Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Trí (thời gian công tác ở Lào được bạn đặt tên là Khăm Xình (vàng mười)) quê ở xã Phúc Thành (Yên Thành) nguyên là Phó Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng bộ đội Biên phòng Nghệ An. Nhân ngày giỗ người anh hùng và là năm kỷ niệm "50 năm hợp tác Việt Lào" tôi và anh Vi Tố Định, nguyên chỉ huy phó Bộ đội biên phòng Nghệ An, đến thăm nhà. Bà Nguyễn Thị Nhung, người vợ ông Trí và anh Vi Tố Định kể 2 mẩu chuyện người anh hùng trên đất Lào…
Chuyện dùng mẹo binh vận
Bà Nhung kể: "Ở Bản May nhà cụ Pò Xốm có một con trai và hai người cháu đi lính Ngụy trên đồn Pò Vái. Anh nghĩ nếu được cụ giúp đỡ thì có thể lấy tin qua con cháu ấy. Thế nhưng tiếp cận cụ rất khó. Tìm hiểu kỹ anh Trí biết thêm hồi trẻ cụ Pò Xốm chơi thân với cụ Pò Thênh. Cụ Pò Thênh đã từng đi bộ đội Pa-thét, sau về quê sinh sống, khi bị ngụy Viêng Chăn càn quét cụ chuyển nhà đi thị trấn Pôn xa.
Thế là anh cơm đùm cơm nắm đến Húa Phẳn tìm cụ Pò Thênh. Anh phải nằm trong rừng ba ngày ba đêm mới gặp được cụ ấy đi tìm trâu để đón đường hỏi chuyện. Cuối cùng anh nhờ cụ thuyết phục hộ cụ Pò Xốm theo cách mạng.
Cụ Pò Thênh hứa sẽ giúp nhưng cụ dặn: “Đối với người Lào, các vị cao niên thường hay nể trọng những người có chức vụ hoặc hàm ơn một việc gì đó. Già nghe nói bấy lâu nay thỉnh thoảng các anh vẫn gửi quà cho cháu Y Mày, con thằng cả, khi vợ nó bị chết. Làm thế là đúng, thế nào rồi ông ấy cũng quý các anh cho mà xem. Còn với tôi, tôi sẽ viết mấy chữ để nói thêm với cụ Xốm…”.
Quả đúng như vậy, sau khi anh thưa chuyện cụ Pò Thênh gửi thư, lời hỏi thăm và chuyển cân đường, hộp sữa, cái vú cao su cho cháu Y Mày thì cụ Pò Xốm rơm rớm nước mắt.
Cụ nói: “Hồi đánh thằng Pháp, mẹ thằng Pò Khăm chết tôi phải gà trống nuôi con. Nay đến lượt nó đi lính Mỹ, vợ nó lại chết để cháu nhỏ tui nuôi một mình; chẳng ai hiểu nỗi cực của tui cả. Tui căm thù thằng đế quốc nó ác. Người của Khăm Xình thì khác, bày vẽ cho dân làm ăn, đoàn kết thương nhau lại thương người nữa. Mẹ Y Mày mất đã bốn tháng, không có các anh cho cân đường hộp sữa thì nó cũng thành ma rừng rồi. Từ nay tôi tin người của Khăm Xình thật thà tốt bụng đấy. Tôi sẽ bảo thằng Pò Khăm về để cám ơn ân nhân”.
|
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Trí |
Vào một buổi sáng, anh thấy Pò Xốm đi trước, một người lính mặc áo rằn ri cặm cụi bước theo sau, đi vào khu rừng bọn anh ém quân. Khăm Xình thuyết phục y về với cách mạng và mong được kết nghĩa anh em. Cụ Pò Xốm nói hộ là để coi đã, bây giờ con ông là lính tại đồn, muốn về với cách mạng thì phải có cớ mới khỏi bị đổ máu.
Từ đấy về sau, Pò Khăm nhiều lần gặp Khăm Xình, cung cấp nhiều tin quan trọng. Nhờ đó mà anh báo về chỉ huy chiến dịch, đánh đâu thắng đấy, ít bị thương vong và tránh được những trận càn, những cuộc oanh kích lớn vào cơ sở giải phóng.
Qua Pò Khăm anh còn móc nối được với nhiều sỹ quan cao cấp nữa. Từ các nguồn tin trên, anh biết được về tổ chức, quân số, trang bị, chỉ huy của Quân khu 2 và Phân khu gần nơi công tác; phát hiện 11 toán thám báo khác thường hoạt động sang Việt Nam và vùng giải phóng bạn.
Tháng 12/1970, theo chủ trương của trên và Huyện ủy bạn, ta hỗ trợ cho đồn Pò Vái làm binh biến, Pò Khăm cùng 30 tay súng đã về với cách mạng. Để có cớ cho Pò Khăm, đơn vị ta nổ súng tấn công đồn, bỏ lại mấy cái ba lô làm chứng. Nhân dân quanh đồn đều vui mừng đón chồng con về với gia đình.
Ba năm sau, năm 1973, khi anh Trí được phong danh hiệu anh hùng, chính Pò Khăm cũng nhắn tin và gửi quà sang Nghệ An, chúc mừng.
Hàng phục tướng phỉ
Đại tá Vi Tố Định kể: Tên trùm phỉ Pò Xọ ngoan cố nhất vùng Mường Mộc, hắn chỉ sợ có Khăm Xình nhưng tin rằng trong một trận đánh năm 1975 Khăm Xình đã bị hắn bắn chết; nay không có đối thủ. Hắn tuyên bố chống cách mạng đến cùng. Mặc dù đất nước Lào đã được giải phóng, từ năm 1975, nhưng vùng Mường Mộc do tên Pò Xọ cầm đầu đến năm 1993, vẫn quậy phá gây cho ta nhiều thiệt hại nghiêm trọng.
Tác giả và bà Nhu vợ Anh hùng Trần Văn Trí
Riêng năm 1992, các nhóm phỉ này đã 8 lần liều lĩnh tập kích vào các đơn vị bộ đội và một số bản làm chết 8 người, đốt cháy 18 nhà dân, lôi kéo 225 hộ gia đình theo chúng. Hắn thách thức: “Nếu đưa được Khăm Xình đến đây, cho Pò Xọ nhìn tận mặt, thì Pò Xọ sẽ quy hàng nếu không thì… bao giờ chặt hết cây rừng”…
Trước yêu cầu láo xược đó, bộ đội biên phòng ta bàn cách trừng trị hắn sao cho khỏi đổ máu và triệt được cái gốc cơ bản lâu dài. Nhiều người trong lãnh đạo và Bộ chỉ huy thấy không cần thiết phải mạo hiểm để đồng chí Khăm Xình xuất hiện, nhất là đồng chí Chỉ huy trưởng lúc đó tuổi đã cao, đang cương vị quan trọng - Đại tá Trần Văn Trí lúc này là Phó Giám đốc Công an tỉnh, kiêm Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Nghệ An.
Nhưng cuối cùng với bản lĩnh vững vàng và nhiều kinh nghiệm, chỉ huy trưởng vẫn quyết định chọn phương án để đồng chí trực tiếp thuyết phục.
“Từ nơi máy bay trực thăng đậu, vào đến “đại bản doanh” tên Pò Xọ phải đi bộ mất một ngày đường đèo dốc. Anh Trí lại đang ốm, chúng tôi xin cáng anh vài quãng cho đỡ mệt nhưng anh vẫn từ chối, tự chống gậy đi. Vào đến nơi, chúng tôi yểm trợ vòng ngoài để anh Trí đi vào ngôi nhà đầu khe, với lời nhắn “Đại tá Khăm Xình đến gặp Pò Xọ mời ra bàn chuyện”.
Chúng tôi lo lắm, kẻ địch có thể làm liều. Nhưng không, chúng tôi đã chứng kiến một cảnh tượng hết sức kỳ lạ - Tên Pò Xọ sau khi nhận dạng đúng Khăm Xình, hắn đã quỳ mọp xuống, bò lết đến ôm chân “thần tượng” ngửa mặt lên run run nói: “Tôi đã bắn ông không chết thì đến lượt Pò Xọ phải chết dưới tay ông thôi!”.
Anh Trí đỡ hắn dậy, ân cần khuyên bảo hắn không ai phải chết ở đây cả. Miễn quân của Pò Xọ không chống lại nhân dân và cách mạng, hạ súng trở về. Tên tướng phỉ đập đầu xuống đất thề sẽ thuyết phục đồng bọn, hạ vũ khí hàng, không chống quân Khăm Xình nữa. Kỳ lạ hơn, tên này còn khẩn khoản xin được “làm thằng em kết nghĩa với Khăm Xình!”.
Buổi lễ kết nghĩa đơn giản mà long trọng được diễn ra. Tôi nghĩ, anh thật xứng đáng với cái tên Khăm Xình (vàng mười) mà đồng bào đất nước Triệu Voi đã yêu mến tặng cho.
Hoàng Thanh Quỳnh
.