Trong nước

Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 14

08:52, 07/05/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Sáng 06/5/2019, tại Nhà Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội. Đồng chí Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp có các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an; Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; đại diện lãnh đạo Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội...

Kéo dài từ ngày 06 - 08/5/2019, tại phiên họp lần này, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội tiến hành thẩm tra các dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); dự án Luật Lực lượng dự bị động viên; đồng thời thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2018, việc triển khai nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông những tháng đầu năm 2019; báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và tình hình thực hiện ngân sách quốc phòng - an ninh năm 2018, tình hình triển khai nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và ngân sách quốc phòng - an ninh những tháng đầu năm 2019.

Trong phiên họp buổi sáng, Ủy ban Quốc phòng - An ninh tiến hành thẩm tra dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Trình bày tóm tắt tờ trình dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, xuất phát từ yêu cầu cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, bảo đảm thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật, từ yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý xuất nhập cảnh (XNC) việc xây dựng Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là cần thiết. Điều này tạo cơ sở pháp lý trong việc thu thập thông tin, dữ liệu, cấp, quản lý và sử dụng giấy tờ XNC, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xuất cảnh, nhập cảnh đặc biệt là qua hệ thống kiểm soát XNC bằng cổng kiểm soát tự động.

Toàn cảnh phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp.

Dự thảo Luật quy định rõ quyền, nghĩa vụ của công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đề nghị cấp Hộ chiếu, quyền lựa chọn nơi nhận Hộ chiếu, quyền lựa chọn đề nghị cấp Hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc không gắn chíp điện tử. Dự thảo Luật cũng quy định về việc xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân phục vụ việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, kiểm soát XNC. Quy định phân công trách nhiệm chủ trì, phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật vẫn còn một số nội dung cần xin ý kiến đó là quy định về đối tượng được cấp Hộ chiếu ngoại giao, Hộ chiếu công vụ; cơ quan, người có thẩm quyền cử, cho phép, quyết định người thuộc diện cấp Hộ chiếu ngoại giao, công vụ ra nước ngoài; vấn đề tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp để ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị của Cơ quan soạn thảo trong việc tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Quốc phòng - An ninh và ý kiến góp ý của các cơ quan hữu quan để hoàn chỉnh dự thảo Luật. Các đại biểu cũng cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật; nhấn mạnh việc ban hành Luật này nhằm quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch trình tự, thủ tục quản lý XNC của công dân, trách nhiệm của các cơ quan tổ chức cá nhân có liên quan và các trường hợp hạn chế quyền công dân trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý XNC và khắc phục những bất cập hạn chế.

Quan tâm đến nội dung xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đa số ý kiến phát biểu tán thành với việc bổ sung quy định này, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định cụ thể để bảo đảm tính khả thi như về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thu thập, cung cấp, cập nhật thông tin; hoạt động khai thác, cung cấp, trao đổi, sử dụng thông tin. Một số ý kiến đề nghị quy định rõ việc sử dụng Hộ chiếu, các trường hợp được sử dụng đối với mỗi loại hộ chiếu, quy định về hình thức và nội dung của Hộ chiếu.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ tán thành với nhiều nội dung trình của Chính phủ, các ý kiến thẩm tra, đồng thời đánh giá cao cố gắng của Ban soạn thảo trong việc tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ban soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các nội dung của dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với Hiến pháp, tương thích với các điều ước quốc tế và các quy định về quản lý cư trú, Căn cước công dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, dự án Luật này có tính đặc thù là nội dung mang tính chất pháp điển hóa cao, các quy định đa phần kế thừa và nâng lên thành luật các quy định dưới luật hiện hành. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định hiện có, xác định các nội dung cần thiết quy định trong luật để bảo đảm tính bao quát, phù hợp, đồng thời bổ sung các quy định mới nhằm ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý để nâng cao hiệu quả quản lý.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn trình bày tóm tắt tờ trình dự án Luật.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn trình bày tóm tắt tờ trình dự án Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Ban soạn thảo phải quan tâm đến các quy định về quy trình thủ tục gắn với cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm chặt chẽ trong cấp Hộ chiếu cho công dân không để xảy ra thiếu sót nhưng không được gây phiền hà và đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của công dân.

Làm rõ tính khả thi trong việc triển khai các quy định liên quan đến việc cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử, làm rõ tính liên thông, thống nhất khi sử dụng cùng lúc 02 Hộ chiếu là Hộ chiếu thông thường và Hộ chiếu có gắn chíp điện tử; vấn đề đồng bộ, kết nối, dùng chung cơ sở dữ liệu giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao, đặc biệt trong việc sử dụng dịch vụ chữ ký số, tính liên thông giữa Cơ sở dữ liệu xuất cảnh, nhập cảnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về Căn cước công dân.

Về việc cấp Hộ chiếu ngoại giao, Hộ chiếu công vụ, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Luật càng cụ thể càng dễ thực hiện. Thực tế các quy định về đối tượng, trình tự thủ tục cấp Hộ chiếu ngoại giao, Hộ chiếu công vụ đã có ở văn bản dưới luật, do đó việc luật hóa các quy định này là khả thi và phù hợp. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát kỹ nội dung, các sử dụng từ ngữ và cân nhắc đưa ra 02 phương án để Quốc hội thảo luận. Ngoài ra, Ban soạn thảo rà soát bảo đảm quy định chặt chẽ toàn diện quy định về quyền, nghĩa vụ của công dân; trường hợp tạm hoãn xuất cảnh; công tác quản lý nhà nước về XNC.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Quốc phòng - An ninh trên cơ sở ý kiến tại phiên họp sớm hoàn thiện báo cáo thẩm tra theo hướng với những nội dung có nhiều phương án khác nhau cần phân tích mặt được mặt chưa được và nêu rõ quan điểm của Ủy ban tạo cơ sở cho đại biểu thảo luận.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ, về cơ bản Ủy ban Quốc phòng - An ninh tán thành với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và cho rằng hồ sơ dự án Luật đã bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội. Qua thảo luận, Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị, Cơ quan soạn thảo rà soát lại các nội dụng như trách nhiệm quản lý nhà nước bảo đảm quy định rõ ràng và đồng bộ giữa các cơ quan; quy định về đối tượng, quy trình thủ tục cấp Hộ chiếu công vụ, Hộ chiếu ngoại giao đề xuất 02 phương án để Quốc hội thảo luận song cần lưu ý theo hướng cụ thể hóa.

Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Công an

Các tin khác