Trong nước

Đến năm 2021, ít nhất sẽ sáp nhập 16 huyện và 631 xã

07:52, 10/01/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Đây là thông tin được Bộ Nội vụ cho biết tại buổi họp báo thường kỳ, chiều 9/1.

Ảnh: VGP/Lê Sơn
Ảnh: VGP/Lê Sơn

Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Văn Hùng cho biết, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 37-NQ/TW về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.

Theo đó, Bộ Chính trị đưa ra mục tiêu cụ thể, năm 2019 sửa đổi, ban hành mới các quy định pháp luật trong đó có quy định liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, rà soát, bổ sung hoặc ban hành quy định mới đảm bảo việc triển khai thống nhất, đồng bộ. Từ nay đến năm 2021, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% về cả hai tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Ngoài những đơn vị chưa đạt hai tiêu chuẩn nêu trên, khuyến khích việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã khác theo yêu cầu của địa phương, khi bảo đảm yếu tố thuận lợi và được phần lớn nhân dân đồng thuận.

Sắp tới Ủy ban Thường Quốc hội ban hành Nghị quyết để cụ thể hóa Nghị quyết 37-NQ/TW của Đảng. Sau đó, Chính phủ sẽ ban hành kế hoạch thực hiện và Bộ Nội vụ sẽ dự thảo văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể.

Theo ông Phan Văn Hùng, Nghị quyết của Bộ Chính trị không nêu cụ thể số huyện, xã sáp nhập nhưng theo Đề án Chính phủ trình thống kê từ các địa phương, có 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 631 đơn vị hành chính cấp xã chưa đủ 2 tiêu chuẩn về diện tích và dân số sẽ được sáp nhập. Ngoài ra, Nghị quyết cũng khuyến khích các địa phương sắp xếp thêm, tùy tình hình thực tế.

Cũng tại họp báo, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, Bộ Nội vụ vừa ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) "Một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Việc này được thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ ngày 3/12/2018, trong khi Chính phủ chưa ban hành nghị định, Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (sở, ngành), cấp huyện (phòng, ban), chờ nghị định của Chính phủ.

Bộ Nội vụ đã xây dựng 2 dự thảo liên quan đến việc này, gồm: Dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Hiện hai dự thảo này đã được trình Chính phủ và báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ để trình Bộ Chính trị cho ý kiến một số nội dung liên quan đến khung số lượng cơ quan chuyên môn, tiêu chí thành lập tổ chức, biên chế tối thiểu, số lượng cấp phó tối đa của một tổ chức hành chính ở địa phương. Đây là hai nghị định làm cơ sở để phân cấp cho chính quyền địa phương quyết định sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo và yêu cầu quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực ở địa phương.

Đến nay, một số tỉnh, thành phố đã thực hiện xong việc hợp nhất một số sở, ban ngành, phòng, ban như Lào Cai, Cao Bằng, TP. Hải Phòng.

Trước đó, vào tháng 4/2018, Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến dự thảo nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ đề xuất chỉ giữ 4 Sở: Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Lao động-Thương binh và Xã hội, Y tế được tổ chức thống nhất trên cả nước. Còn lại hợp nhất, sáp nhập 17 sở, ngành; giảm 46-88 sở, ngành trong cả nước.

Trao đổi về Đề án Văn hóa công vụ, Phó Viện trưởng Viện Khoa học - Tổ chức Nhà nước (Bộ Nội vụ) Lê Anh Tuấn cho biết, đây là đề án tương đối khó, trong quá trình xây dựng còn có nhiều ý kiến tranh cãi khác nhau. Đề án có 4 nội dung cơ bản. Thứ nhất là liên quan đến tinh thần và thái độ làm việc của cán bộ, công chức, điều này xuất phát từ đặc điểm, yêu cầu của văn hóa công vụ trong thời gian tới cần phải phát huy, nâng cao hiệu quả làm việc cũng như tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức.

Thứ hai, Đề án bổ sung thêm một số chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức đối với đồng nghiệp, với cấp trên cũng như một số bộ phận có chức vụ quản lý. Điều này xuất phát từ thực trạng thời gian qua, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, chưa nhận thức được vai trò của văn hóa công vụ nên trong quá trình ứng xử trong cơ quan với nhau, giữa cấp trên và với bên ngoài cũng còn nhiều vấn đề, phải nâng cao chuẩn mực giao tiếp.

Thứ ba, quy định về chuẩn mực đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức. Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình, cần phải nâng cao đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức. Một số nội dung đã được kế thừa quy định trong Quyết định 129/QĐ-TTg về văn hóa công sở và một số quy định khác.

Thứ tư là quy định về trang phục của cán bộ, công chức, đi kèm với đó có chế tài liên quan đến các giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan như Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức... Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức thực hiện các quy định, tổ chức thực hiện tốt các quy định; thanh tra, kiểm tra, giám sát hằng năm.

Cũng tại họp báo, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Tư Long đã trả lời về việc bổ nhiệm Phó Chánh văn phòng Thành ủy Long Xuyên, tỉnh An Giang đối với bà Vương Mai Trinh (31 tuổi). Theo đó, bà Trinh được xét tuyển thẳng làm công chức (do nhầm bằng thạc sĩ nước ngoài nhưng lại được cấp trong nước). Sau đó bà phải thi tuyển vào công chức dù đang giữ chức Phó Chánh văn phòng Thành uỷ.

Ông Nguyễn Tư Long cho biết, việc tuyển dụng công chức đã được phân cấp cho tỉnh nhưng quy trình xét tuyển những trường hợp đặc cách không qua thi tuyển có gửi Bộ Nội vụ thẩm định. Tỉnh An Giang đang rà soát rất nghiêm túc tất cả các trường hợp, không riêng trường hợp bà Trinh.

Nguồn: Lê Sơn/Chinhphu.vn

Các tin khác