Không phải tất cả các đám cưới đều vi phạm trật tự an toàn giao thông. Rất nhiều đám cưới được tổ chức theo nếp sống mới, không linh đình cỗ bàn, vừa tiết kiệm, vừa thể hiện nếp sống văn minh, không những vậy, việc đưa rước dâu còn được diễn ra trong an toàn, trật tự, chấp hành tốt các quy định về an toàn giao thông.
Mặc dù vậy, trên thực tế bấy lâu nay, từ nông thôn tới thành thị, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông trong các đám cưới vẫn diễn ra khá phổ biến, trong khi việc xử lý lại chưa được tiến hành nghiêm túc, triệt để.
Vi phạm đầu tiên dễ nhận thấy là tình trạng dựng rạp đám cưới lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang an toàn giao thông, làm mất mỹ quan đô thị và gây cản trở giao thông. Trong thời điểm vật giá leo thang, không có điều kiện tổ chức đám cưới ở các nhà hàng, khách sạn, không ít các gia đình ở các vùng thành phố, thị xã đã chọn giải pháp dựng rạp ngay trên vỉa hè.
Thậm chí, có không ít đám cưới, để có đủ chỗ ngồi cho các thực khách, rạp cưới còn được dựng lấn ra cả lòng đường gây cản trở, bất lợi cho người tham gia giao thông, nhất là trên những tuyến đường nhỏ hẹp, có nhiều phương tiện tham gia lưu thông.
Cùng với nạn rạp cưới “bám” lòng đường là tình trạng khi đến dự đám cưới, ô tô, xe máy dừng, đậu khắp các vỉa hè, lòng đường ngay sát cạnh rạp cưới, không gian riêng dành cho người đi bộ hầu như bị trưng dụng làm bãi giữ xe của các thực khách.
Nhiều gia đình dựng rạp cưới ngay dưới lòng đường làm cản trở giao thông
Vi phạm an toàn giao thông dễ nhận thấy trong các đám cưới hiện nay là khi rước dâu, ôtô, xe máy dàn hàng 3, hàng 4 trên đường, chở quá số người quy định, gây cản trở và ách tắc giao thông. Khi gặp phải đèn đỏ, không ít đám rước dâu vẫn ngang nhiên… “thẳng tiến” vì cho rằng: Nếu dừng lại sẽ gặp “xui xẻo”?!
Rất nhiều “nam thanh, nữ tú” tham gia giao thông trong đám cưới không đội mũ bảo hiểm vì cho rằng: Đi đám cưới đông người, sẽ chẳng có cảnh sát giao thông nào đứng ra xử phạt. Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng rượu, bia trong đám cưới còn diễn ra khá phổ biến. Sau khi tiệc cưới tan, không ít thực khách trong tình trạng “quá chén”, nồng độ cồn trong máu vượt mức quy định, vẫn “vô tư” điều khiển mô tô, xe máy, thậm chí có một số thanh niên bốc đồng còn lạng lách, đánh võng, phóng nhanh, vượt ẩu, gây nguy hiểm đối với bản thân và người đi đường.
Năm 2012 là năm an toàn giao thông quốc gia, để hạn chế đi đến chấm dứt tình trạng vi phạm an toàn giao thông trong các đám cưới, cần sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt từ phía gia đình, khối, xóm đến các lực lượng chức năng. Các đơn vị khối, xóm, khu dân cư cần thực hiện nghiêm các quy định về nếp sống văn hóa, văn minh trong việc tổ chức lễ cưới, chú trọng việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, xem đây như là một tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại gia đình văn hóa, khối, xóm văn hóa.
Lực lượng chức năng, nhất là lực lượng cảnh sát giao thông cần thực sự quyết liệt trong việc xử lý các trường hợp vi phạm. Theo đó, cần xử lý nghiêm tình trạng điều khiển ô tô, xe máy vi phạm luật giao thông ngay cả khi đang đi rước dâu. Trong những “ngày đẹp” có thể có nhiều đám cưới được tổ chức, cần tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông chốt ở các giao lộ, nơi có tín hiệu đèn giao thông.
Khi có tín hiệu đèn đỏ, yêu cầu xe đưa rước dâu phải dừng lại, bất kể đó là đám cưới của ai nhằm đảm bảo tính bình đẳng và nghiêm minh của pháp luật. Đồng thời, xử phạt các trường hợp ô tô, xe máy đi đám cưới dừng, đậu tùy tiện sai quy định gây cản trở giao thông.
Cuối cùng, để góp phần chấm dứt tình trạng vi phạm an toàn giao thông trong các đám cưới, bà con 2 họ và cô dâu, chú rể cần có trách nhiệm nhắc nhở bạn bè, người thân chấp hành tốt luật giao thông khi tham dự đám cưới của mình để ngày vui được trọn vẹn và cũng nhằm hạn chế những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Bùi Minh Tuấn
.