Từ 2 năm nay, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Dũng Hợp phải mượn tạm nhà văn hóa xóm Thuận Yên, xã Nghĩa Dũng để bố trí dạy học cho các em học sinh. Tuy nhiên, việc dạy và học ở đây không phải lúc nào cũng diễn ra thuận lợi.
Cô giáo Nguyễn Thị Liễu - Giáo viên chủ nhiệm lớp 2D Trường Tiểu học Dũng Hợp - Tân Kỳ cho biết: “Có những lúc cô, trò đang dạy thì ban cán sự xóm đến đọc thông báo cho nhân dân. Khi tiếng loa nói thì các em học sinh cứ phải chú ý lắng nghe làm gián đoạn quá trình dạy và học. Nhưng cô trò chúng tôi cũng quen rồi…”.
Năm học 2012 - 2013, Trường Tiểu học Dũng Hợp có 536 học sinh với 22 lớp học. Nhưng hiện nay, nhà trường chỉ có 4 phòng học kiên cố đạt tiêu chuẩn, 12 phòng học tạm bợ và có 6 lớp học nhà trường phải mượn tạm nhà văn hoá xóm, nhà công vụ của trường để bố trí dạy học. Việc dạy và học ở những địa điểm mượn tạm cũng gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả tiếp thu bài giảng của các em học sinh.
Khi học ở các điểm trường này, các em học sinh không có điều kiện giao lưu, học ngoại khoá với các học sinh ở các khối, lớp khác của nhà trường. Bên cạnh đó, các giáo viên bộ môn như ngoại ngữ, nhạc, hoạ mỗi ngày phải đi đến 6, 7 điểm trường với khoảng cách khá xa để dạy học nên cũng ảnh hưởng đến giờ lên lớp và chất lượng dạy học.
Trường Tiểu học Dũng Hợp thi công dang dở nay bị bỏ hoang
Nguyên nhân thiếu phòng học là do vào năm 2010, Trường Tiểu học Dũng Hợp được đầu tư xây dựng 14 phòng học từ nguồn vốn kiên cố hoá trường, lớp học. Nhưng khi công trình đang thi công dở thì đầu năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11, trong đó có nội dung về cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách Nhà nước. Bởi vậy, nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà học bị cắt giảm, nhà thầu không có khả năng thi công nên hiện nay tại các điểm đang thi công dang dở cỏ đã mọc um tùm.
Không chỉ Trường Tiểu học Dũng Hợp mà một số trường học ở Tân kỳ đã được phê duyệt xây mới từ nguồn vốn kiên cố hoá trường lớp học đều phải tạm ngừng thi công sau khi Nghị quyết số 11 của Chính phủ được ban hành. Bởi vậy mà hiện nay, một số trường học ở các xã vùng sâu, vùng xa như Đồng Văn, Tân Hợp, Nghĩa Hợp, Nghĩa Dũng… học sinh đang phải học ở những lớp học bị xuống cấp nghiêm trọng.
Trước tình hình đó, ngành giáo dục huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương các cấp đầu tư vốn để tu sửa một số phòng học nhằm đảm bảo cho việc dạy và học, tuy nhiên việc khắc phục khó khăn này vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu về phòng học tại một số địa phương.
Việc cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách Nhà nước là một chính sách đúng đắn của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, các công trình đã được phê duyệt đầu tư và xây dựng dang dở đặc biệt là trường học mà bị cắt giảm đầu tư thì đó là một thiệt thòi lớn cho những em học sinh đang phải học tạm trong những mái nhà không phải là lớp học đúng nghĩa.
Như Lành
.