Ông đã có nhiều chuyến bay chuyên chở Bác Hồ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Lào, tham gia chuyên chở thương binh về hậu phương, tải vũ khí, lương thực tiếp viện cho chiến trường. Ông là phi công, đại tá Trần Ngọc Bích, quê Hà Tĩnh.
Người phi công đặc biệt, Đại tá Trần Ngọc Bích đang kể chuyện về Bác. Ảnh Vietnamnet. |
Người phi công trẻ tài năng
Khi chưa đủ 19 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Trần Ngọc Bích ở thôn Vạn Phúc Trung, xã Trường Sơn, Đức Thọ (Hà Tĩnh) cũng như bao thanh niên trong làng đã lên đường nhập ngũ. Đến tháng 2/1956, ông được chọn sang TQ học lái máy bay phục vụ chiến đấu. Tháng 4/1958, ông tốt nghiệp lớp máy bay TU2 (máy bay thả bom), ở Trường số 2, Quân giải phóng TQ.
Vào thời điểm đó, tình hình trong nước có một số biến động, ông Bích phải chuyển sang học lớp máy bay AN2 (vận tải). Sau khi hoàn thành khóa học, tháng 2/1960, ông về nước tham gia vào Đoàn bay 919 - Quân chủng PKKQ.
Khi đó Thiếu úy Trần Ngọc Bích được phân công phụ trách lái máy bay trực thăng Mi-4. Đó là loại trực thăng do Liên Xô sản xuất. Năm 1972, ông được cử sang Nga học để chuyển sang lái trực thăng Mi-8.
Lúc bấy giờ, nước ta chỉ có ba chiếc máy bay trực thăng, chưa có người lái, Liên Xô cử một chuyên gia dạy lái và một thợ sửa máy sang giúp đỡ. Khi chuyên gia Menlêép lái máy bay đưa Bác đi công tác thì thiếu lái phụ, nhận thấy ông Bích có tài năng lại được đào tạo nên cho ông đảm nhận nhiệm vụ đó.
Sau đó, ông Bích còn được nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng để chuyên chở vũ khí, lương thực chi viện cho các chiến trường. Không lâu sau, Đoàn bay 919 có một tổ bay phục vụ Bác và Bộ Chính trị.
Từ đó, ngoài việc chuyển vũ khí và lương thực chi viện cho chiến trường, máy bay Mi-4 của ông còn đảm nhận nhiệm vụ đặc biệt là bay phục vụ Bác Hồ và các đồng chí Trung ương Đảng đi công tác.
Trong 9 năm phục vụ Bác, người phi công trẻ Trần Ngọc Bích không biết mình đã bao nhiêu lần lái chiếc máy bay VN51Đ và chiếc máy bay Lốc xoáy 48 đưa Bác đi công tác xa.
Những kỷ niệm bên Bác không thể quên
Kỷ niệm ông nhớ nhất trong quá trình bay phục vụ Bác là cú hạ cánh sai địa điểm. Do chưa có sự thống nhất giữa trung đoàn và bộ phận an ninh nên Trần Ngọc Bích đáp máy bay xuống sân bê tông ở Sơn Tây. Khi thấy máy bay hạ xuống mọi người liền chạy ùa ra vây bên Bác.
Các bộ phận an ninh được một phen hú vía vì điểm đón nằm ngoài sự kiểm soát khi họ đã chuẩn bị một bãi đáp an toàn ở nơi khác. Ai cũng lo cho Bác, vị trung đoàn trưởng đứng ngồi không yên. Thế nhưng, Bác Hồ đã ân cần hỏi thăm bộ đội và nhân dân gần đó rồi tạm biệt mọi người lên đường.
Trên đường đi mọi người cứ lo Bác sẽ trách, nhưng suốt cuộc hành trình, Người rất vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra. Mọi người ai cũng cảm nhận thêm được tình yêu bao la, cao thượng trong con người của Bác.
Một lần phi công Trần Ngọc Bích nói vui với anh Vũ Kỳ, thư ký của Bác: "Cho phi công ăn riêng, chứ ăn với Bác, hôm nào cũng ngồi lại sau, xấu hổ lắm, ăn không no". Tưởng nói cho vui, ai ngờ trong bữa ăn, anh Vũ Kỳ thưa lại với Bác, Trần Ngọc Bích "như chết lặng".
Bác ôn tồn cười: "Các cháu phi công phải ăn cho no mới có sức khỏe để tập trung làm việc tốt được. Rồi Người bảo phục vụ mang thêm một đĩa cơm to đến cho anh em. Đó là kỷ niệm sâu sắc nhất với chúng tôi khi được Người ân cần quan tâm. Bác coi chúng tôi như anh em ruột thịt trong nhà".
Đại tá Trần Ngọc Bích đã dành một nơi trang nghiêm nhất trong căn nhà mình để thờ Bác Hồ. Ảnh Vietnamnet. |
Vào năm 1963, ông Bích đã lái máy bay đưa đoàn gồm Bác, đồng chí Phạm Ngọc Thạch, đồng chí Vũ Kỳ và đồng chí Trần Đăng Ninh vào Tân Trào. Hôm đó trời đã trưa, máy bay vừa hạ cánh xuống ruộng lúa vừa gặt xong, Bác liền đi bộ đến một khe suối gần đó và nói với mọi người rửa tay chân rồi ăn cơm.
Nhìn Bác cởi trần, mặc một chiếc quần cộc, dùng tay khoát nước lên người, ông Bích đã cảm động đến rơi nước mắt: “Không ngờ trên thế giới này lại có một vị Chủ tịch quá đỗi giản dị như thế. Không có bữa cơm nào mà bình dị như bữa cơm ở Tân Trào năm 1963.
Bác cùng với đoàn đã trải một chiếc ni lông, dùng dao thái từng nắm cơn đùm. Bác bốc cho mỗi người một miếng cơm và nói “các chú ăn no vào, tối chúng ta mới về đến Hà Nội”.
Ông Bích ngậm ngùi kể tiếp: Chuyến bay chở Bác tối 23/4/1968, sau khi hạ cánh an toàn xuống sân bay Bạch Mai, Bác gọi tổ bay lại phát kẹo, thuốc lá, Bác hỏi chuyện thân mật và không ngờ đó lại là chuyến bay chở Bác cuối cùng.
Kể cả kẹo phát cho các em nhỏ cũng như các anh em Bác luôn lấy tiền túi từ những đồng nhuận bút viết báo, từ đồng lương của mình. Những hành động nhỏ, giản dị ấy của Bác khiến cho ông Bích nhớ mãi.
Đại tá Bích tâm sự: “Dù trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào tôi vẫn luôn là một người lính Cụ Hồ. Về với đời thường tôi thường xuyên vận động các hội viên, bà con làng xóm và giáo dục con cháu sẵn sàng chia sẻ khó khăn với những mảnh đời bất hạnh!
Làm từ thiện phải xuất phát từ cái tâm. Tôi cố gắng học Bác đức tính “Cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”. Những đồng tiền quyên góp được phải sử dụng đúng mục đích, có như vậy thì mới tạo được niềm tin với quần chúng nhân dân!”.
Hiện nay, trong căn nhà của mình, Đại tá Trần Ngọc Bích dành một nơi trang nghiêm nhất để thờ Bác Hồ. Phía dưới chân dung Bác là một bức ảnh đặc biệt do đồng đội tặng: 5 chiếc máy bay trực thăng Mi-8 mang theo cờ Tổ quốc diễu hành trên lăng Bác.
Trong trái tim người lính già, những kí ức về Bác Hồ mãi mãi khắc sâu, xúc động không bao giờ phai mờ!
Nguồn: VNN
.