Lớp học đặc biệt được dựng lên ngay chính giữa những ngôi nhà thuyền cũ kỹ, chắp vá với cả tấm lòng yêu thương mà các bạn tình nguyện viên dành cho những mảnh đời thiếu may mắn.
Trong khoảng không gian bé nhỏ đó, hơn hai năm nay người dân nơi đây đã quá quen thuộc với hình ảnh các bạn trẻ màu áo xanh tình nguyện đến dạy học cho trẻ con xóm vạn chài.
Bạn Cao Thị Vân Anh - người phụ trách đội tình nguyện dạy học của lớp cho biết: “Một tuần cứ ba buổi chiều vào thứ 4, thứ 7 và chủ nhật đều đặn bọn mình đến dạy học ở đây. Vì đa số đều có lịch học ở trường nữa nên các bạn chủ động chia lịch cho phù hợp. Bên cạnh đó, hàng ngày còn có các bạn đăng ký qua diễn đàn của CLB nên số tình nguyện viên đến dạy cho các em ngày càng đông. Hiện tại số lượng đó đã lên đến 25 người. Ngoài sinh viên của Trường ĐH Vinh còn có các bạn ở các trường khác như: ĐH Y khoa Vinh, CĐ Kinh tế Nghệ An và Trường chuyên Phan Bội Châu. Các bạn tình nguyện viên đã duy trì lớp học được hơn hai năm nay với sĩ số từ 10 - 13 em và chủ yếu dạy các môn: Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, Lý, Hóa. Thân quen rồi thành gắn bó, giờ đây các bạn xem công việc dạy học cho các em ở đây như một phần không thể thiếu trong quãng thời gian sinh viên của mình”.
Còn nhớ những ngày đầu khi mới thành lập, lớp học gặp rất nhiều khó khăn. Các tình nguyện viên của CLB thành Vinh đã phải đi kêu gọi từ thiện và tự bỏ tiền túi của mình ra để sắm sửa các đồ dùng cho lớp học. Mái nhà nhỏ được dựng lên ngay trên sông nước cùng những chiếc bàn, chiếc ghế còn thơm mùi gỗ mới, ánh đèn điện cũng được thắp sáng lên như xua tan cảnh tối tăm, nghèo khổ của xóm vạn chài.
Tuy nhiên những thiếu thốn về vật chất là không đáng kể so với thái độ của những hộ dân nơi đây. “Lúc đầu bọn mình không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các bậc phụ huynh. Họ tỏ ra thờ ơ và không đón nhận nhưng nắm bắt được tâm lý của họ, bọn mình đã ra sức động viên, thuyết phục, đồng thời tận tâm dạy dỗ, chỉ bảo cho các em nên dần dần cũng đã “lấy lòng” được những người dân nơi đây. Giờ thì xóm chài đã xem những tình nguyện viên như con cái trong nhà” - Vân Anh cười chia sẻ.
Những đứa trẻ vạn chài với làn da đen nhẻm, tóc cháy khô nhưng ánh mắt lại sáng lên lấp lánh mỗi buổi đón các thầy cô giáo đến lớp. Tận mắt chứng kiến cảnh lớp học diễn ra trên sông nước mới cảm nhận rõ được niềm khát khao tìm con chữ của những đứa trẻ nơi đây.
Lớp học tình thương ở xóm chài ven sông
Cũng bởi vì lẽ đó mà các bạn sinh viên tình nguyện đã tìm đến xóm chài với nhiều cảm xúc. Bạn Lê Thị Cẩm Tú tâm sự: “Một lần tình cờ vào diễn đàn của CLB em đã rất bất ngờ và xúc động khi biết ngay chính trên mảnh đất mình sinh sống có sự tồn tại của một lớp học đầy tình yêu thương và những mảnh đời thiếu may mắn. Em tự nhận thấy mình là người quá hạnh phúc trên cuộc đời này và em muốn chia sẻ, đồng cảm với những hoàn cảnh của các bé bằng những việc làm thiết thực nhất. Vì thế em đã đăng ký tham gia dạy học cho các em. Đã hơn một năm “đứng lớp” và càng ngày em càng thấy yêu và gắn bó hơn với xóm chài".
Những ngày mưa bão lụt lội, nước ngập dâng cao có khi cuốn phăng bàn ghế nhưng các anh chị tình nguyện viên vẫn miệt mài gieo chữ cho các em nơi đây. Đó cũng là lý do giải thích vì sao trong muôn vàn khó khăn, thiếu thốn lớp học tình thương vẫn tồn tại suốt thời gian hai năm qua.
Chứng kiến các em chăm chỉ học hành, các tình nguyện viên đều cảm thấy ấm lòng và hạnh phúc. Đáp lại sự hy sinh và niềm tin tưởng của các anh chị, những đứa trẻ nghèo đã luôn chăm chỉ học tập. Ngoài giờ học ở trường và phụ giúp mẹ cha mưu sinh, thời gian rảnh rỗi là các em lại miệt mài, cặm cụi bên những bài toán, những cuốn tập viết còn dang dở.
Trong số học sinh của lớp học này có tới 5 em luôn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến ở trường. Có trường hợp đặc biệt hơn là em Lê Văn Tú (học sinh lớp 9) có học lực khá nhưng vì điều kiện gia đình quá khó khăn nên em phải nghỉ học giữa chừng.
Các bạn tình nguyện viên đã bền bỉ thuyết phục gia đình, động viên tình thần của Tú, đồng thời đã kêu gọi cùng nhau quyên góp tiền bạc và các vật dụng cần thiết để giúp Tú tiếp tục việc học tập. Những việc làm thiết thực đó đã làm cho những người dân ở xóm vạn chài thực sự xúc động và thêm yêu quý các bạn trẻ nhiều hơn.
Dù các bạn sinh viên còn bận rộn với những giờ học tập trên giảng đường nhưng lớp học vẫn đều đặn diễn ra. Giữa mênh mông sóng nước, trên nhà thuyền cũ kỹ, xiêu vẹo chiều chiều lại rộn ràng tiếng giảng bài của các thầy cô giáo và giọng đọc trong trẻo của những học sinh cấp 1, cấp 2.
Hình ảnh đẹp đó đã quá quen thuộc với người dân, lũ trẻ nơi đây. Trong cái chớm lạnh đầu đông, người ta vẫn cảm nhận rõ hơi ấm đang lan tỏa từ những trái tim tình nguyện. Lớp học tình thương đã phần nào chắp cánh cho ước mơ học hành và khát vọng thay đổi cuộc đời của những đứa trẻ nghèo vùng sông nước bay cao, bay xa hơn nữa…
Ngọc Anh
.