Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; thí điểm tự chủ 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế; sửa đổi quy định về thanh tra, giám sát ngân hàng; phạt nặng vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; Thủ tướng chỉ thị về phát triển bền vững;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 20-24/5/2019.
Ảnh minh họa |
Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội
Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2019/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng. Theo đó, tăng thêm 7,19% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6 năm 2019 đối với 8 nhóm đối tượng, áp dụng từ ngày 1/7/2019.
Sửa đổi quy định về thanh tra, giám sát ngân hàng
Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 7/4/2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng. Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ngoài quyền quy định trình tự, thủ tục thanh tra ngân hàng, giám sát ngân hàng còn được phân cấp thẩm quyền trong thực hiện hoạt động giám sát ngân hàng.
Thí điểm tự chủ 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế
Theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ, thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện của các Bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K.
Mục tiêu thực hiện thí điểm nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của bệnh viện nhằm nâng cao năng lực, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân; tiếp tục phát huy truyền thống, uy tín của các bệnh viện; duy trì và phát triển các trung tâm kỹ thuật cao, phục vụ không chỉ cho người Việt Nam mà cả người nước ngoài.
Phạt nặng vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch
Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. Nghị định quy định đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính: Cảnh cáo; phạt tiền.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, thẻ hướng dẫn viên du lịch, quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, quyết định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, quyết định công nhận điểm du lịch, quyết định công nhận khu du lịch, biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 06 tháng; tịch thu tang vật vi phạm hành chính như Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành giả; thẻ hướng dẫn viên du lịch giả; biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch giả.
Thủ tướng chỉ thị về phát triển bền vững
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 13/CT-TTg về phát triển bền vững.
Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030. Trong năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và ban hành Hướng dẫn lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Hướng dẫn thực hiện giám sát, đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững. Theo dõi, đánh giá, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững trình Chính phủ, Quốc hội hằng năm.
Dịch tả lợn châu Phi: Không đợi đến khi có dịch mới phòng, chống
Tại văn bản số 4291/VPCP-NN về việc tiếp tục quyết liệt triển khai công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, các Bộ, ngành, địa phương, Bí thư các huyện, xã, thôn và Chi bộ cần phải thay đổi cách thức chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống dịch, “phòng là chính, cơ sở và người dân là chính”, phải chủ động, cụ thể và quyết liệt hơn nữa, không đợi đến khi có dịch mới triển khai công tác phòng, chống; không được chủ quan để gây thiệt hại quá lớn cho người chăn nuôi.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy
Thời gian gần đây, tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp, đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn, nhất là tại các đô thị, địa bàn tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh, môi trường đầu tư và cuộc sống nhân dân. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy, ngăn chặn, giảm thiểu số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, nhất là trong điều kiện thời tiết cực đoan, nắng nóng kéo dài, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 584/CĐ-TTg gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy.
Thủ tướng gửi thư khích lệ các Bộ, ngành, địa phương quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ 2019
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi thư đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy/Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trên cương vị, trọng trách của mình, động viên, khích lệ, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và ý chí phấn đấu vươn lên của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong từng Bộ, ngành, địa phương.
Nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức các trường chính trị
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019 - 2030 (Đề án). Mục tiêu chung của Đề án là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện và các trường chính trị cấp tỉnh đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp mẫu mực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, có năng lực sư phạm, phong cách làm việc khoa học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hội nhập quốc tế.
Vận động nguồn lực hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn miền núi
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 - 2025. Mục tiêu của Đề án là vận động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng của trẻ em thông qua khám chữa bệnh, hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học; hỗ trợ trẻ em được tham gia hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí; hỗ trợ đồ ấm cho trẻ em.