(Congannghean.vn)-Sáng 15/7, phiên chất vấn và trả lời chất vấn được mở đầu bằng báo cáo của Cục thuế Nghệ An về những tồn tại hiện nay, trong đó tập trung vào nợ đọng thuế. Tính đến ngày 30/6/2014, tổng số nợ đọng thuế trên toàn tỉnh là 835 tỉ đồng, trong đó có 83,6 tỉ đồng nợ khó thu, 29 tỉ đồng nợ chờ xử lí, hơn 168 tỉ đồng tiền phạt, 619,3 tỉ đồng nợ thông thường…
Ngay sau báo cáo của Cục thuế Nghệ An, đã có 7 đại biểu HĐND tỉnh có các chất vấn 15 nội dung liên quan như: Cần phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và đưa ra giải pháp khi nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản đang nợ đọng thuế; các dự án đầu tư chậm, chưa tiến hành nghĩa vụ thuế Nhà nước, đặc biệt là tiền thuê đất và tiền sử dụng đất; vấn đề doanh nghiệp kê khai nộp thuế với giá khác, nhưng bán ra thị trường với giá rất cao, kéo theo hệ lụy Nhà nước thất thu thuế trong khi người dân phải nộp thuế cao; nhiều doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nhưng có trụ sở ở địa bàn khác gây thất thu thuế… Ông Nguyễn Đình Hòa, Cục trưởng Cục thuế Nghệ An thừa nhận nguyên nhân của tình trạng chậm thuế doanh nghiệp là quy chế phối hợp giữa ngành với các cơ quan chức năng chưa tốt, nhất là khi trong quá trình xin cấp phép. Trong thời gian tới, ngành Thuế sẽ tăng cường cưỡng chế, thực hiện thu hồi giấy phép theo Luật Khoáng sản, đình chỉ sử dụng hóa đơn…
Về thực trạng các dự án đầu tư chậm, chưa tiến hành nghĩa vụ thuế Nhà nước, đặc biệt là tiền thuê đất và tiền sử dụng đất thì hiện nay, trên lĩnh vực bất động sản có 8 dự án chậm, nguyên nhân là do suy thoái kinh tế, các giao dịch mua bán gần như tê liệt, không phát sinh thuế, chủ yếu nợ là các khoản trước đây chưa thu được. Hiện nay có 110 dự án đang nợ 865 tỉ đồng. Thực trạng doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Nghệ An nhưng có trụ sở ở tỉnh khác khá nhiều, gây thất thu thuế. Ngành Thuế đã tham mưu cho UBND tỉnh khi các doanh nghiệp đến đầu tư, cần phải yêu cầu các doanh nghiệp thành lập các chi nhánh, các công ty để thực hiện các nghĩa vụ thuế.
Đại biểu HĐND chất vấn về thực trạng nợ đọng thuế gây ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh nhà |
Đánh giá phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với ngành Thuế, đồng chí Trần Hồng Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, việc chất vấn là đúng và trúng, ngành Thuế đã thừa nhận và hứa trước HĐND nhiều lần cho thấy sự quyết tâm rất cao. Đề nghị ngành Thuế triển khai ngay những biện pháp để kịp thời chấn chỉnh.
Tiếp tục phiên chất vấn, có 5 đại biểu chất vấn về thực trạng hậu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ khi người dân liên tục bỏ khu tái định cư quay về lòng hồ sinh sống, gây khó khăn cho chính quyền địa phương. Tại khu tái định cư hiện đang có 35 hộ dân chưa được cấp đủ đất sản xuất, một số diện tích đất được cấp dốc, thiếu nước nên đang có 15 bản chưa khai hoang sản xuất. Có 47 hộ với 217 nhân khẩu dù đã có quyết định di chuyển về khu tái định cư nhưng vẫn chưa chuyển về, chưa nhận tiền đền bù, hỗ trợ. 43 hộ dân khác đã nhận nhà ở điểm tái định cư sau đó đã bán nhà, rời khỏi địa phương, quay về sống trong vùng lòng hồ. Cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm bị xuống cấp nghiêm trọng…
Trả lời vấn đề này, đồng chí Lê Xuân Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Dự án tái định cư cho đồng bào Thủy điện Bản Vẽ tại Thanh Chương đã được các cấp, các ngành và chủ đầu tư Thủy điện Bản Vẽ tích cực triển khai. Nhìn chung cuộc sống của đồng bào tái định cư đã cơ bản ổn định và có những chuyển biến tích cực trong đời sống sinh hoạt. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã có một số tồn tại, trong đó những vấn đề phát sinh mới chưa được giải quyết. Hiện nay, UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra sự cố, tiến hành hỗ trợ người dân sửa nhà. Hàng tháng, phải báo cáo về UBND tỉnh. UBND tỉnh cũng đã giao cho Sở Công thương phối hợp với chủ đầu tư phải nhanh chóng xây dựng quy trình xả lũ hợp lí. Hiện đang hướng dẫn và hỗ trợ bà con tái định cư trồng chè chất lượng cao thay vì trồng lúa, sắn. Về vấn đề đất đai, UBND tỉnh đề nghị lãnh đạo huyện Thanh Chương, Tương Dương và chủ đầu tư phải giải quyết nhanh trong quý 2, phải cấp đủ cho dân, nếu không có diện tích trồng lúa thì phải cấp bù diện tích trồng chè bằng nguồn quỹ đất. Vấn đề nước sinh hoạt, hiện nay, hệ thống nước tự chảy đã hỏng, phải giải quyết bằng cách đào giếng. Chủ đầu tư đã trích 10 tỉ đồng để đào giếng và cơ bản giải quyết được vấn đề.
Trong phiên chất vấn, đã có 14 đại biểu chất vấn 33 vấn đề liên quan đến 2 nội dung, nhiều cử tri chất vấn qua đường dây nóng. Các đại biểu đã chất vấn đúng trọng tâm, thể hiện nguyện vọng của cử tri. Các đơn vị được chất vấn đã thẳng thắn giải trình và nhận trách nhiệm, thể hiện đúng vai trò, phần việc phải làm, được cử tri đánh giá cao.
.