Phải gọi điện hẹn trước mấy lần chúng tôi mới gặp được Nguyễn Thị Nhung, vì thời gian này em khá bận rộn với việc học tập và lịch luyện tập chuẩn bị đại diện cho Công ty Cao su Hà Tĩnh tham dự giải bóng bàn Tập đoàn Cao su Bắc miền Trung sắp tới. Gặp em - cô bé có dáng người nhỏ nhắn, tôi càng nể phục những thành tích mà Nhung đã đạt được khi mới ở độ tuổi 21.
Niềm đam mê được nuôi dưỡng từ bố
Nhung đến với môn bóng bàn thật tình cờ khi mà em chưa có bất cứ kiến thức gì về nó. Năm học lớp 6, khi thấy các bạn đăng ký tham gia giải bóng bàn của trường em cũng đăng ký theo. Cầm vợt đánh theo bản năng, thế nhưng em đoạt giải và nằm trong đội tuyển của trường đi thi đấu ở huyện. Không đạt được giải cao tại lần thi đấu này, Nhung tự nhủ bản thân bằng mọi cách phải luyện tập môn bóng bàn thật giỏi.
Trước sự quyết tâm của đứa con gái út, ông Nguyễn Hồng Lam - bố của Nhung đã hết lòng ủng hộ. Từ đó trở đi, ông trở thành HLV cho con gái của mình. Vào thời điểm năm 2003, khi kinh tế gia đình còn gặp nhiều khó khăn thì người dân xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn) đã gọi ông là “Lam khùng” khi bỏ ra tiền triệu đầu tư, mua sắm vật dụng về nhà để hai cha con cùng tập luyện. Nhưng đến tận sau này, khi chứng kiến những thành quả mà Nhung đạt được họ mới thấm thía cách làm của ông Lam là hoàn toàn đúng đắn.
Dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của bố, Nhung càng ngày càng tự tin với trình độ của mình. Ông Lam vốn dĩ cũng là một người có niềm đam mê bóng bàn từ nhỏ nên ông muốn truyền đạt lại cho đứa con gái út yêu quý. Ông đã tự đặt ra lịch luyện tập cho Nhung mà em đùa với tôi là “lịch trình khắt khe như những VĐV chuyên nghiệp”.
Nguyễn Thị Nhung
Ngày nào ông cũng “bắt” Nhung phải luyện tập thật chăm chỉ. “Cứ sáng sớm là bố bắt em cầm vợt đánh không như thế, mỗi tay ít nhất là 100 lần. Nhiều lúc mệt quá, em thấy nản và tức bố lắm nhưng đến bây giờ em mới thầm cảm ơn bố rất nhiều” - Nhung tâm sự.
Khi em có được trình độ cơ bản và bắt đầu bộc lộ rõ năng khiếu và niềm đam mê của mình, ông Lam đã dành dụm tiền tiết kiệm mượn những người thầy giỏi về luyện tập cho con. Bên cạnh đó, ông còn tự đi tìm mua những băng đĩa dạy bóng bàn về để con nâng cao thêm kỹ thuật đánh.
Và thành tích của cô bé 21 tuổi
Sau một năm rèn luyện với sự động viên, khích lệ từ người bố, Nhung tự tin đăng ký dự thi giải bóng bàn cấp tỉnh đầu tiên và xuất sắc dành được giải Nhất. Khoảng thời gian sau đó, hầu như Nhung tham gia tất cả những giải đấu bóng bàn được tổ chức và lần nào cũng giành Huy chương, giải thưởng
Năm 2006 và 2010 em đều đạt HCV giải bóng bàn các trường phổ thông Dân tộc nội trú toàn quốc. Nhung kể rằng, vào những năm đầu tiên khi em tham dự các giải đấu thì trong số những VĐV đến từ nhiều huyện, tỉnh khác nhau, em là người nhỏ tuổi nhất. Lúc đó tất cả VĐV đều đánh ngang nhau chứ không phải phân theo lứa tuổi cụ thể như bây giờ. Ấy thế mà khi đứng trước nhiều đối thủ hơn hẳn tuổi Nhung không hề lo lắng mà ngược lại, em rất tự tin để dành chiến thắng tuyệt đối.
Trong 8 năm tham gia môn bóng bàn, 2 bố con ông Lam không còn nhớ Nhung đã tham dự bao nhiêu giải thi đấu lớn, nhỏ. Chỉ biết rằng, sự nỗ lực, quyết tâm của em được thể hiện rõ bằng bảng thành tích 6 HCV, 3 HCB và nhiều HCĐ cùng Bằng khen, Giấy khen cấp tỉnh, huyện. Trong thành công của cô bé có dáng người nhỏ nhắn, xinh xắn đó luôn có sự đồng hành, chia sẻ của người cha thân yêu. Ông đã truyền lại sự đam mê cho con với tất cả sự nhiệt huyết và tình yêu thương vô bờ bến.
Hiện, Nhung đang là sinh viên năm thứ 3 ngành Tài chính - Ngân hàng của Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh (cơ sở ở Nghệ An). Một người “nổi tiếng” như Nhung thì tiếng tăm lan rộng không phải là điều khó hiểu. Đã có rất nhiều công ty lớn sẵn sàng mời Nhung sau khi tốt nghiệp về làm việc nhưng em vẫn chưa nhận lời.
Nhung bảo, em vẫn xác định việc học tập là trên hết. Em sẽ cố gắng để đầu tư luyện tập cho bóng bàn hơn nữa nhưng đó chỉ là nghề tay trái của em. Vì Nhung mong muốn sau này thành công trên con đường học vấn mà em đã lựa chọn.
Ngọc Anh
.