Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201211/24055-nguyen-tiem-chien-sy-cach-mang-nhiet-huyet-nguoi-cong-san-kien-trung-394315/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201211/24055-nguyen-tiem-chien-sy-cach-mang-nhiet-huyet-nguoi-cong-san-kien-trung-394315/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nguyễn Tiềm - Chiến sỹ cách mạng nhiệt huyết, người cộng sản kiên trung - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 10/11/2012, 07:21 [GMT+7]
24055

Nguyễn Tiềm - Chiến sỹ cách mạng nhiệt huyết, người cộng sản kiên trung

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí (1912 - 2012), Báo Công an Nghệ An xin lược trích đăng về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Tiềm - Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Nghệ An.
 
Đồng chí Nguyễn Tiềm (bí danh Quảng, Cát), sinh ngày 10/11/1912 trong một gia đình nhà nho ở xóm Hạ, làng Dương Liễu, nay thuộc xóm 1, xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Sau những năm theo học chữ Hán với cha là Nguyễn Danh Chính, năm 1920 Nguyễn Tiềm vào học Quốc ngữ tại trường làng rồi lên học trường huyện.
 
Năm 1926, khi mới 14 tuổi đã thi đậu vào lớp đề nhất B Cao đẳng Tiểu học, Trường Quốc học Vinh. Cuối năm 1927, Nguyễn Tiềm là 1 trong 3 học
Nguyễn Tiềm - Chiến sỹ cách mạng nhiệt huyết, người cộng sản kiên trung
sinh của trường được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, sau đó đồng chí cùng 2 hội viên khác của Hội này thành lập Tiểu tổ Hội Thanh niên hoạt động ở Trường Quốc học Vinh, tích cực tuyên truyền Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Sinh đoàn của Đảng Tân Việt và hướng tổ chức này hoạt động theo đường lối của Hội Thanh niên.
 
Tháng 6/1929, Tiểu tổ Hội Thanh niên ở Trường Quốc học Vinh chuyển thành Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng, đồng chí được chỉ định làm Bí thư Chi bộ. Thời gian này đồng chí đã tích cực tuyên truyền, giác ngộ những hội viên Sinh đoàn ưu tú để kết nạp vào Đảng, thành lập và điều hành Tổng sinh hội Nghệ An, làm chủ bút Báo Xích Sinh, kịch liệt phê phán nhận thức sai lệch về Chủ nghĩa cộng sản, liên tiếp kêu gọi học sinh đấu tranh chống luật lệ hà khắc trong trường và đòi quyền tự do dân chủ... Với nhiệt huyết và quyết tâm cách mạng, đồng chí cùng BCH Tổng sinh hội đưa phong trào học sinh Nghệ - Tĩnh tiến lên hòa nhịp với phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân.
 
Lo sợ trước ảnh hưởng của Nguyễn Tiềm đối với học sinh, sinh viên, ngày 3/3/1930, thực dân Pháp đã quyết định đuổi học đồng chí. Từ đây, đồng chí Nguyễn Tiềm thực sự trở thành một cán bộ cách mạng của Đảng, hy sinh hạnh phúc riêng tư, dấn thân cống hiến cho sự nghiệp xây dựng Đảng, lãnh đạo nhân dân đấu tranh.
 
Ngày 25/4/1930, đồng chí Nguyễn Tiềm đã lãnh đạo Tổng sinh hội Nghệ An phát truyền đơn vạch trần âm mưu nói xấu cách mạng, nói xấu cộng sản của Tổng đốc Nghệ An Hồ Đắc Khải và kêu gọi học sinh các trường tẩy chay trò hề diễn thuyết của hắn. Từ đó, phong trào học sinh ở Vinh và cả vùng Nghệ - Tĩnh ngày một lên cao.
 
Tháng 6/1930, đồng chí Nguyễn Tiềm được Phân cục Trung ương ở Trung kỳ chỉ định vào Ban Chấp hành Tỉnh bộ lâm thời Nghệ An, phụ trách tuyên truyền. Đến tháng 10/1930, đồng chí chính thức được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An. Là cán bộ cách mạng chủ chốt, đồng chí Nguyễn Tiềm đã hòa mình trong không khí đấu tranh cách mạng sục sôi của quần chúng; vừa củng cố, chăm lo tổ chức, đối phó với cuộc “khủng bố trắng” của thực dân Pháp, vừa lo giải quyết khó khăn của đời sống cán bộ, nhân dân, cùng với BCH Tỉnh ủy đề ra một số chủ trương, mục tiêu đấu tranh cụ thể về chính trị, quân sự, kinh tế và tổ chức.
 
Ban Chỉ đạo các ngày lễ lớn tỉnh kiểm tra tại Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Tiềm
(xóm 1, Nam Trung, Nam Đàn)
 
Cuối tháng 5/1931, đồng chí được bầu bổ sung vào Ban Thường vụ Xứ ủy Trung kỳ, phụ trách công tác tuyên truyền. Mặc dù địch truy lùng ráo riết nhưng đồng chí đã cùng với Lê Viết Thuật bám sát quần chúng xung quanh thành phố Vinh để lãnh đạo, duy trì hoạt động của Xứ ủy. Do sức khỏe yếu lại làm việc nhiều nên bệnh phổi tái phát, đồng chí được đưa về cơ sở cách mạng để điều trị.
 
Sau thời gian theo dõi, đêm 17/11/1931, đồng chí bị kẻ thù vây bắt khi đang điều trị tại nhà bà Vệ - một cơ sở cách mạng ở làng Bến Đền. Vừa chống chọi với bệnh tật, vừa chịu đựng những trận đòn tra tấn dã man của địch nhưng đồng chí vẫn một mực kiên trung, giữ trọn khí tiết thủy chung với Đảng, vẫn nỗ lực lãnh đạo các cuộc đấu tranh chống chế độ lao tù khắc nghiệt.
 
Ngày 19/1/1932, Nguyễn Tiềm bị Tòa án Nam triều Nghệ An tuyên án tử hình. Trước sức mạnh đấu tranh của nhân dân, ngày 21/6/1932, Tòa khâm sứ Trung kỳ buộc phải giảm xuống án khổ sai chung thân và ngày 23/7/1932 bọn chúng đày đồng chí vào nhà tù Lao Bảo. Bị tra tấn tàn nhẫn, cùng với bệnh tật, sức khỏe yếu, ngày 11/10/1932, đồng chí đã hy sinh, khi vừa tròn 20 tuổi.
 
Đảm nhận cương vị Bí thư Tỉnh ủy khi mới 18 tuổi, đến ngày hy sinh chỉ sau 2 năm (1930 - 1932) nhưng đó là quãng thời gian đầy khó khăn đối với đồng chí Nguyễn Tiềm cũng như với Đảng bộ tỉnh Nghệ An - chiếc nôi cách mạng của cả nước.
 
Cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, cho lý tưởng cao đẹp của Đảng. Sự ra đi của đồng chí là tổn thất của phong trào cách mạng tỉnh nhà nhưng chân dung Nguyễn Tiềm - người chiến sỹ cách mạng hết lòng vì sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc của đồng chí vẫn mãi mãi tỏa sáng.

Xuân Thống
.