(Congannghean.vn)-Sáng ngày 5/6, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ công bố Quy hoạch hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Về dự lễ, có các đồng chí: Nguyễn Xuân Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các Sở, ban ngành liên quan.
Các đại biểu về dự lễ |
Theo kết quả kiểm kê đến năm 2017, trên địa bàn Nghệ An có 2.603 di tích, danh thắng với 413 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 135 di tích quốc gia, 274 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Ngoài ra, Nghệ An có 960 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục kiểm kê và nhận diện, 3 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, dân ca ví giặm đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Bên cạnh đó, Nghệ An là một tỉnh có nhiều lễ hội, hàng năm tổ chức 29 lễ hội truyền thống và lễ hội mới gắn liền với các nghi lễ tâm linh, các hoạt động văn hóa ở các di tích. Bên cạnh đó, đây là một trong những địa phương sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên có tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch. Đó là một lợi thế lớn nhưng cũng là thách thức không nhỏ cho hoạt động văn hóa và du lịch.
Toàn cảnh buổi lễ |
Nhận thức sâu sắc tiềm năng, giá trị và tầm quan trọng của di sản văn hóa, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ngành Văn hóa, Thể thao tiến hành lập Đồ án Quy hoạch hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh Nghệ An định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Sau gần 3 năm thực hiện, với sự góp ý của các sở, ban, ngành, các huyện thành thị cũng như các chuyên gia đầu ngành về di sản văn hóa, ngày 18/12/2017, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 6103 phê duyệt Đồ án quy hoạch quan trọng này.
Ký kết và bàn giao hồ sơ |
Phát biểu tại buổi lễ công bố, đồng chí Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, quy hoạch hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh Nghệ An định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 bao gồm quy hoạch toàn diện các phân vùng di sản nhằm mở ra cơ hội thay đổi tư duy, khơi dậy cảm hứng cộng đồng, thu hút các nguồn lực xã hội cùng gắn kết, tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di tích, phát triển kinh tế di sản và du lịch; trong đó, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh là yếu tố quan trọng để tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng, có giá trị gia tăng, tạo ra nguồn thu lớn và thường xuyên, trút bỏ gánh nặng của ngân sách, đồng thời, làm thay đổi vị thế, hình thành động lực phát triển mới cho địa phương.
Các đại biểu tham quan triển lãm Đồ án |