Gian nan con đường tìm chữ
Xuôi theo dòng sông Quàng vượt qua những đoạn đường đất trơn trượt vì trời mưa, chúng tôi mới đến được xã Quang Phong, một trong những xã vùng sâu huyện miền núi Quế Phong. Tận mắt chứng kiến cảnh các em học sinh lội qua sông để đến trường chúng tôi không khỏi lo âu và xót xa cho con đường đến trường của các em nhỏ nơi đây.
Trường THCS Quang Phong nằm sát tuyến đường Châu Thôn - Tân Xuân, có 325 học sinh, thì 123 em ở bên kia sông. Tuy nhiên, với các em học sinh ở bên kia sông thì ngôi trường này quá xa xôi. Dòng sông Quàng là vật cản rất lớn con đường đến trường của các em học sinh ở đây. Chỉ cách một tầm nhìn vậy mà việc đến được trường là một điều không hề dễ dàng.
Để học được cái chữ, các em học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 với nhiều độ tuổi khác nhau và cũng tìm đủ cách để vượt qua dòng sông. Lúc thì bơi lội qua sông, lúc thì đi bè, có khi ngồi trên vai cha mẹ cõng qua sông, tùy vào nước nhiều hay nước ít. Khi mưa to thì tất cả các em đều phải nghỉ học.
Dù nước lớn nhưng các em vẫn đi bè nứa đến trường
Thầy Nguyễn Huy Công - Hiệu trưởng Trường THCS Quang Phong chia sẻ: “Trời mưa lớn nước sông chảy xiết, chúng tôi phân công các giáo viên ra bờ sông để ngăn không cho các em học sinh qua, do các em học sinh bên đó đông không đến lớp được chúng tôi cho nghỉ cả trường, để các em theo kịp chương trình, nếu các em muốn qua sông thì phải cho bố mẹ đưa sang, tuyệt đối chúng tôi không để các em tự sang sông khi nước dâng cao”.
Do con đường đến trường quá gian nan, vất vả, có nhiều em không chịu được nên phải bỏ học ở nhà. Thương các em, những lần như vậy các thầy cô lại lội sông đến nhà vận động các em đến trường. Để các em gắn bó với trường lớp, ngoài sự nỗ lực của các em và các bậc phụ huynh cũng phải kể đến công lao to lớn của các thầy cô giáo trong trường. Các thầy cô rất hiểu tâm lý của các em, ngoài giờ học các thầy cô còn dạy các em biết nỗ lực, vượt qua hoàn cảnh khó khăn.
“Hôm nào có tiền thì đi bè, không có thì chúng em phải cởi quần áo bơi qua sông để đến lớp, nhiều khi em cũng muốn bỏ học nhưng thấy các bạn trong làng vẫn đến trường nên em không bỏ học nữa”, em Lô Văn Hùng, học sinh lớp 9A2 chia sẻ với chúng tôi. Mùa hè lội sông đi học còn đỡ mùa đông thì chân thâm tím, thật đáng thương cho các em trên hành trình tìm con chữ của mình.
Nhiều em không có tiền qua bè phải lội sông
“Con đường đến trường của các em vẫn còn nhiều gian nan, mong sao nhà bán trú sớm được bàn giao, để những khi mưa to, lũ về các em đều đến trường như những ngày bình thường, không còn lội qua sông trong những ngày đông giá rét”, thầy Công tâm sự.
Mong lắm một cây cầu
Xã Quang Phong có 12 thôn, bản trong đó có 6 bản bị ngăn cách bởi dòng sông Quàng. Khi trời nắng bình thường nước cạn, các em có thể tự bơi qua sông đến trường, nếu em nào có tiền thì đi bè nứa. Vì là học sinh nên chủ bè cũng chỉ thu tiền của các em từ 1.000 - 2.000 đồng/lần, do hoàn cảnh quá khó khăn nhiều em không có phải chấp nhận bơi qua sông.
Anh Sầm Văn Đại, trưởng bản Chiếng cho biết: “Mỗi khi thấy các em bơi qua sông người dân cũng rất lo lắng, nhiều em mới học lớp 6, lớp 7 mà hàng ngày phải bơi qua sông đi học, chúng tôi mong sao có một cây cầu để các em đến trường thuận lợi hơn”.
Khổ nhất là các em học sinh ở bản Tỉn Pú, Bản Cu, Cỏ Hướng, Páo I, Páo II, Nậm Xái. Khi trời mưa to là những bản này đều bị cô lập hoàn toàn với trung tâm xã, không có cách nào để qua sông.
Thấy thương các em học sinh mỗi lần đến trường phải bơi qua sông, người dân trong bản đã tự bắc những chiếc cầu khỉ bằng gỗ để cho các em qua lại dễ dàng. Nhưng do trời mưa to nước sông Quàng chảy xiết làm trôi mất cầu tạm của người dân. Phương tiện qua sông của các em học sinh cũng như người dân là những chiếc bè nứa rất nguy hiểm. Trong trận mưa đầu tháng 9 vừa qua tất cả các em học sinh bên kia sông đều phải nghỉ học.
Ông Vi Thái Điệp - Chủ tịch UBND xã Quang Phong cho biết: “Nhiều khi thấy các em phải lội sông đi học, xã cũng muốn xây cầu kiên cố nhưng ngân sách eo hẹp nên việc đó là không thể. Chúng tôi đã báo cáo với huyện và tiến hành khảo sát xây cầu treo qua sông Quàng để thuận lợi cho các em, nhưng do địa hình phúc tạp nên việc xây cầu vẫn chưa thực hiện được”.
Bây giờ đang là mùa mưa lũ, mong muốn có cầu để các em đến trường học, cũng như người dân trong xã để đi lại thuận tiện vẫn còn là một điều rất xa vời.
Lương Đậu
.