cười đùa, phá vỡ đi sự trang nghiêm, tôn kính ở chốn linh thiêng vốn có của nó.
Đi thẳng vào trong đền, mặc dù có những tấm biển ghi rõ vào đền không đội mũ nón, ăn mặc nghiêm túc, không mặc quần áo ngắn... Thậm chí có biển yêu cầu mọi người thực hiện 3 không: Không đi bộ, thể dục trong sân đền; không mặc quần áo ngắn khi vào đền; không nói chuyện nô đùa gọi nhau gây ồn ào mất trật tự trong đền. Thế nhưng, hình như chẳng ai lưu ý đến những tấm biển ấy?
Đến chỗ những tấm bia ghi công trạng của Vua Quang Trung, đằng sau những tấm bia ấy chi chít những từ ngữ kiểu như xin đậu trường này, trường kia, rồi xin có người yêu... của các bạn học sinh, sinh viên.
Sự thiếu ý thức của mọi người cũng như việc giáo dục chưa đầy đủ triệt để đã làm mất đi hình ảnh đẹp về văn hóa Việt Nam vốn trang nghiêm, thành kính... Hy vọng càng ngày việc giáo dục nhận thức của con người được dần nâng cao cùng với việc quản lý chặt chẽ từ phía Ban quản lý đền thờ Vua Quang Trung sẽ trả lại chốn trang nghiêm, nơi hội tụ khí thiêng của xứ Nghệ hào hùng.
Phan Tuyết
.