Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201203/18961-bai-2-cong-duc-nha-nuoc-quan-ly-nhan-dan-thuc-hien-398435/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201203/18961-bai-2-cong-duc-nha-nuoc-quan-ly-nhan-dan-thuc-hien-398435/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bài 2: Công đức = Nhà nước quản lý + nhân dân thực hiện - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 15/03/2012, 07:00 [GMT+7]
18961

Bài 2: Công đức = Nhà nước quản lý + nhân dân thực hiện

Rất nhiều di tích lịch sử văn hoá có nguồn công đức khá lớn, nhưng do thiếu hiểu biết về nghiệp vụ chuyên môn, nên tình trạng buông lỏng việc quản lý công đức, cũng như sử dụng công đức sai mục đích tại các di tích lịch sử văn hoá - danh thắng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang diễn ra khá phổ biến.
 
Với mô hình “Công đức = Nhà nước quản lý + nhân dân thực hiện” như cách làm của Ban quản lý di tích đền Hồng Sơn, TP Vinh đáng để các địa phương khác học tập, làm theo.
 
Vì chính quyền địa phương không có chuyên môn để có thể quản lý di tích đền Hồng Sơn, một di tích kiến trúc nghệ thuật xếp hạng Quốc gia, bởi vậy năm 2011, UBND TP Vinh đã thành lập Ban quản lý cấp thành phố để nâng cao khả năng chuyên môn và kiểm soát hoạt động của đền Hồng Sơn.
 
Ban quản lý đền Hồng Sơn có đầy đủ 3 thành phần gồm Phó Trưởng phòng Văn hoá TP Vinh làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, vừa là Trưởng Ban quản lý, vừa là người kiểm tra, giám sát, phụ trách về mặt chuyên môn của đền Hồng Sơn; Trưởng Ban quản lý đền có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động, đảm bảo cho di tích giữ được nguyên gốc, nguyên hiện trạng.
 
Còn những người hoạt động thường trực ở đền là cán bộ văn hoá về hưu của ngành và những người công tác lâu năm ở đền, cán bộ Trung tâm văn hoá thành phố làm nhiệm vụ theo dõi, quản lý về hiện vật, tài liệu trong đền.
 
Thành phần thứ 3 là Phó Chủ tịch phường, đại diện của chính quyền địa phương kiêm Phó Ban quản lý di tích, đảm bảo về mặt an ninh trật tự. Một chuyên viên của Phòng Tài chính TP Vinh phụ trách công tác kế toán và kiểm kê số lượng tiền công đức của đền.
 
Ảnh minh hoạ
 
Với cách thức tổ chức nhân sự bài bản như trên, Ban quản lý đền Hồng Sơn không những đóng vai trò tổ chức công tác bảo vệ, hướng dẫn khách tham quan mà còn giữ vai trò quan trọng trong công tác vận động công đức, hướng dẫn công đức, quản lý, theo dõi việc sử dụng công đức chặt chẽ hơn.
 
Nguồn thu công đức của di tích được tập trung vào một hòm công đức của đền. Ban quản lý cũng nghiêm cấm ban viên cầm tiền trực tiếp từ người công đức mà yêu cầu họ bỏ trực tiếp vào hòm công đức của đền. Mọi phiếu công đức được phát ra và các hiện vật được cung tiến đều được ghi vào sổ biên bản kiểm kê của di tích.
 
Trưởng Ban quản lý và kế toán, mỗi người giữ một chìa khoá. Mỗi lần mở hòm công đức đều có đầy đủ các thành phần trong Ban quản lý, nguồn công đức được kiểm kê, báo cáo lên các cấp và cơ quan chức năng, đồng thời 65% của tiền công đức chi cho công tác tu sửa, tôn tạo di tích được gửi vào ngân hàng. 
 
Năm 2010 trở về trước, mỗi năm tiền công đức của đền Hồng Sơn chỉ được 400 triệu - 450 triệu đồng. Nhưng với cách thức quản lý và sử dụng của Ban quản lý mới, năm 2011, nguồn thu công đức của đền Hồng Sơn tăng lên gấp 4 lần. Cụ thể, đền đã tiếp nhận công đức bằng tiền mặt trên 1,3 tỷ đồng, tiếp nhận bằng hiện vật, công trình là 660 triệu đồng.
 
“Tiền công đức của dân không mất đi đâu và được bảo toàn trong ngân hàng, phục vụ cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích hoặc trích một phần vào quỹ từ thiện. Hiện nay, Ban quản lý đền Hồng Sơn mới chỉ tiêu vào khoản tiền dịch vụ (trợ giúp hành lễ tâm linh, gửi xe) và tiền lãi suất ngân hàng hàng tháng chứ chưa dùng đến tiền công đức”, ông Bùi Quang Phương - Trưởng Ban quản lý đền Hồng Sơn chia sẻ.
 
Cũng có rất nhiều tập thể, cá nhân bày tỏ nguyện vọng cung tiến hạc vàng hoặc mã vàng làm mới lại các thánh, phật cho đền nhưng đều được Ban quản lý đền từ chối. “Chúng tôi rất cảm ơn tấm lòng thành của những đơn vị, cá nhân đó song vì không phù hợp với kiến trúc nguyên gốc của đền nên chúng tôi không thể nhận”, ông Phương nói thêm.
 
Để tăng thêm mỹ quan cho đền, năm ngoái đền Hồng Sơn muốn xây thêm hồ bán nguyệt. Và cách kêu gọi xã hội hoá ở đền Hồng Sơn cũng làm cho những người đóng góp công đức thực sự hài lòng. Đền Hồng Sơn đã thuê thiết kế phù hợp với kiến trúc của đền, dựng mô hình thiết kế kèm theo lời kêu gọi xã hội hoá và niêm yết tại địa điểm xây dựng hồ bán nguyệt. Tự khắc những người dân và những mạnh thường quân tự nguyện đóng góp và xây dựng nên, Ban quản lý chỉ đóng vai trò là người kiểm tra, giám sát về mặt chuyên môn, còn việc thực hiện hoàn toàn do người dân.
 
Nguồn công đức ở các di tích là sự đóng góp tự nguyện của tập thể, cá nhân bằng tiền mặt, hiện vật, công trình và bằng công sức lao động. Chỉ tính riêng nguồn thu từ 7 di tích (đền Cờn, đền Hồng Sơn, đền Cuông, đền Ông Hoàng Mười, đền Đức Hoàng, đền Bạch Mã, đền Vua Mai), năm 2011 nguồn công đức thu được bằng tiền mặt là trên 9 tỷ đồng, hiện vật, công trình là gần 2 tỷ đồng. Đó là nguồn thu không hề nhỏ góp phần bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. 
 
Để công tác quản lý và sử dụng nguồn công đức tại các di tích có hiệu quả, theo ông Phan Văn Hùng - Phó Ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh, “nhất thiết phải kiện toàn lại Ban quản lý ở một số di tích lịch sử văn hoá - danh thắng theo mô hình Nhà nước quản lý, nhân dân thực hiện”; phải có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, phòng Văn hoá, Trung tâm văn hoá, phòng Tài chính huyện cùng nhau thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác khai thác, quản lý, sử dụng nguồn công đức tại di tích.
 
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý phải xây dựng, thống nhất chung các mẫu hòm công đức, mẫu phiếu công đức, mẫu sổ sách cho hoạt động khai thác, quản lý, sử dụng công đức tại các di tích lịch sử văn hoá - danh thắng trên địa bàn tỉnh. Bản thân các Ban quản lý di tích cũng thực hiện kiểm kê nguồn công đức và chế độ báo cáo với các cấp theo quy định.

Còn theo ông Bùi Quang Phương, Phó Trưởng phòng Văn hoá TP Vinh kiêm Trưởng Ban quản lý đền Hồng Sơn thì cho rằng, trong Quyết định 195 quy định 35% dùng cho việc chi tiêu và 65% còn lại dùng cho việc tôn tạo, tu bổ di tích là không hợp lý.
 
“Nếu những di tích nhỏ, nguồn thu công đức ít hoặc không có nguồn công đức thì 35% là không đủ, thậm chí là không có. Nhưng với những di tích lớn, có nguồn công đức 2 tỷ - 4 tỷ/năm thì 35% trích từ nguồn công đức cũng là một khoản tiền không hề nhỏ, Ban quản lý làm gì để tiêu hết số tiền lớn như vậy trừ khi không vào túi cá nhân”, ông Phương đề nghị.
 
Hay như đề nghị của ông Nguyễn Xuân Thuỷ, Trưởng phòng Văn hoá huyện Hưng Nguyên thì không nên quy định cứng nhắc mỗi đền đặt 2 - 3 hòm công đức. Vì thực tế, rất nhiều di tích đã thực hiện đặt 3 hòm công đức, nhưng người đi lễ đền, chùa cứ đặt tiền lên lễ, lên các tượng thánh, phật, làm rơi vãi lung tung, nhất là vào những ngày sóc vọng, ngày rằm, ngày mồng một hàng tháng.
 
Thế nên, Ban quản lý các đền cũng linh động tăng - giảm trong việc đặt hòm công đức vào các ngày lễ, Tết tạo điều kiện thuận lợi cho khách đi lễ.
 
Công khai nguồn thu, chi công đức là công việc rất cần thiết trong hoạt động khai thác, quản lý, sử dụng nguồn công đức tại các di tích lịch sử văn hoá - danh thắng. Việc công khai dân chủ nguồn thu công đức có thể được tiến hành dưới nhiều hình thức như thông báo đến các tổ chức xã hội ở địa phương, thông báo trên bảng đặt tại di tích hay trên phương tiện truyền thanh, truyền hình của xã, huyện.
 
“Nếu di tích nào làm tốt công tác này thì tạo niềm tin cho quần chúng nhân dân và có tác dụng tích cực cho việc vận động công đức”, ông Hùng nhấn mạnh.

Bích Huệ
.