Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201209/22710-nu-quan-giao-tre-quen-niem-vui-rieng-vi-nhiem-vu-395411/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201209/22710-nu-quan-giao-tre-quen-niem-vui-rieng-vi-nhiem-vu-395411/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nữ quản giáo trẻ quên niềm vui riêng vì nhiệm vụ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 04/09/2012, 15:52 [GMT+7]
22710

Nữ quản giáo trẻ quên niềm vui riêng vì nhiệm vụ

Thiếu úy Vi Thị Thanh Huyền

Khi tôi ngỏ lời mong muốn được trò chuyện về công việc và cuộc sống gia đình của một quản giáo, các giám thị Trại giam Thanh Phong đều đồng ý “đề cử” Thiếu úy Vi Thị Thanh Huyền – cán bộ quản giáo đội 19, phân trại K1. Lý do được đưa ra rất đơn giản: Đồng chí Huyền còn trẻ, hoàn cảnh lại khó khăn nhưng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sự nhất loạt ấy khiến tôi rất tò mò trước khi gặp gỡ với chị.  

Vinh dự khi được đứng trong hàng ngũ

Thiếu úy Vi Thị Thanh Huyền trẻ, khuôn mặt rắn rỏi và cương nghị. Cô quản giáo trẻ sinh năm 1987 và đã có thâm niên 4 năm công tác tại Trại giam Thanh Phong từ 2008 tới nay. Sinh ra trong một gia đình có bố làm Công an huyện, mẹ là giáo viên tại thị trấn Yên Cát - Như Xuân - Thanh Hóa, ngay từ nhỏ khi nhìn thấy hình ảnh bố mặc quân phục, Huyền đã ao ước được đứng trong hàng ngũ của ngành giống như bố.

Khi trở thành một thiếu nữ, dù rất dịu dàng nữ tính nhưng ước mơ trở thành Cảnh sát lại lớn dần theo năm tháng. Học hết phổ thông, Huyền trúng tuyển vào Trường Trung học Cảnh sát nhân dân I và được phân vào chuyên ngành Trại giam. Khi tôi thắc mắc, có phải hàng loạt những bộ phim về Cảnh sát được chiếu trên truyền hình đã ảnh hưởng tới việc lựa chọn của cô hoặc sự định hướng của bố đã đưa cô đến với nghề hay không, cô lắc đầu và trả lời: Đó hoàn toàn là ước muốn, là khát vọng cá nhân chứ không liên quan một chút nào tới những bộ phim hay nguyện vọng của bố.

Thậm chí, khi cô quyết định thi vào ngành Cảnh sát theo nghiệp bố, bố cô dù luôn ủng hộ quyết định của cô con gái sớm chín chắn nhưng vẫn có một “cuộc họp” nho nhỏ với con gái, phân tích những thuận lợi và khó khăn mà cô sẽ gặp phải nếu vẫn kiên quyết chọn nghề Cảnh sát. Bố cô nói rằng, nếu vào ngành con sẽ được rèn luyện trong một môi trường nghiêm khắc và con sẽ trưởng thành rất nhanh nhưng con cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn vất vả, đôi khi quá sức với một cô gái chân yếu tay mềm như cô. Huyền nói rằng, những sự phân tích của bố càng khẳng định thêm sự lựa chọn của cô là đúng đắn.

Huyền, đôi mắt sáng bừng và tự hào kể cho tôi nghe về cảm giác của cô lần đầu tiên được khoác trên mình bộ trang phục Cảnh sát. Đó là một cảm giác vừa hạnh phúc vừa xen lẫn tự hào khi được đứng trong đội ngũ Công an nhân dân mà không phải ai cũng có thể hiểu được. Bản thân tôi, cũng đã từng hơn một lần trải qua thứ cảm giác vô cùng khó tả, giống như có một nguồn năng lượng đầy hưng phấn chạy dọc trong cơ thể ấy nên hoàn toàn chia sẻ với cô quản giáo trẻ trong những ngày đầu khoác lên mình bộ quân phục.

Vào trường Cảnh sát, Huyền học chuyên ngành trại giam. Cô nói rằng cô vô cùng thích thú với những bài giảng của thầy cô và cảm thấy rất vinh dự khi được đứng trong hàng ngũ của ngành. Sau khi ra trường, cô được phân công về làm việc tại Trại giam Thanh Phong và gắn bó với trại từ năm 2008 đến nay.

Dù đã có một quãng thời gian thực tập ở Trại giam số 05 của Bộ Công an nhưng khi bắt đầu chính thức về làm việc tại Trại giam Thanh Phong, cô quản giáo trẻ gặp phải không ít những bỡ ngỡ. Thực tế công việc có những tình huống phong phú, đa dạng và phức tạp hơn những bài giảng mà thầy cô đã truyền dạy khi cô còn học trong trường. Trong những tháng ngày bỡ ngỡ ấy, những đồng nghiệp đi trước lại trở thành những người thầy, người cô tận tình chỉ bảo cho Huyền và mỗi ngày cô lại trưởng thành, cứng cáp hơn nhờ vào môi trường làm việc thân thiện giống như một gia đình.

4 năm chưa phải là một quãng thời gian dài với một cô gái còn rất trẻ như Huyền. Cô khiêm tốn nói rằng còn rất nhiều điều phải học hỏi từ những cô chú đi trước. Nhưng quãng thời gian ấy cũng đã khiến Huyền trưởng thành và cứng cáp hơn lên rất nhiều. Ngay cả bố mẹ cô cũng rất ngạc nhiên và vui mừng khi nhìn thấy sự trưởng thành trông thấy của cô con gái mà lúc nào họ cũng coi là còn bé bỏng.

Công việc của Huyền tại Trại giam Thanh Phong là quản lý đội 19 - đội trọng điểm của phân trại K1, trong đội có 27 phạm nhân và chủ yếu là phạm nhân có án cao từ 15 năm trở lên. Điều Huyền cảm thấy khó khăn nhất là làm công tác tư tưởng để phạm nhân yên tâm cải tạo. Những phạm nhân trong đội của Huyền đều là nữ. Hầu hết án dài, có người có HIV nên thời gian đầu họ rất chán nản, không có tinh thần cải tạo vì họ nghĩ rằng họ chẳng có ngày ra hoặc xác định sẽ chết ở trong tù.

Cũng là phụ nữ, Huyền lắng nghe các phạm nhân chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, tình cảm và cả những nỗi sợ hãi của họ để từ đó khuyến khích động viên họ cố gắng cải tạo tốt nhất. Huyền kể rằng, khi đã gạt được tất cả những ý nghĩ tiêu cực đó ra khỏi đầu phạm nhân, họ sẽ yên tâm cải tạo tốt để được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước, được giảm án và nhanh chóng được trở về với xã hội.

Thiếu úy Vi Thị Thanh Huyền “thú thực” với tôi, ban đầu khi làm việc với phạm nhân có HIV cô cũng có đôi phần e ngại nhưng sau này khi đã hiểu biết và có kinh nghiệm hơn, cô hoàn toàn thoải mái khì trò chuyện và chia sẻ với những phạm nhân kém may mắn ấy. Huyền nói rằng, những phạm nhân ấy cũng rất thiếu thốn tình cảm. Đôi lúc họ có những biểu hiện chưa chuẩn mực cũng là do có chuyện buồn từ phía gia đình nên họ rất cần sự quan tâm, sự động viên từ phía cán bộ quản giáo.

Gác niềm riêng để hoàn thành công việc được giao

Khi biết con gái theo học chuyên ngành Trại giam và sau khi ra trường được phân công về làm việc tại Trại giam Thanh Phong - bố mẹ cô dù lo lắng cho con gái nhưng luôn động viên cô cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi khi có những khúc mắc trong công việc, ngoài các lãnh đạo và đồng nghiệp đi trước, bố mẹ cũng là những người cho Huyền những lời khuyên quý báu.

Năm 2010, Thiếu úy Vi Thị Thanh Huyền lập gia đình với một quản giáo đang làm việc tại Trại giam 05 – nơi cô từng thực tập 2 năm trước đó. Đứa con đầu lòng của cô không may mắn bởi khi vừa ra đời đã có khối u bẩm sinh nên thường xuyên phải đưa đi Hà Nội để chạy chữa.

Hai vợ chồng ở làm việc ở cách xa nhau, hai bên cha mẹ cũng đều ở xa nên cuộc sống riêng tư của nữ quản giáo khá vất vả. Huyền cho biết, hiện nay chồng cô cũng đang đi học chuyên tu ở Học viện Cảnh sát nhân dân nên việc chăm sóc con cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, chưa bao giờ Huyền để công việc gia đình, công việc riêng tư ảnh hưởng tới nhiệm vụ mà cấp trên đã giao phó.

Tôi rất tò mò chuyện làm thế nào Huyền cân bằng được giữa gia đình và công việc bởi với một đời sống cá nhân không được thuận lợi, người ta rất dễ làm ảnh hưởng tới công việc, Huyền nói rằng, thực ra cô nhận được rất nhiều sự quan tâm từ phía gia đình, từ phía lãnh đạo đơn vị. Chính sự tạo điều kiện ấy khiến cô dành toàn tâm toàn ý cho công việc. Huyền trả lời dứt khoát rằng, chưa bao giờ cô đem trút những bực dọc của mình vào công việc bởi đó là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Cô nói rằng mình rất may mắn bởi bố chồng trước kia cũng đã từng công tác trong trại giam nên mẹ chồng cô rất thấu hiểu, thông cảm cho công việc của hai vợ chồng. Dù đã lớn tuổi nhưng khi có thời gian, bà lại bắt xe khách xuống thăm cháu cho đỡ nhớ chứ không xét nét con dâu như những bà mẹ chồng khác. Huyền chia sẻ: “Cuộc sống riêng của em chưa được thuận lợi nhưng em lại nhận được rất nhiều sự ủng hộ và yêu thương từ phía gia đình nên không có lý do gì để em phải lo lắng cả. Em tin là mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp thôi”

Khi được hỏi về mong muốn cho tương lai, Huyền cười tươi và nói với tôi rằng: “Em chỉ mong công việc của em được thuận lợi như bây giờ, con em tình hình cũng đang tốt dần lên nên không có mong muốn gì đặc biệt cả”. Nụ cười không âu lo của Huyền trước lúc chia tay khiến tôi vô cùng cảm phục người quản giáo trẻ giàu nghị lực ấy.


ANTG
.