Đến Trại giam số 6 (Cục V26, Bộ Công an) vào một ngày cuối năm đẹp trời, vừa bước xuống xe, chúng tôi được tận hưởng không khí trong lành, dễ chịu của núi rừng, nơi những đồi chè xanh mướt đang vươn mình đón những tia nắng hiếm hoi sau một đợt rét dài.
Gặp những cán bộ ở Trại giam số 6 trong thời điểm này thật khó, bởi mọi người ai cũng tất bật với những công việc cuối năm. Trong số những bộn bề công việc, các cán bộ Đội quản lý giáo dục - Trại giam số 6 đang khẩn trương hoàn thành những khâu chuẩn bị cuối cùng để tổ chức khai giảng lớp học xoá mù chữ.
Vừa nghe đến lớp học xoá mù chữ đã lạ nay lại là lớp học xoá mù chữ trong trại giam khiến chúng tôi không khỏi tò mò. Việc mở lớp học xóa mù chữ cho phạm nhân là quy định chung đối với các Trại giam kể từ khi có pháp lệnh thi hành án phạt tù thể hiện sự nhân văn của pháp luật Việt Nam trong việc cải tạo và giáo dục người lầm lỗi.
Theo đó Trại giam phải phối hợp với phòng Giáo dục & Đào tạo tại địa phương nơi trại đóng chân mở lớp học cho phạm nhân đang mù chữ và tái mù chữ. Lớp học xoá mù chữ của Trại giam số 6 cũng được ra đời từ đó, đến nay đã có hàng trăm lớp học và rất nhiều phạm nhân “đọc thông viết thạo” sau khi hoàn thành khóa học.
Trung tá Nguyễn Viết Sinh kèm các phạm nhân viết chữ
Lật giở hồ sơ về lớp học, Trung tá Hồ Thần Kỳ - Đội phó Đội quản lý giáo dục cho chúng tôi xem những “Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình xóa mù chữ” của các phạm nhân và những nét chữ đầu tiên trong hồ sơ của họ. Những nét chữ còn nguệch ngoạc, méo mó nhưng đầy ý nghĩa đối với những học trò đặc biệt cũng chính là những phần thưởng lớn đối với những người thầy đang từng ngày mở lối về nẻo thiện.
Hằng năm, căn cứ vào quyết định của Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Thanh Chương, Trại giam số 6 phối hợp với Trường tiểu học xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương tổ chức lớp học phổ cập chương trình tiểu học cho phạm nhân mù chữ và tái mù.
Theo đó, Trại giam số 6 phối hợp với nhà trường tổ chức lễ khai giảng, bế giảng, biên soạn giáo án, tổ chức các kỳ thi và cấp chứng chỉ cho phạm nhân. Mỗi năm, tùy vào số lượng phạm nhân mù chữ, Trại giam số 6 tổ chức từ 1 đến 2 lớp học. Mỗi lớp từ 30 đến 45 phạm nhân, chủ yếu là người miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số.
“Cô giáo” Kim Dung và các phạm nhân
Mỗi ngày 4 tiếng, từ các ngày thứ 2 đến thứ 6 trong tuần, các phạm nhân sẽ được học môn Tiếng Việt và học Toán. Mỗi lớp học trong thời gian 6 tháng, sau khi hoàn thành khóa học phạm nhân sẽ được cấp Giấy chứng nhận của Phòng GD&ĐT huyện Thanh Chương.
Lớp học đầu tiên của năm nay bế giảng vào dịp cuối tháng 10 vừa qua. Cũng có bàn, có ghế, có giấy trắng, bảng đen nhưng ở lớp học đặc biệt này những người giám thị lại kiêm luôn vai trò của những người thầy trên bục giảng còn học trò là những phạm nhân mặc áo sọc.
Tiếng kẻng báo giờ đi làm giờ đây lại là âm thanh quen thuộc báo giờ đi học của các phạm nhân. Già có, trẻ có tất cả họ là những người đã một thời lầm lỗi đang cố gắng cải tạo thật tốt để mong sớm được trở về với xã hội, đoàn tụ với gia đình, người thân.
Những người trong số họ từng là giang hồ khét tiếng, là những trùm ma túy xuyên quốc gia… nhưng ít ai biết rằng đến tên của mình họ cũng không thể viết nổi và cũng chưa một lần tiếp xúc với con chữ. Có lẽ họ cũng không thể ngờ rằng họ lại được đi học trong hoàn cảnh đặc biệt như thế này.
Thiếu úy Kim Dung đã có kinh nghiệm đứng lớp hơn 3 năm nay. Tốt nghiệp khoa sư phạm Ngữ văn trường Đại học Vinh, chị về nhận công tác tại Trại giam số 6. Ước mơ làm cô giáo nhưng chưa bao giờ chị nghĩ học trò của mình lại là những người đặc biệt thế này.
Các phạm nhân ở Trại giam số 6 sau giờ lao động
Thiếu úy Dung cho biết: “Những người theo học chủ yếu đã lớn tuổi nên dạy cho họ làm quen với các chữ cái rất khó khăn. Qua cái tuổi đi học nên việc tiếp thu bài giảng rất hạn chế. Có những phạm nhân là đồng bào dân tộc thiểu số, nói tiếng Kinh còn chưa rõ, nay tập đọc và viết chữ lại càng vất vả hơn. Vào các giờ học chúng tôi luôn phải nhờ đến những phạm nhân người dân tộc làm người phiên dịch”.
Phạm nhân L.T.B đang thụ án tại Đội 35, là người dân tộc Thái, huyện Tương Dương, Nghệ An nên dạy học cho Bích cũng rất vất vả. Bàn tay thô ráp, chai sạn vốn đã quen với cái cày, cái cuốc lại thêm một thời lầm lỡ dính vào tội ác nên tay của B không được mềm mại như những người khác. Mỗi lần kèm cho B học chữ là mỗi lần cả thầy và trò đánh vật với con chữ.
Đôi tay thô cứng không tài nào đưa theo nét chữ của thầy, phải mất nhiều ngày B mới viết được một chữ cái. Hay như phạm nhân C.Đ.H (xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đang thụ án tại phân trại số 2. Nếu như các phạm nhân khác học một ngày có thể làm quen được với các chữ cái thì H lại khác.
Cứ đến buổi học ngày hôm sau là H quên sạch những bài học của ngày hôm trước. Các thầy cô giáo lại phải dạy lại từ đầu và tìm cách để H không quên các mặt chữ. Ấy là vào những lần H không thuộc bài, các thầy đã phải phạt H ghi bài 3, 4 lần đến khi nào thuộc làu mới thôi, là những giờ học phụ đạo nhọc nhằn của thầy và trò, những lúc H được những phạm nhân trong lớp kèm cặp và giúp đỡ thêm.
Rồi H cũng hoàn thành khóa học, dù kết quả không bằng các phạm nhân khác nhưng khi thấy H có thể tự cầm bút ghi tên mình lên trang vở là lúc các thầy, cô lớp học xóa mù chữ cảm thấy mãn nguyện, vui lòng.
Bên cạnh chương trình dạy xóa mù chữ, các cán bộ còn lồng ghép chương trình Giáo dục Công dân vào lớp học để giáo dục phạm nhân những bài học về đạo đức, pháp luật, kỹ năng sống căn cứ theo tài liệu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và Bộ Công an biên soạn.
Đưa cho chúng tôi xem lá thư của L.B.L (Kim Sơn, Quế Phong, Nghệ An) từng thụ án hơn chục năm ở đây giờ đã trở thành một chủ cửa hàng kinh doanh khá thành đạt, Trung tá Hồ Thần Kỳ vẫn không khỏi xúc động khi đọc lại bức thư. L cũng từng là học trò của lớp học đặc biệt này, người học trò bao lần làm thầy cô bực dọc vì không thể viết nổi một chữ cái, thế mà lại chính là người thường xuyên liên lạc, viết thư hỏi thăm các thầy cô nhất. Và đối với những người thầy ở Trại giam số 6 này thì có niềm hạnh phúc nào hơn thế.
Giờ đây, đối với các phạm nhân đây không chỉ là ngôi nhà thứ hai mà còn chính là mái trường mến yêu của họ. Những người cán bộ được các “học sinh” đặc biệt gọi bằng cái tên thật trìu mến: “thầy giáo”. Và đối với họ, những người như cô giáo Kim Dung, cô giáo Tường Linh, cô giáo Nguyễn Thị Hà, thầy giáo Lê Quốc Việt… thực sự là những người cha, người mẹ thứ hai của mình.
Huyền Thương
.