Hát phường vải là một loại hát ví đặc biệt nhất trong gia tài dân ca của vùng Nghệ Tĩnh. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, hát phường vải vẫn tồn tại và phát triển cho đến ngày nay. Nhưng trước sự du nhập của nhiều văn hóa ngoại lai trong quá trình mở cửa hội nhập, không có kinh phí cộng với thiếu nguồn nhân lực, các Câu lạc bộ hát phường vải ở Nghệ An đang đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động.
“Cứ đến mùa lễ hội hay dịp sinh nhật Bác là tôi lại đau đầu lo nghĩ”, ông Hoàng Thế Lựu - Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca Kim Liên mở lời. “Đau đầu” của ông Lựu cũng là điều dễ hiểu bởi mang tiếng là Câu lạc bộ nhưng chỉ vẻn vẹn có 10 hội viên, người “trẻ” nhất cũng ở vào độ tuổi 40, người lớn tuổi thì cũng đã qua ngưỡng 90 khiến cho việc tập hợp và tập luyện khá vất vả.
Mong muốn có tiết mục tham dự năm nay khác đi, mới mẻ hơn, sinh động hơn các năm trước hay tìm cho ra những hạt nhân văn nghệ mới, trẻ trung hơn cho Câu lạc bộ quả thực là rất khó. Đó là chưa nói đến không có kinh phí để trang trải, duy trì Câu lạc bộ.
Hát ví phường vải đang bị mai một dần
“Sau mỗi mùa lễ hội hay dịp sinh nhật Bác thì Câu lạc bộ hát phường vải tạm thời ngừng hoạt động, khi có đợt phát động mới thì chúng tôi tập hợp hội viên lại để tập luyện và đi thi. Khi mới thành lập Câu lạc bộ có đến 30 thành viên, càng về sau lớp già thì mất đi, còn lớp trẻ thì bỏ dần. Giờ đây, Câu lạc bộ hát phường vải chỉ duy trì theo kiểu đối phó”, ông Lựu cho biết thêm.
Ngay cả Câu lạc bộ hát phường vải Trung tâm Văn hóa thông tin huyện Nam Đàn một năm cũng chỉ sinh hoạt được 2 lần. Ông Trịnh Hưng Minh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết: Đến ngày sinh hoạt, các thành viên trao đổi nghiệp vụ, tập những làn điệu mới, bài hát mới, riêng tổ âm nhạc thì tập luyện nhạc cụ. May mắn hơn các Câu lạc bộ khác, Câu lạc bộ của Trung tâm Văn hóa thông tin quy tụ 30 hạt nhân văn nghệ đến từ các trường, các xã trên địa bàn. Song do hoạt động không thường xuyên nên chất lượng và tính phổ quát chưa nhiều.
So với Câu lạc bộ hát dân ca thì Câu lạc bộ hát phường vải vừa ít về số lượng (khoảng 10 Câu lạc bộ) vừa kém về chất lượng, hoạt động lại cầm chừng. Câu hát phường vải khá chải chuốt, điêu luyện, vì hát phường vải đã trải qua một thời gian dài hàng mấy trăm năm, nhân dân với lối tư duy hình tượng đã đem tâm hồn và trí tuệ của mình tạo nên những câu ca hồn nhiên, trong sáng.
Nội dung hát phường vải mang đậm tính trữ tình, song nó khác các loại dân ca khác ở chỗ có sự tham gia của những nhà nho. Cho nên tính chất một số câu hát, quy cách trong khi hát, hình thức câu hát, quá trình của một cuộc hát... có phức tạp hơn.
Để hát đúng với một cuộc hát phường vải phải hát có lớp lang như hát lơ lửng (hát dạo), hát chào, hát mời, hát hỏi, hát đố, hát tình (hát xe duyên), hát tiễn hẹn trong không gian, môi trường diễn xướng khá chật hẹp là ở sân vườn (hoặc sân đình) và người phụ nữ đang ngồi quay xa, dệt vải. Tuy nhiên, do hát lời cổ, giai điệu trầm buồn, không có nhạc đệm nên khó lôi cuốn người hát lẫn người nghe.
Nghệ nhân dân gian là những tác giả của những câu hát phường vải đầu tiên và cũng chính họ là những người bảo lưu, kế thừa và phát huy vốn hát ví mang đậm bản sắc quê hương. Bà Nguyễn Thị Kỳ, xóm 13, xã Hồng Long, Nam Đàn năm nay đã tròn 100 tuổi, nhưng tuổi tác dường như không phải là rào cản để tiếng hát và trái tim, bầu nhiệt huyết của bà đến với niềm đam mê hát ví phường vải.
Bà tâm sự: “Ngày xưa nam thanh, nữ tú trong làng ai ai cũng biết hát phường vải. Hát phường vải là một cách trò chuyện, đối đáp thông minh giữa bên nam và bên nữ, họ vừa làm vừa hát để tăng thêm sự lạc quan yêu đời, yêu lao động. Cũng từ hát phường vải mà vợ chồng bà nên duyên”. Theo bà Kỳ, hát ví thường có những từ đệm như ơ, chứ, thì, rằng, mà.... xen kẽ giữa các nhịp, các tiết của lời thơ, lúc mở rộng kéo dài, lúc ngân nga lơ lửng. Bởi thế lớp trẻ ngày nay khó hát và không mấy ai say sưa với câu hát ví này.
“Lớp người cũ như bà rồi cũng mất đi, các bà đang cố gieo trồng những lớp kế tục để giữ gìn truyền thống ca hát của dân tộc bằng cách “già dạy trẻ, trẻ học già” vào thời gian rỗi của bọn trẻ. Nhưng làm thế nào để lớp trẻ thẩm thấu và yêu câu hát ví phường vải, say mê thực sự với nó và muốn nó sống thực sự trong đời sống tinh thần là cả một chặng đường dài”, bà Kỳ đau đáu cho biết.
Theo thống kê, các nghệ nhân dân gian hát phường vải ở Nghệ An giờ chỉ còn 6 người, tuổi các cụ cũng được xếp vào “xưa nay hiếm”. Các thành viên tham gia Câu lạc bộ hát phường vải cũng xuất phát từ yêu câu hát ví phường vải mà tham gia. Vì không có kinh phí để hoạt động, họ tự bỏ tiền túi quyên góp lại để duy trì Câu lạc bộ. Nhiều gia đình có hai đến ba thế hệ cùng tham gia.
Khó hát, thiếu nguồn kinh phí, thiếu nhân lực, thiếu sự quan tâm chỉ đạo... những khó khăn ấy có thể khắc phục được nếu chính quyền địa phương có quyết tâm gìn giữ câu hát ví phường vải của quê hương. Thực tế thời gian qua, tỉnh Nghệ An cũng đã thành lập Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, đề án đưa dân ca vào trường học.
Huyện Nam Đàn cũng đã có đề án Bảo tồn và phát huy hát ví phường vải song chưa mang lại hiệu quả. “Bảo tồn thì chúng tôi vẫn làm được, song việc phát huy thì ngày càng bế tắc”, ông Trần Xuân Giáp - Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin huyện Nam Đàn thừa nhận.
Theo đề nghị của các Câu lạc bộ, thời gian tới, huyện Nam Đàn cần cử cán bộ văn hóa về cơ sở để tổ chức thực hiện việc bảo tồn và phát huy hát ví phường vải. Bên cạnh đó, mời các nghệ nhân dân gian và những hạt nhân văn nghệ trẻ đến để truyền lửa theo kiểu “già dạy trẻ, trẻ học già”.
Mở rộng thành viên tham gia Câu lạc bộ như giáo viên thanh nhạc, các em học sinh trong các nhà trường để đào tạo đội ngũ trẻ. Huyện cũng cần có kinh phí trích cho các xã chi cho Câu lạc bộ hoạt động thường xuyên để huy động nhân lực. Bên cạnh mở các lớp tập huấn cho cán bộ văn hóa ở cơ sở, các Câu lạc bộ, ngành Văn hóa phối hợp với ngành Giáo dục tăng cường hơn nữa công tác đưa dân ca vào trường học, chính trong môi trường này vừa phát hiện vừa bồi dưỡng lớp trẻ thuận lợi nhất.
Hát ví phường vải là phong trào văn hóa văn nghệ xuất phát từ nhân dân và phục vụ nhân dân. Tuy nhiên hiện nay, phong trào này đang trở nên hình thức hóa chỉ mang tính biểu diễn, đua tài giữa Câu lạc bộ này với Câu lạc bộ khác mà chính người dân lại không có cơ hội được xem, nghe và tham gia.
Theo các Câu lạc bộ, trừ những hội thi, hội diễn lớn mang tầm quốc gia thì những hội diễn nhỏ ngành Văn hóa chỉ nên giao cho chính quyền địa phương thi tại địa phương mình. Cách làm này vừa phù hợp với không gian văn hóa, môi trường diễn xướng của hát ví phường vải vừa thiết thực phục vụ nhân dân, đến gần với dân hơn.
Bích Huệ
.