Bộ phim “Rừng chắn cát” có độ dài 28 tập, đạo diễn: Triệu Tuấn - Nguyễn Danh Dũng, biên kịch: Nguyễn Thiên Vỹ (người từng công tác trong ngành giáo dục ở huyện Lộc Hà - tỉnh Hà Tĩnh). Bối cảnh của phim là ngôi trường THCS ở một vùng biển nghèo miền Trung mang tên Hải Xuân.
Môi trường giáo dục nơi đây có thể xem là một hình ảnh thu nhỏ của thực trạng giáo dục đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước, nhất là địa bàn nông thôn, miền núi, miền biển, nơi mà những nguồn lực để phát triển giáo dục còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Không phải bộ phim đầu tiên đề cập tới những vấn đề nổi cộm, bất cập trong ngành giáo dục nhưng “Rừng chắn cát” đã hấp dẫn người xem từ những tập đầu tiên khi tái hiện được một cách chân thực, sinh động những lỗ hổng trong công tác quản lý giáo dục, sự suy thoái, biến chất về đạo đức, lối sống trong một bộ phận nhà giáo.
Đồng thời, bộ phim cũng đã chuyển tải khá thành công những thông điệp, day dứt, trăn trở về nghề dạy học, làm nổi bật tấm lòng bao dung, nhân hậu của những nhà giáo có trách nhiệm, hết lòng tận tụy với nghề.
Trước hết, bộ phim đã nhìn thẳng, “đánh trúng” vào những mảng tối, những ung nhọt, bất cập vốn tồn tại bấy lâu nay trong ngành giáo dục. Đầu tiên phải kể đến là sự yếu kém, trì trệ trong công tác quản lý giáo dục. Ở mỗi đơn vị trường học, người hiệu trưởng không chỉ là “bộ mặt” của trường mà còn là người chèo lái, dẫn dắt, thổi luồng sinh khí vào mọi hoạt động giáo dục của nhà trường để trường học mình quản lý phát triển về mọi mặt.
Mặc dầu vậy, nhân vật Hiệu trưởng Bảo trong phim (diễn viên Văn Kha đóng) lại chỉ lo toan, vun vén cho lợi ích cá nhân, tha hóa, buông thả trong lối sống thể hiện qua hành vi thậm thụt quan hệ bất chính với nhân viên kế toán trong trường rồi tìm cách bán cánh rừng bạch đàn chắn cát nhằm tham ô, bòn rút của công.
Trong công tác chuyên môn, vị hiệu trưởng này chỉ chăm chăm chạy theo những thành tích ảo, tìm mọi cách để che đậy những bất cập, yếu kém trong chất lượng dạy và học ở trường mình, đồng thời, làm “đẹp lòng” cấp trên.
Sự tha hóa, biến chất cùng với cung cách quản lý chuyên quyền, vô lối, chạy theo thành tích đã khiến cho chất lượng giáo dục thực chất của trường Hải Xuân đi xuống, buộc những giáo viên có trách nhiệm trong trường phản ứng, tìm mọi cách chống đối lại.
Không ít khán giả xem phim đã tự đặt câu hỏi: Liệu có bao nhiêu vị hiệu trưởng phải “giật mình” khi thấy thấp thoáng có bóng dáng mình trong hình ảnh của ông hiệu trưởng ở ngôi trường mang tên Hải Xuân kia? Không chỉ tái hiện những yếu kém trong công tác quản lý giáo dục, bộ phim đã đề cập tới những vấn đề “nóng” khác, thu hút được sự quan tâm của dư luận về những mảng tối trong bức tranh giáo dục như: Chuyện giáo viên thi nhau học tại chức chỉ để lên lương, chuyện cô giáo đánh học sinh, chuyện dạy thêm, học thêm… Tất cả đều được các nhà làm phim thể hiện một cách tự nhiên, chân thực, sinh động, có tính thuyết phục cao.
Rất quyết liệt khi thẳng thắn đề cập tới những tồn tại, yếu kém đang diễn ra trong môi trường giáo dục hiện nay nhưng “Rừng chắn cát” cũng không làm nản lòng người xem khi gửi gắm niềm tin vào những người thầy yêu nghề, hết lòng tận tụy với học sinh.
Bên cạnh những nhân vật phản diện, những “con sâu” làm vẩn đục môi trường sư phạm ở trường Hải Xuân, còn có những tấm lòng đôn hậu, vị tha, vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn trong đời sống vật chất lẫn tinh thần, họ vẫn kiên cường bám trụ đến cùng để ngày ngày mang con chữ đến cho những học sinh nơi miền quê nghèo hiếu học.
Tiêu biểu trong số đó là hình ảnh người thầy giáo trẻ tên Nguyên (do Quang Sự thủ vai) - một giáo viên trẻ có năng lực chuyên môn, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của Trường THCS Hải Xuân. Cũng như nhiều đồng nghiệp có tâm huyết khác trong trường, anh bất đồng, phản đối cung cách quản lý độc đoán, chuyên quyền, chạy theo thành tích của thầy hiệu trưởng và những kẻ a dua trong trường.
Nguyên đã chấp nhận “bỏ phố xuống biển”, rời xa cuộc sống đủ đầy tiện nghi nơi thành phố để cùng với các đồng nghiệp có trách nhiệm quyết tâm cùng nhau đấu tranh chống lại cái xấu, cái giả dối, xây dựng lại ngôi trường.
Hình ảnh thầy giáo trẻ hăng say, tận tụy, tâm huyết với nghiệp “trồng người” tượng trưng cho những loài cây cắm rễ sâu vào lòng đất làm thành rừng chắn cát, chắn gió, bảo vệ sự xói mòn của đạo đức, lương tri, cũng là để giữ gìn sự yên lành trong sạch cần có của môi trường sư phạm.
Không chỉ hấp dẫn bởi nội dung phim mang tính thời sự, thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận xã hội, bộ phim còn cuốn hút người xem bởi khả năng diễn xuất dung dị, chân thực của một dàn diễn viên có kinh nghiệm, đã khá quen thuộc với khán giả như: Văn Kha, Quang Sự, Hồng Quân…
Khán giả nhận thấy ở họ một khả năng diễn xuất giản dị, gần gũi cần thiết để thể hiện được hơi thở của cuộc sống và chân dung của những người giáo viên đang công tác ở những vùng quê nghèo khó. Hi vọng rằng, sau “Rừng chắn cát”, khán giả sẽ được thưởng thức nhiều hơn những bộ phim hay, có chất lượng nghệ thuật về đề tài giáo dục.
Và điều quan trọng là, những người quan tâm tới sự nghiệp “trồng người” cả trong và ngoài ngành giáo dục có thể tìm thấy cho mình những bài học thấm thía từ những thông điệp được các nhà làm phim gửi gắm qua bộ phim này.
Bùi Minh Tuấn
.