Ngày 6-9, trụ sở UBND, trường tiểu học ở các xã Mai Sơn, Yên Tĩnh đã bị ngập hoàn toàn. Huyện Tương Dương đã huy động lực lượng dân quân, giáo viên và nhân dân bản Cặp Chạng, giúp nhà trường di dời toàn bộ tài sản, thiết bị dạy học và học sinh về trú tạm tại Nhà văn hóa xã. Nhiều hộ dân khu vực ngập lụt cũng được di dời lên địa điểm an toàn.
Mưa lớn kéo dài cũng khiến quốc lộ 7A, con đường huyết mạch lên miền Tây xứ Nghệ bị sạt lở nhiều đoạn. Từ huyện Con Cuông, Tương Dương lên huyện biên giới Kỳ Sơn có nhiều đoạn lở đất, sạt núi khiến giao thông bị tắc nghẽn.
Tại điểm sạt lở ở Dốc Chó (xã Lạng Khê) hàng trăm xe cộ đang bị mắc kẹt do đất đá đổ ập xuống choán gần hết làn đường. Tại các xã Thạch Giám (huyện Tương Dương), hiện tượng sạt lở núi vẫn tiếp tục diễn ra, xe cộ vẫn bị ách tắc. Ở khu vực bản Cây Me, hiện tượng sạt lở đang uy hiếp cột điện 500KV nằm trên sườn núi.
Dự báo, nước sông Nậm Nơn lên cao, lưu lượng nước đổ về hồ thủy điện Bản Vẽ sẽ tiếp tục tăng nhanh, do đó Nhà máy thủy điện Bản Vẽ sẽ tiến hành xả lũ với lưu lượng lớn từ 340 đến1.000 mét khối/giây. Khi thủy điện xả lũ cũng là lúc người dân vùng hạ lưu Nậm Nơn sẽ phải sống chung với lũ. Đời sống của nhiều bản làng sẽ gặp không ít khó khăn.
Khi thủy điện bản Vẽ xả lũ, khu vực hạ lưu Nậm Nơn sẽ bị ngập lụt. Ảnh: Internet
Trước tình hình mưa lớn tiếp tục diễn ra trên diện rộng, ngày 6/9, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An đã có công điện khẩn chỉ đạo các cơ quan chức năng chuẩn bị đầy đủ phương tiện, lương thực, như yếu phẩm, thuốc men,… kịp thời ứng phó với tình hình bão lũ.
* Tại huyện Con Cuông: Nước lũ đã cuốn trôi đập Kẻ Trằng ở xã Mậu Đức và làm hư hỏng một số cầu tràn trên tuyến. Khoảng 350 ha lúa bị ngập nước. Ngày 6.9, toàn bộ học sinh được cho nghỉ học và sẽ học tập trở lại khi có hướng dẫn của UBND huyện.
* Tại huyện Nghi Lộc: Trên 2.600ha lúa hè thu và lúa mùa đang ở giai đoạn trổ bông hoặc giai đoạn chuẩn bị thu hoạch bị ngập chìm trong nước và có khả năng mất trắng. Ngoài ra, toàn huyện còn có trên 757ha ngô, 159ha vừng, 180ha lạc, gần 46ha rau màu cũng bị ngập trong nước. Những xã có diện tích cây trồng bị ngập lớn là Nghi Lâm, Nghi Văn, Nghi Kiều, Nghi Công Bắc, Nghi Phương, Nghi Mỹ, Nghi Trung…
Bình Minh
.