Ngành GD&ĐT hiện đang trực tiếp quản lý trên 700.000 HSSV thuộc các cấp học khác nhau. Việc các đơn vị trường học tiên phong đi đầu trong công tác phòng chống HIV/AIDS sẽ góp phần đáng kể trong nỗ lực chung của toàn xã hội nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ có nhận thức và cách hành xử thích hợp trước nguy cơ lây lan, bùng phát của căn bệnh nguy hiểm này.
Ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo cho các đơn vị trường học phổ biến nội quy học tập tới tất cả các đối tượng HSSV, trong đó có nội dung về phòng chống HIV/AIDS, yêu cầu HSSV và phụ huynh cùng ký cam kết thực hiện lối sống lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội, không buôn bán, tàng trữ trái phép các chất ma túy.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT cũng đã xây dựng chương trình hành động cụ thể về công tác phòng chống HIV/AIDS cho toàn ngành, có kế hoạch chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở các đơn vị trường học. Đồng thời, tiến hành cung cấp, trang bị cho các cơ sở giáo dục hệ thống kiến thức cơ bản về các biện pháp phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS thông qua các nguồn tài liệu, sách báo, băng đĩa.
Mặc dù vậy, công tác phòng chống HIV/AIDS ở các đơn vị trường học hiện đang gặp phải một số khó khăn. Việc cung cấp các kiến thức cơ bản về HIV/AIDS mới chỉ được lồng ghép trong nội dung bài học của một số môn học ít nhiều có liên quan như: Sinh học, Giáo dục công dân... trong khi các đơn vị kiến thức thuộc các môn học mà học sinh phải tiếp thu còn khá “nặng”. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả của công tác phổ biến, tuyên truyền.
Tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS trong trường học là việc làm cần thiết hiện nay
Đối với các đơn vị trường học đóng ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, việc tiếp cận với các nguồn tài liệu tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi ở những địa bàn này, đối tượng học sinh đa số là con em dân tộc thiểu số nên kỹ năng sống và sự hiểu biết về căn bệnh thế kỷ này còn hết sức sơ sài, thậm chí chỉ là con số 0.
Đây cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng số người nhiễm HIV có chiều hướng gia tăng ở một số huyện miền núi phía Tây như: Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu… Nguồn nhân lực trực tiếp thực hiện công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS đóng vai trò quan trọng.
Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan và chủ quan khác nhau, phần lớn đội ngũ nhân viên y tế ở các đơn vị trường học hiện nay chưa được trang bị đầy đủ, bài bản về kỹ năng nghiệp vụ thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền phòng chống AIDS. Vì thế, việc tư vấn, định hướng, giáo dục cho học sinh nắm được những kiến thức cơ bản về căn bệnh thế kỷ này vẫn còn hạn chế, hiệu quả chưa cao.
Để công tác phòng chống HIV/AIDS ở các đơn vị trường học trở thành hoạt động có nề nếp, phát huy hiệu quả, trước hết, mỗi đơn vị trường học cần nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng chống đại dịch HIV/AIDS. Xem đây như là nhiệm vụ thiết yếu của nhà trường trong việc đào tạo nên những thế hệ học sinh vừa có đủ đức, trí, thể, mỹ vừa có khả năng “đề kháng” trước các tệ nạn xã hội và nguy cơ bị lây nhiễm HIV/AIDS.
Cần đưa công tác phòng chống HIV/AIDS trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục trong suốt cả năm học, được nhấn mạnh thành hoạt động chủ điểm vào tháng 12 hàng năm. Nhằm tạo sức cuốn hút, hấp dẫn các đối tượng học sinh, bên cạnh việc lồng ghép kiến thức phòng chống HIV/AIDS trong một số môn học đặc thù, cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền như: tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, sân khấu hóa, tổ chức các câu lạc bộ, diễn đàn phòng chống AIDS. Bên cạnh đó, cần quan tâm tới công tác tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giáo dục, tư vấn đối với đội ngũ nhân viên làm công tác y tế trường học.
Trong số các nội dung tuyên truyền giáo dục, ngoài việc cung cấp cho HSSV các kiến thức cơ bản về HIV/AIDS, các biện pháp phòng tránh lây nhiễm, đặc biệt cần chú trọng tới nội dung chống thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV. Đây cũng là nội dung thiết thực vừa thể hiện tính nhân văn, thân thiện trong môi trường học đường vừa là giải pháp quan trọng góp phần ngăn chặn sự lây lan, bùng phát của căn bệnh thế kỷ này.
Minh Tuấn
.