Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201212/24565-noi-hoi-tu-linh-thieng-dong-ho-ho-viet-nam-393916/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201212/24565-noi-hoi-tu-linh-thieng-dong-ho-ho-viet-nam-393916/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nơi hội tụ linh thiêng dòng họ Hồ Việt Nam - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 03/12/2012, 09:10 [GMT+7]
24565

Nơi hội tụ linh thiêng dòng họ Hồ Việt Nam

Cùng với những thăng trầm của lịch sử, Đền thờ Vua Hồ cũng đã bao lần thay đổi hưng phế. Trong những năm gần đây, con cháu họ Hồ trong cả nước đã đồng lòng, chung sức đóng góp để khôi phục lại Đền Vua Hồ thật sự bề thế, uy nghiêm, trở thành một trong những nhà thờ họ lớn bậc nhất của nước ta.
 
Theo sử sách ghi lại, Đức Nguyên Tổ họ Hồ Việt Nam là Trạng nguyên Hồ Hưng Dật. Ngài thuộc dân Bách Việt, người huyện Vũ Lâm, tỉnh Chiết Giang (ven biển và phía Nam sông Dương Tử), đỗ Trạng nguyên thời vua Hậu Hán Ẩn Đế (948 - 951).
 
Ông thuộc dòng dõi con cháu Ngu (Nghiêu) Thuấn (2255 - 2108 TCN). Con Ngu Yên được Chu Vũ Vương (1066 - 1063 TCN) phong cho đất Trần, gọi là Hồ Công (tước Công) nên con cháu lấy họ Hồ. Giai đoạn này ở Trung Nguyên loạn to, nên ông có thể dịch cư sang Châu Diễn và làm thái thú, cùng với Đinh Công Trứ (cha của Đinh Bộ Lĩnh) làm thái thú Châu Hoan.

Hồ Hưng Dật sang làm thái thú Châu Diễn mấy năm thì loạn 12 sứ quân, ông đến hương Bào Đột (nay là xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) lập nghiệp. Sau khi thôi quan, ông lui về chiêu dân lập ấp, làm trại chủ tại hương Bào Đột, được nhân dân tôn làm Thần Thành Hoàng. Ông là nguyên tổ một họ Hồ duy nhất ở Việt Nam.

Năm Quý Mùi (1403), niên hiệu Khai Đại thứ nhất, vua Hồ Hán Thương xây dựng Đền thờ Nguyên Tổ và các bậc Tiên liệt họ Hồ tại hương Bào Đột. Sách Đại Việt sử ký toàn thư (NXBVH, H.2009, tr439) ghi:
“Hán Thương dựng các Miếu thờ ở các lăng Thiên Xương (Thanh Hóa) để thờ cúng Tổ Khảo, sớm chiều cúng tế. Lại dựng Miếu thờ ở các lăng Đào Bột Phủ Linh Nguyên để thờ cúng tổ tiên. Ở Kinh thành dựng Đông Thái Miếu để thờ cúng tôn phái họ Hồ, Tây Thái Miếu để thờ cúng họ ngoại là Trần Minh Tông và Trần Nghệ Tông”.
 
Đền thờ Nguyên Tổ được xây dựng ở vị trí rất đắc địa theo phong thủy: Đền thờ dựa lưng vào núi Long Ngai, trước mặt là kênh nhà Hồ. Nhân dân địa phương đã đặt tên những địa điểm vua Hồ Hán Thương cùng quân đội đã từng lưu lai Bào Đột như hòn Lọng, đỉnh Cột cờ, Bãi Tập. Những tên gọi ấy còn lưu đến ngày nay.
 
Đền thờ là từ đường dòng họ, đồng thời là Đền thờ Thần Hoàng của cư dân địa phương. Đây là một ngôi đền lớn với kiến trúc Trần Hồ, chẳng những là di sản văn hoá có giá trị của Nghệ An, mà của cả nước. Lễ hội Đền được tổ chức vào ngày 12 tháng 3 âm lịch hàng năm, Đại lễ 3 năm một lần, kéo dài từ 3 - 5 ngày. Về sau nhân dân trong vùng (huyện Diễn Châu, huyện Quỳnh Lưu và huyện Yên Thành ngày nay) rước linh vị các vua Hồ về cúng tế nên thường gọi là Đền Vua Hồ. Lễ nghi cúng tế do nhân dân trong vùng phụ cận Đền Vua Hồ là lễ hội Đền.

Tuy nhiên, do thời gian, thăng trầm lịch sử Đền thờ bị xuống cấp, tàn phá. Năm 1971, Đền thờ bị tháo dỡ, công trình xưa đã hoàn toàn bị san phẳng, chỉ còn lại bãi cỏ tranh, di tích lịch sử có niên đại thời Trần - Hồ linh thiêng chỉ còn lại vết tích trên nền đất cũ. Công trình nguy nga và lễ hội tưng bừng chỉ còn trong tâm thức của người dân Quỳnh Lưu và xứ Nghệ.
 
Một góc của Đền Vua Hồ tại Bào Đột, xã Ngọc Sơn, Quỳnh Lưu
 
Trải qua hơn ngàn năm, trên 40 đời con cháu họ Hồ tỏa khắp mọi miền đất nước cùng muôn dân trăm họ chung lòng, đã tiếp thu giáo huấn của nguyên tổ, phấn đấu làm tròn nhiệm vụ công dân nước Việt trên tất cả các mặt văn trị, võ công, kinh bang tế thế, góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam.
 
Lịch sử đã ghi nhận những bậc anh minh, thiên tài, danh nhân, anh hùng, nhà cách mạng lẫy lừng. Các thế hệ hậu duệ nối tiếp nhau noi gương tiên liệt, phát huy trí tuệ, khí phách, đạo lý truyền thống dòng họ Hồ và truyền thống dân tộc Việt Nam. Trong đó có những người để lại dấu ấn nổi bật trong lịch sử dân tộc như Vua Hồ Quý Lý - nhà cải cách táo bạo, vua Quang Trung (Hồ Thơm) - thiên tài quân sự,…

Phục dựng Đền thờ Đức Nguyên Tổ họ Hồ là tâm nguyện từ lâu của bà con trong dòng họ.
Ngày nay, con cháu họ Hồ - cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương - đang có kế hoạch tái tạo lại một phần để tưởng niệm nguyên tổ Hồ Hưng Dật - vị tổ đã sản sinh nhiều nhân vật kiệt xuất cho đất nước suốt trường kỳ lịch sử từ thế kỷ thứ X cho đến nay.

Ngày 11 tháng giêng năm Bính Tuất (2006), với sự nỗ lực của ông Hồ Huy, Hồ Chương và sự cung tiến của con cháu họ Hồ trong và ngoài nước, khuôn viên cũ của Đền, xây tường bao bằng đá, khánh thành nhà bia tưởng niệm Đức Nguyên Tổ tại Bào Đột. Trong ngày trọng đại đó của dòng họ Hồ, có hàng nghìn con cò trắng đã bay về nơi đây.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu họ Hồ Việt Nam lần thứ III và thể theo nguyện vọng của con cháu trong họ, Ban Liên lạc họ Hồ Việt Nam được sự cho phép của các cấp chính quyền và sự hỗ trợ kinh phí của các ông Hồ Huy, Hồ Chương, Tập đoàn Mai Linh đã hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể khu Di tích, thiết kế chi tiết các hạng mục công trình Đền thờ Nguyên Tổ và các vua Hồ đúng tại vị trí cũ. 
 
Đây là công trình có quy mô, tầm vóc và ý nghĩa lịch sử, văn hóa, tâm linh, nơi thờ cúng tổ tiên của họ Hồ Việt Nam. Ước tính gần 70 tỷ đồng, phấn đấu cơ bản hoàn thành vào năm 2013 nhân kỷ niệm 610 năm Vua Hồ Hán Thương xây dựng Đền thờ Nguyên Tổ. Và theo kế hoạch, đến năm 2015 toàn bộ Đền Vua Hồ được hoàn thành. Toàn bộ số tiền gần 70 tỷ đồng sẽ được vân động các con cháu họ Hồ trong và ngoài nước, cùng các doanh nghiệp đóng góp.

Đền thờ Vua Hồ được khởi công xây dựng từ tháng 2 năm 2011. Sau gần hai năm xây dựng, đến nay đã hoàn thành giai đoạn I gồm: 1 tòa chính điện làm bằng gỗ lim theo kiến trúc đời nhà Hồ, san lấp mặt bằng, với tổng kinh phí 12 tỷ đồng. Từ nay đến năm 2013, công trình Đền thờ Vua Hồ sẽ được tiếp tục thi công giai đoạn II, với tổng dự toán trên 50 tỷ đồng.

Từ năm 2011 đến nay, số lượng du khách thăm Đền ngày càng đông. Ngoài con cháu họ Hồ trong và ngoài nước, nhiều bà con trong vùng và các huyện lân cận đến với số lượng ngày một tăng. Đền Vua Hồ thực sự trở thành nơi thu hút con cháu họ Hồ tìm về nguồn cội, cũng như du khách tìm đến nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh.

Hiện nay, Ban quản lý di tích Đền Vua Hồ đang hoàn thành hồ sơ để trình Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích cấp quốc gia.

Đền Vua Hồ là một công trình lịch sử - văn hóa tâm linh, là sự tri ân tổ tiên, hướng về cội nguồn của nhân dân trong vùng và con cháu họ Hồ Việt Nam. Đồng thời là một trong những di tích nổi tiếng của Nghệ An và cả nước. Mong rằng với tấm lòng hướng về nguồn cội, quyết tâm của con cháu họ Hồ Việt Nam, Đền Vua Hồ sẽ sớm hoàn thành.
 
Để góp phần phát huy tốt những giá trị của Đền, cần có sự quan tâm của các cơ quan Nhà nước để Đền Vua Hồ là nơi hội tụ của con cháu dòng họ Hồ Việt Nam, góp phần tôn vinh những danh nhân của dân tộc và giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Vân Đình
.