Ban đầu, những từ mới, cách diễn đạt mới chỉ được chấp nhận trong một nhóm người nhất định, nhưng sau đó, nhờ sự trợ giúp của các phương tiện công nghệ hiện đại như: Điện thoại di động, mạng Internet… tiếng lóng và ngôn ngữ “chat” nhanh chóng được lan rộng và trở nên phổ biến.
Trong giao tiếp hàng ngày, tiếng lóng đang được giới trẻ “hồn nhiên” sử dụng. Một trong những phương thức sử dụng tiếng lóng hiện nay là dùng các từ loại như: Danh từ, động từ, tính từ… để nhấn mạnh hoặc gây sự chú ý đối với sự việc được nói tới. Chẳng hạn như: “giờ cao su”, “chim cú”, “a cay”, “xà lách”…
Việc sử dụng tiếng lóng trong ngôn ngữ giao tiếp được xem như là một thứ “tín hiệu” giữa những người cùng trang lứa. Trong sự phát triển của nhịp sống hiện đại, với lối sống nhanh, năng động, không ít người đã mặc nhiên sử dụng tiếng lóng khi giao tiếp với mục đích tạo ra cảm giác mới mẻ, gần gũi. Tuy nhiên, tiếng lóng được sử dụng tùy hứng, bừa bãi, không phù hợp với ngữ cảnh giao tiếp lại thành ra phản cảm.
Thậm chí, trong nhiều trường hợp, tiếng lóng bị lạm dụng trở nên thô tục, chẳng hạn: Hỏi thăm sức khỏe người lớn tuổi thì “sức khỏe của bác có ngon không?”, hay muốn hỏi bạn đã ăn cơm chưa thì “Mày đã đớp chưa?”… Chính cách nói chướng tai này khiến cho đối tượng giao tiếp và cả những người xung quanh lắm lúc cảm thấy khó chịu, phật lòng.
Một hiện tượng lệch lạc khác trong việc sử dụng tiếng lóng của giới trẻ là sự lai căng, pha tạp giữa tiếng “Tây” với tiếng “Ta”. Thói quen “pha” tiếng Anh vào lời nói như là cách để thể hiện “đẳng cấp” và khả năng ngoại ngữ khiến một số người đã không ngần ngại đệm tiếng “Tây” vào trong lời nói của mình ngay cả khi đang giao tiếp với người lớn tuổi. Chẳng hạn như: “so-ry chị”, “Thanh-kiu bác”, “ô-kê thầy”. Việc “phối hợp” ngôn ngữ bừa bãi, tùy tiện như vậy đã làm mất đi sự trong sáng vốn có của tiếng Việt.
Bên cạnh việc sử dụng tiếng lóng, ngôn ngữ “chat” cũng đang xuất hiện và lây lan với tốc độ nhanh trong giới trẻ. Đáng nói là, ngôn ngữ “chat” đã thâm nhập cả vào đời sống học đường. Không chỉ được sử dụng trong quá trình giao tiếp bằng ngôn ngữ nói, ngôn ngữ “@” còn xuất hiện cả trong khi diễn đạt bằng ngôn ngữ viết của học sinh. Từ thói quen sử dụng thứ ngôn ngữ này để nhắn tin hay trao đổi thông tin trên Internet, ngôn ngữ “chat” còn được nhiều học sinh sử dụng khi chép bài học.
Thậm chí, nó còn được sử dụng trong các bài kiểm tra. Không chỉ trong các bài kiểm tra thông thường trên lớp, ngay cả trong những kỳ thi quan trọng như: Tốt nghiệp THPT hay tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng vẫn có những học sinh sử dụng ngôn ngữ “chat” trong bài làm của mình. Những từ được sử dụng nhiều như: “ah” (à), “ko” (không), “bit” (biết), “of” (của), “thik” (thích), “wa” (quá), “bih” (bây giờ)…
Một số học sinh cho rằng, sử dụng ngôn ngữ “chat” thường xuyên sẽ góp phần tiết kiệm thời gian do rút ngắn bớt các từ, bên cạnh đó, còn là cách để thể hiện cá tính riêng của mình, nếu học sinh nào không sử dụng thì bị coi là lỗi thời, lạc hậu, không “sành điệu”.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, nhiều giáo viên, nhất là giáo viên dạy môn Ngữ văn cho biết: Nhiều khi đọc bài kiểm tra của học sinh mà không hiểu các em đang viết gì vì bài thi sử dụng quá nhiều ngôn ngữ ký tự, ký hiệu.
Như vậy, việc lạm dụng ngôn ngữ “chat” trong học tập trong một thời gian dài có thể gây ra những hệ quả tiêu cực, khiến cho học sinh quên đi cách sử dụng từ ngữ theo đúng chuẩn mực, gây trở ngại trong quá trình giao tiếp với những người “không cùng thế hệ”. Xa hơn, khi thường xuyên sử dụng thứ ngôn ngữ này một cách bừa bãi có thể ít nhiều ảnh hưởng tới tính cách như: Tùy tiện, hời hợt, cẩu thả…
Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội. Cùng với sự biến đổi của thời gian, đời sống xã hội, ngôn ngữ tất yếu cũng có sự thay đổi. Giới trẻ ngày nay đang sống trong một xã hội hiện đại với nhịp sống hối hả, năng động. Việc một bộ phận giới trẻ có những “sáng tạo” riêng khi sử dụng ngôn ngữ trong quá trình giao tiếp để việc giao tiếp sinh động hơn cũng là điều dễ hiểu. Mặc dù vậy, tình trạng giới trẻ sử dụng tiếng lóng tràn lan, vô tội vạ, mọi lúc, mọi nơi, không phù hợp với hoàn cảnh và môi trường giao tiếp là vấn đề cần được quan tâm.
Không thể phủ nhận một cách cực đoan việc sử dụng tiếng lóng, ngôn ngữ “chat”, tuy nhiên để đảm bảo tính chuẩn mực và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, qua các giờ học, giáo viên cần tinh tế khơi gợi cho học sinh niềm tự hào đối với tiếng Việt, giúp các em có ý thức giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc.
Bên cạnh đó, trong cuộc sống hằng ngày, nhà trường cần phối hợp với gia đình trong việc nhắc nhở, điều chỉnh khi giới trẻ lạm dụng tiếng lóng, ngôn ngữ “chat” trong quá trình giao tiếp, nhất là khi tạo lập các văn bản đòi hỏi tính chuẩn mực cao.
Bùi Minh Tuấn
.