Năm nay “phố ông đồ” được tổ chức từ ngày 13/1/2012 (20-12 Âm lịch) và kết thúc vào ngày rằm tháng Giêng với có sự góp mặt của 50 ông đồ đến từ 2 câu lạc bộ thư pháp lớn ở Hà Nội là Câu lạc bộ thư pháp của UNESCO và Câu lạc bộ thư pháp Hương Nam.
Thời xưa ở Việt Nam, vào mỗi dịp xuân về, người dân thường đến nhà những thầy đồ, những người hay chữ để xin chữ về treo như một bức tranh, vừa là vật trang trí nhưng cũng vừa là món ăn tinh thần. Thầy đồ hay người hay chữ cho chữ bằng cách viết một chữ hoặc nhiều chữ trên một tờ giấy lớn, với nội dung mang tính cách chúc tụng hay giáo dục, nét chữ thường được khen là đẹp như rồng bay phượng múa. Lối viết như vậy được gọi là thư pháp.
Dân tộc Việt Nam vốn hiếu học, dẫu không được đến trường nhưng chữ nghĩa của thầy treo lên tường nơi trang trọng, trong những giờ phút thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới, để rồi ngấm sâu vào trong mỗi suy nghĩ, việc làm của mỗi người, đó là cách học suốt đời. Không phải người ta lúc khá giả mới học, cả năm vật lộn nắng mưa, đói kém, nhưng Tết đến cũng dành vài đồng để xin đôi ba chữ. Người cho chữ cũng không phải vì tiền mà vì muốn cho cuộc đời này nhiều người sống đẹp, có ý nghĩa và giàu lòng nhân ái hơn, dẫu có nhận vài đồng cũng là tiền giấy mực…
Nghệ thuật thư pháp ngày nay không còn chỉ đóng khung trong “mực tàu, giấy đỏ” mà đã mở ra những gỗ, đá, trúc, tre, lụa, gấm. Rồi không phải cứ “áo the, khăn xếp”, áo nâu, râu tóc bạc phơ mới là người cho chữ. Quá nửa phố “ông đồ” ngày nay là các sinh viên khoa Hán – Nôm hay các trường nghệ thuật.
Người xin chữ ngày nay cũng đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp, mọi ngành nghề. Người trung niên xin chữ “Tâm”, chữ “Đức”; nam thanh, nữ tú xin chữ “Yêu”, chữ “Hiếu”, chữ “Trung”; người có lòng trắc ẩn, hiếu lễ xin chữ “Cha”, chữ “Mẹ”… Người đi thi cho chữ “Đăng khoa”. Người ít tuổi cho chữ “Trí tuệ, Chí hướng”. Những em nhỏ sẽ cho chữ “Minh”. Mừng bố mẹ sẽ chữ “An khang”, chữ “Hiếu”. Mừng các cụ không thể thiếu chữ “Thọ”. Cũng như vậy, trong buôn bán, kinh doanh sẽ là chữ “Bảo tín hưng long, Phát đạt doanh môn”... Mỗi chữ ứng với mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi công việc, mang nỗi niềm tâm tư thầm kín, một trạng thái tinh thần, hoặc một ý niệm tự răn mình.
Việc xin chữ đầu năm ngày một trở nên thịnh hành, nó đang trở thành phong tục đẹp của người Việt Nam mỗi độ xuân về Tết đến. Từ Bắc chí Nam, từ xuôi lên ngược, chẳng phân biệt giàu nghèo, sang hèn... ta thường bắt gặp những gương mặt giống nhau ở sự thành tâm của người xin chữ. Ngày xưa là chữ Nho, ngày nay vẫn là chữ Nho, lại có thêm cả chữ Quốc ngữ, với lợi thế thông dụng, dễ đọc, dễ hiểu. Các thầy đồ Hán học và Quốc ngữ học tha hồ thả hồn theo nét bút mà tặng lại cho người xin cái tâm, cái tài của mình được gửi qua nét chữ và nội dung của chữ theo ước nguyện của người xin.
Không phải ai biết chữ cũng có thể cho chữ được. Người cho chữ phải hiểu chữ và hiểu cả người xin chữ nữa. Gương mặt nết người. Nét chữ nết người. Người xin chữ thì cái sự xin kia là công việc của tâm linh. Lòng có thành đức mới sáng: Chữ nghĩa thầy cho là để gánh vác, để bươn chải mà vươn lên cho thành đạt chứ không phải trò xổ số cầu may.
Có được như vậy, người cho chữ mới đáng mặt chữ và người xin chữ mới xứng hồn chữ, bằng không cũng chỉ như nước chảy bèo trôi, chữ nghĩa trả thầy... Có được như vậy thì việc xin chữ và cho chữ mới thật sự ý nghĩa. Và những người của muôn năm cũ sẽ lại về cùng con cháu mỗi mùa hoa mai, hoa đào nở, mang lộc chữ đến cho muôn nhà.