Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201209/22673-dung-khi-cua-dong-chi-le-hong-phong-truoc-quan-thu-395438/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201209/22673-dung-khi-cua-dong-chi-le-hong-phong-truoc-quan-thu-395438/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Dũng khí của đồng chí Lê Hồng Phong trước quân thù - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 03/09/2012, 08:00 [GMT+7]
22673

Dũng khí của đồng chí Lê Hồng Phong trước quân thù

Tổng Bí thư Lê Hồng Phong là một người cộng sản tài năng, mẫu mực và kiên cường. Đồng chí là một tấm gương sáng chói về sự phấn đấu, ý chí kiên cường, hy sinh vì lý tưởng cộng sản, hiến dâng trọn vẹn cho Đảng và dân tộc, trọn đời giữ vững niềm tin vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú của đồng chí, những ngày tháng bị thực dân Pháp giam cầm ở nhà tù Côn Đảo - nơi được mệnh danh là địa ngục trần gian - chính là nơi mà tinh thần cách mạng, sự kiên cường, bất khuất của đồng chí Lê Hồng Phong được thể hiện một cách sâu sắc nhất.
 
Đến cuối thời kỳ mặt trận dân chủ, chiến tranh thế giới lần thứ II sắp bùng nổ. Chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương ra mắt phát xít hóa, thủ tiêu những thành quả dân chủ, tăng cường đàn áp khủng bố Đảng Cộng sản Đông Dương.
 
Ngày 22/6/1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị mật thám Pháp bắt. Bọn mật thám Pháp biết Lê Hồng Phong nguyên là Tổng Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Quốc tế cộng sản nên đã dùng mọi thủ đoạn tra tấn, dụ dỗ nhưng đồng chí quyết không khai.
 
Sau một thời gian giam cầm, tra khảo, cuối cùng, ngày 30/6/1939 vì không có chứng cớ buộc tội, thực dân Pháp kết án đồng chí 6 tháng tù giam và 3 năm cấm cư trú vì tội “sử dụng thẻ căn cước mang tên người khác” và khép tội “lang thang”. Đồng chí Lê Hồng Phong đã kiên quyết kháng án, nhưng Tòa Thượng thẩm Sài Gòn đã phê chuẩn y án và giam đồng chí tại nhà tù Sài Gòn.
Tượng đồng chí Lê Hồng Phong cùng câu nói bất hủ trước lúc hy sinh
 
Ngày 23/12/1939, hết hạn tù giam 6 tháng, Lê Hồng Phong tuy được trả tự do, nhưng lập tức bị trục xuất khỏi Nam Kỳ. Đồng chí bị cảnh sát áp tải buộc phải rời khỏi Sài Gòn về nơi nguyên quán làng Đông Thôn, tổng Thông Lạng, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
 
Về quê nhà, vượt qua mọi sự kiểm soát, cấm đoán, Lê Hồng Phong vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng. Đồng chí luôn theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng. Lo sợ đồng chí Lê Hồng Phong trốn thoát, tiếp tục hoạt động lãnh đạo cách mạng, chính quyền thực dân Pháp bắt giam đồng chí Lê Hồng Phong lần thứ hai, ngày 20/1/1940.
 
Bọn địch nham hiểm biết Nguyễn Thị Minh Khai là vợ của Lê Hồng Phong và hai vợ chồng đã có một đứa con nhỏ mới mấy tháng. Kẻ thù dùng kế tình cảm, đưa Minh Khai đến gặp Lê Hồng Phong, hy vọng rằng hai người sẽ nhận ra nhau, để qua đó mà có chứng cớ kết tội đồng chí có dính líu tới “âm mưu lật đổ chính quyền” ở Nam Kỳ.  
 
Nhưng biết rõ đây là âm mưu nham hiểm của kẻ thù, Lê Hồng Phong và Minh Khai cố nén tình cảm vợ chồng riêng tư, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng lên trên hết. Không hẹn nhau trước mà cả hai đều kiên quyết không nhận nhau, trước sau đều trả lời “không biết”.
 
Không có chứng cớ để buộc tội Lê Hồng Phong dính líu vào chủ trương tổ chức cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, thực dân Pháp kết án đồng chí 5 năm tù giam, 10 năm quản thúc. Cuối năm 1940, Lê Hồng Phong bị đày giam ở nhà tù Côn Đảo. Còn đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, sau một thời gian bị giam giữ, qua ba phiên tòa đế quốc Pháp xét xử, chúng đã kết án chị một án chung thân, hai án tử hình. 
 
Nhà tù Cồn Đảo được mệnh danh là địa ngục trần gian. Cai tù là những tên bạo chúa khét tiếng tàn bạo. Đây là thời kỳ dã man, tàn bạo nhất trong lịch sử nhà tù Côn Đảo. Vì không có chứng cứ để khép tội đồng chí vào tội tử hình nên bọn trùm mật thám thực dân ở Nam Kỳ đã chỉ thị cho bọn chúa đảo phải hãm hại đồng chí Lê Hồng Phong.
 
Do vậy, trong khi làm khổ sai cũng như lúc cầm cố trong xà lim, hàng ngày đồng chí bị đánh đập, tra tấn hết sức dã man. Chúng đánh bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu: Lúc lao động, lúc tắm giặt, lúc điểm danh và đánh cả trong bữa ăn. Để chống lại bọn cai ngục tàn bạo, đồng chí Lê Hồng Phong đã vận động anh em tù chính trị đề ra cách đấu tranh. 
 
Một lần, sau một ngày khổ sai mệt nhọc, dưới những trận mưa roi tàn ác, mặt đồng chí Lê Hồng Phong hằn lên những vết roi ngang dọc, chỗ tím bầm, chỗ sưng húp, có chỗ còn loét, rỉ máu. Sức lực đồng chí đã kiệt lắm rồi. Khi đồng chí và anh em tù vừa bưng bát cơm gạo lứt mốc, cá khô mục thì bọn cai tù xông vào quất roi liên tục, đá vào mồm người đang ăn.
 
Chúng xông tới trước mặt đồng chí Lê Hồng Phong thẳng tay giáng xuống từng loạt roi. Máu trên đầu, trên mặt đồng chí phun ra, chảy vào cả bát cơm. Cuộc đàn áp đã lâu, áo kẻ địch đã thấm ướt mồ hôi, chúng bắt đầu thở hồng hộc; nhưng lạ thay, mọi người vẫn ngồi ỳ ra chẳng ai nhúc nhích, nhất là đồng chí Lê Hồng Phong vẫn thản nhiên cầm bát cơm đẫm máu ăn một cách ung dung.
 
Trước thái độ vô cùng bình tĩnh ấy, bọn giặc hoảng sợ chùn tay, chúng dãn ra và lên đạn lách cách.
 
Một lát sau, tên cầm đầu bọn cai ngục rón rén trước mặt đồng chí Lê Hồng Phong, hất hàm hỏi:
- Ê! Tại sao tao đánh mày như thế mà mày vẫn thản nhiên ngồi ăn, mày không biết đau à?
Đồng chí Lê Hồng Phong thong thả đặt bát cơm xuống, rồi ngửng phắt đầu lên, quắc mắt nhìn thẳng vào mặt nó và dằn từng tiếng đáp:
- Chúng mày nói: Ngày nào chúng mày không đánh được chúng tao chảy máu thì chúng mày cảm thấy ăn không ngon. Vậy chúng tao cũng cần ăn để có máu đối phó với chúng mày. Đấy là tất cả lý do. Rất giản dị! Chúng mày cứ tiếp tục đi!
Nói xong, đồng chí lại thản nhiên cầm lấy bát cơm chan máu ăn như chẳng có việc gì ghê gớm xảy ra. Những bạn tù chứng kiến dũng khí bất khuất của Lê Hồng Phong trước kẻ thù đã nhận xét: Gươm giáo của kẻ thù có thể chặt đứt gang, thép nhưng nó sẽ oằn mình đi khi chặt phải dũng khí của người cộng sản.
 
Ở nơi địa ngục trần gian, đồng chí Lê Hồng Phong đã thể hiện một tấm gương sáng ngời ý chí cách mạng, sự kiên cường của người cộng sản. Tấm gương của đồng chí có ảnh hưởng lớn đến các tù chính trị đang bị giam cầm, đọa đày ở nhà tù Côn Đảo. Những người tù chính trị đã trở nên kiên cường, hiên ngang hơn trước kẻ thù. Họ đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, biến nơi đây thành một trong những nơi mà chủ nghĩa anh hùng cách mạng được thể hiện một cách rõ nét nhất.
 
Sau nhiều lần bị quân thù tra tấn man rợ, bị kiết lỵ nặng không được thuốc thang, trưa 6/9/1942, đồng chí Lê Hồng Phong - người tù khổ sai mang số X251 tại nhà lim số 2 Côn Đảo -  đã anh dũng hy sinh khi đang độ tuổi 40. Trước lúc hy sinh, đồng chí dồn hết những hơi sức cuối cùng để lại lời chào bất hủ: “Tới phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng". 
 
Hình ảnh lẫm liệt của đồng chí Lê Hồng Phong trước đòn roi tấn công tới tấp của kẻ thù vẫn thản nhiên ngồi ăn bát cơm chan máu và lời nhắn nhủ bất hủ trước khi hy sinh: “Hãy giữ vững niềm tin vào thắng lợi cuối cùng” sẽ sống mãi trong khối óc và trái tim các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.

Vân Đình
.