Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201209/22713-tre-vao-lop-1-phu-huynh-lo-395408/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201209/22713-tre-vao-lop-1-phu-huynh-lo-395408/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Trẻ vào lớp 1, phụ huynh lo... - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 04/09/2012, 16:12 [GMT+7]
22713

Trẻ vào lớp 1, phụ huynh lo...

Xoay quanh hiện tượng khá phổ biến hiện nay rằng trẻ mầm non thường học trước chương trình lớp 1, bên cạnh yếu tố tâm lý từ chính bậc phụ huynh, cũng phải nhìn nhận rằng còn có việc các trường cũng tổ chức “thi tuyển” trẻ vào lớp 1, một điều không còn là mới nhất là trong mấy năm trở lại đây.

Ảnh minh họa

Thực tế, ở những thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… những năm gần đây xuất hiện các mô hình trường chất lượng cao, trường điểm. Đây là những trường nằm ngoài hệ thống công lập nên thường yêu cầu thi tuyển đầu vào.

Mong muốn cho con được theo học ở những trường như thế này nên không ít phụ huynh đầu tư cho con đi học chữ, làm toán sớm… để có thể đáp ứng được yêu cầu tuyển sinh.

Để chuẩn bị cho con gái 5 tuổi thi vào trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm trong năm học tới, anh Nguyễn Đăng Trường (Hà Nội) nhờ cả cô giáo đến tận nhà “luyện thi” cho con. Anh Trường tâm sự, “trường Đoàn Thị Điểm chỉ tiêu tuyển sinh ít, trong khi hồ sơ đăng ký gấp mấy lần nên dù biết bắt con học ngay từ bây giờ là vất vả lắm nhưng nếu không cho con học thì khó mà đỗ được. Các nhà khác có con thi vào trường này đều ôn luyện kỹ lắm, mình sơ sài thì không đọ được với họ”.

Chị Phạm Thị Loan (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng kèm con học hàng ngày vào các buổi tối. Chị cho biết, ở nhà, 2 vợ chồng chị thay nhau kiểm tra bài để con làm quen với những hình vẽ và câu hỏi mang tính tư duy sáng tạo. Chị còn mua thêm sách IQ để rèn tư duy cho con.

Là một nhà sư phạm đã về hưu, bà Đỗ Thị Kim Thành (TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) cho biết: Trẻ học trước chương trình lớp 1 đang là hiện tượng khá phổ biến. Đã có nhiều ý kiến cho rằng trẻ học trước là do phụ huynh chạy theo phong trào, muốn con mình giỏi hơn, biết nhiều hơn các bạn cùng trang lứa khi bước vào lớp 1. Điều đó không sai, tuy nhiên, về vấn đề này cần có cái nhìn nhiều chiều hơn.

Hiện nay nhiều trường tiểu học, đặc biệt là các trường có tên tuổi đều tổ chức thi tuyển đầu vào lớp 1.

Theo quan điểm của khoa học giáo dục thì trước khi vào lớp 1, trẻ chỉ cần nhận biết được mặt chữ và các con số. Nếu các trường tổ chức thi tuyển với đề thi đúng với lứa tuổi, với kiến thức trẻ thu nhận được từ trường mầm non thì có lẽ cũng sẽ không nhiều phụ huynh bắt con trẻ gò mình học ôn tại các lò luyện để làm quen với chữ cái, đánh vần, ghép vần hay thậm chí là học cộng, trừ các số trong phạm vi 10.

Thế nhưng, có những đề thi tuyển sinh vào lớp 1 rất “hóc búa”, chẳng hạn như yêu cầu trẻ phân biệt hình, đếm số chân các con vật trong hình và nối kết quả với các đáp án cho sẵn… Thậm chí, có nhiều đề thi buộc trẻ phải tính toán, nếu trẻ không được học thêm, trang bị trước các kiến thức lớp 1 thì chắc chắn sẽ không thể làm được bài. Do đó, để có thể vượt qua các kỳ thi, thay vì những giờ vui chơi, nhiều trẻ đã phải “dùi mài” trong những lò luyện, bà Đỗ Thị Kim Thành chia sẻ.

Bởi vậy, bà Thành cho rằng để trẻ được sống đúng với lứa tuổi của mình, để ngăn chặn tình trạng ép trẻ mầm non học trước chương trình lớp 1, ngoài sự thay đổi từ chính ý thức, tâm lý của các bậc phụ huynh thì còn cần phải có sự chung tay của cả cơ quan chức năng và các trường tiểu học.

Trường công không thi tuyển lớp 1

 Về vấn đề này, ông Lê Tiến Thành - Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, theo quy định của Luật Giáo dục thì mọi trẻ em 6 tuổi đều được “mời” vào học lớp 1 ở một trường công thuộc địa bàn.

Những trường công này không được phép tổ chức thi tuyển hay kiểm tra đầu vào.

Kiểm tra đầu vào chỉ khảo sát nhận thức, IQ của trẻ

Ông Lê Tiến Thành cũng cho biết thêm, một số trường tiểu học ngoài công lập do số lượng hồ sơ đăng ký đông vượt quá chỉ tiêu nên họ tổ chức tuyển chọn đầu vào. Hầu hết các trường tổ chức tuyển vào lớp 1 với đề thi chủ yếu khảo sát trình độ nhận thức, phán đoán (IQ) của trẻ. Tuy nhiên, tâm lý của phụ huynh thì lại cho rằng, nếu trẻ không đi học chữ, làm toán trước thì khả năng vượt qua kỳ thi này là không thể.

"Cũng phải lưu ý, dù trường ngoài công lập được phép tổ chức kiểm tra, đánh giá đầu vào để chọn trẻ vào lớp 1 nhưng vẫn phải đảm bảo là không kiểm tra chữ hay làm toán. Nếu trường nào không tuân thủ quy định này là hoàn toàn sai” - ông Lê Tiến Thành khẳng định.

Chương trình lớp 1: Biết đọc, viết đơn giản

Không phải lo cho con ôn để thi vào “trường điểm” tuy nhiên, chị Nguyễn Thị Thắm (Láng Hạ, Hà Nội) lại lo rằng chương trình lớp 1 khá “nặng” nên phải cho con đi học trước. Chị chia sẻ, con mình đang chơi quen rồi, giờ phải học nào là viết chữ, nào là làm toán nên sẽ rất khó khăn.

Ông Lê Tiến Thành - Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, chương trình lớp 1 chỉ yêu cầu các em biết đọc, biết viết và làm các phép toán cộng, trừ đơn giản… giai đoạn đầu trẻ cũng mới làm quen đến chữ cái a, b, c…và con số trong phạm vi từ 1 đến 10.

Đối với môn tiếng Việt thì gần như học kỳ 1 chủ yếu học vần chữ cái và ghép vần đơn giản. Còn về tập viết thì tập tô, làm quen với các nét cơ bản… Những nội dung này hầu hết trẻ đều được làm quen ở bậc mầm non.

Còn về Toán thì trẻ được làm quen với các ký hiệu đơn giản như dấu bé hơn, lớn hơn, hình vuông, hình tròn... Bên cạnh đó trẻ được làm quen với các con số trong phạm vi 10 ở học kỳ 1 và mở rộng sang 100 ở học kỳ 2.

Do vậy, ông Lê Tiến Thành khẳng định việc bố mẹ lo rằng do chương trình lớp 1 nặng nên cho con đi học trước là không cần thiết.


Nguồn: Chinhphu
.