Trong nước
Phát động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia phòng chống thiên tai
Sáng 14/5, BCĐ Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) phối hợp với UBND TP. Hải Phòng phát động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia PCTT tại Quảng trường Nhà hát lớn Thành phố. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự và phát biểu tại buổi lễ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Quỹ cộng đồng PCTT Phan Diễn, cùng hơn 1.000 đại biểu và đại diện 20 tỉnh, thành phố có đê từ cấp III trở lên.
Biến đổi khí hậu, thiên tai tại Việt Nam diễn biến phức tạp, khó lường
Việt Nam là quốc gia thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Theo thống kê, trung bình mỗi năm thiên tai đã làm thiệt hại về kinh tế khoảng từ 1-1.5% GDP và gây ra những hệ lụy lâu dài đối với môi trường, tác động lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Thời gian qua, công tác PCTT luôn nhận được sự quan tâm thường xuyên và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là sự tham gia tích cực, trách nhiệm, hiệu quả của người dân. Với sự nỗ lực chung của toàn xã hội, công tác PCTT đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân và nhà nước, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tại lễ phát động, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và BCĐ PCTT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương nỗ lực của BCĐ Trung ương PCTT, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, các bộ, ngành Trung ương, chính quyền và cơ quan PCTT các cấp, các tổ chức trong nước và quốc tế, các cơ quan báo chí-truyền thông và đặc biệt là sự tham gia trách nhiệm, hiệu quả của người dân trong công tác PCTT.
Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ rõ công tác PCTT vẫn còn nhiều hạn chế, cần tập trung khắc phục có hiệu quả. Chính quyền, người dân ở một số vùng còn chủ quan, chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCTT; nguồn lực cho PCTT còn hạn chế. Công tác dự báo, cảnh báo chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội; công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế-xã hội của các bộ ngành, địa phương chưa gắn với công tác PCTT.
“Trong khi đó, biến đổi khí hậu, nước biển dâng tác động đến nước ta nhanh và mạnh hơn so với dự báo. Đồng thời, quá trình phát triển kinh tế đã và đang làm gia tăng rủi ro thiên tai, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, đòi hỏi phải có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, triển khai các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động các nguồn lực và sự tham gia của toàn xã hội để phòng, chống, ứng phó hiệu quả với thiên tai trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng
Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân trong công tác PCTT, thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai vì sự phát triển bền vững, ngày 13/2/2019 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy tuần lễ từ ngày 15-22/5 hằng năm làm Tuần lễ quốc gia PCTT. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển biến mới, tiếp nối lịch sử kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Ủy ban Trung ương hộ đê vào ngày 22/5/1946.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định Tuần lễ quốc gia PCTT là dịp để mỗi người thể hiện cam kết, đề cao tinh thần trách nhiệm, động viên chính quyền các cấp, các tổ chức và cộng đồng người dân nâng cao sự chủ động chuẩn bị sẵn sàng trong PCTT.
Cùng với phát động Tuần lễ quốc gia PCTT năm 2019 với chủ đề “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu: Mỗi người dân, mỗi cộng đồng dân cư hãy luôn cảnh giác, chủ động thích ứng, PCTT.
Chính quyền các cấp, đặc biệt là ở cơ sở, luôn sẵn sàng hành động theo phương châm 4 tại chỗ để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân và nhà nước, góp phần giảm nhẹ hậu quả do thiên tai gây ra.
Phó Thủ tướng cho biết, theo thông tin từ cơ quan khí tượng-thủy văn, các hình thái thời tiết cực đoan dự báo sẽ diễn biến phức tạp trong năm nay. Hiện tượng ENSO sẽ duy trì trạng thái El Nino yếu. Nắng nóng diện rộng có khả năng xuất hiện sớm hơn tại các khu vực Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trong khi đó, mùa khô sẽ kéo dài hơn ở Tây Nguyên và Nam Bộ, nguy cơ xảy ra hạn hán là rất cao. Xâm nhập mặn vùng đồng bằng Nam Bộ sẽ cao hơn năm 2018 và trung bình nhiều năm.
Phó Trưởng ban thường trực BCĐ Trung ương PCTT quốc gia Nguyễn Xuân Cường đọc thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước nhân kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống phòng chống thiên tai. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Mùa bão năm 2019 trên Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn, số cơn bão dự báo ít hơn, nhưng cường độ và diễn biến sẽ phức tạp, nguy hiểm hơn. Lũ quét và sạt lở đất có khả năng xuất hiện sớm ngay từ các tháng đầu mùa mưa lũ, nhiều đợt lũ quét và sạt lở đất tập trung tại vùng núi phía tây Bắc.
Để chủ động ứng phó, giảm nhẹ hậu quả do thiên tai gây ra, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị ngay sau lễ phát động này, các bộ, ngành, địa phương, các đoàn thể chính trị-xã hội, trường học, lực lượng vũ trang… cần tập trung triển khai các hoạt động thiết thực hưởng ứng Tuần lễ quốc gia, tạo được sự tham gia rộng rãi của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức và nhân dân. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức; kỹ năng PCTT cho mọi người dân.
Các bộ, ngành, địa phương cũng cần tập tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến công tác PCTT, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn. Trước hết là rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp thông lệ quốc tế; ban hành chính sách cụ thể thúc đẩy xã hội hoá khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia PCTT, nhất là trong nghiên cứu ứng dụng khoa học, đầu tư xây dựng công trình, cung cấp dịch vụ công và bảo hiểm rủi ro thiên tai. Cùng với đó là kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về PCTT các cấp theo hướng đồng bộ, thống nhất, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh cần tiếp tục đầu tư, nâng cao năng lực, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng; kịp thời sửa chữa, củng cố, nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển, hồ chứa nước, khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão… đáp ứng yêu cầu PCTT; đầu tư hiện đại hoá, tự động hóa hệ thống quan trắc, cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, trọng tâm là việc cảnh báo, dự báo sớm và chi tiết hơn.
Bên cạnh đó là nghiên cứu cải tiến nội dung và hình thức các bản tin dự báo khí tượng thủy văn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân và đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ thông tin, tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các quốc gia và tổ chức quốc tế trong công tác PCTT.
Nhân sự kiện này, Phó Thủ tướng đề nghị các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và khu vực tư nhân, các nhà hảo tâm tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ, đồng hành cùng với Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp PCTT.
Phó Thủ tướng tin tưởng với sự nỗ lực, chung tay của toàn xã hội, Việt Nam sẽ từng bước xây dựng được một xã hội chủ động hơn, an toàn hơn trước thiên tai, góp phần xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn hơn, bảo vệ tốt hơn thành quả phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và đảm bảo cuộc sống bình yên cho mọi người dân.
Nguồn: Nhật Bắc/Chinhphu.vn