Trong nước
Việt Nam quyết tâm cao trong phòng, chống ma tuý
Chiều 23/10/2018, phát biểu trong phiên thảo luận ở Tổ tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Việt Nam và các nước ASEAN quyết tâm mạnh mẽ trong việc đấu tranh chống tội phạm ma tuý. Thời gian qua, lực lượng chức năng đã bóc gỡ, xử lý nhiều đường dây ma tuý lớn, bắt giữ các đối tượng cầm đầu, thể hiện mạnh mẽ quyết tâm đấu tranh với loại tội phạm này.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, luật pháp quy định chặt chẽ hơn, trước đây, sau khi thu giữ ma tuý, muốn xử lý được đối tượng phải giám định hàm lượng ma tuý nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn, trong khi ma tuý lại có giá trị cao nên các đối tượng thường trộn tạp chất để tăng lợi nhuận. Việc giám định rất mất thời gian, gây khó khăn cho công tác xử lý. Hiện nay, không phải giám định nên việc xử lý nhanh, thuận lợi hơn.
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, Bộ Công an xác định ma tuý là tội phạm của các loại tội phạm, từ ma túy sinh ra trộm cắp, cướp tài sản, cướp của giết người. Nhiều vụ án bắt nguồn từ ma tuý, gần đây nhất là vụ nhắn tin đe doạ các đại biểu Quốc hội cũng do nghiện ma tuý nên cần tiền. Chính vì vậy, Bộ Công an xác định đấu tranh tội phạm hình sự gắn liền với đấu tranh với tội phạm ma tuý.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận. |
Lực lượng Công an tập trung “đánh” mạnh vào các đối tượng cầm đầu, tụ điểm ma tuý. Cụ thể như tấn công sào huyệt của các đối tượng ma tuý ở huyện Loóng Luông, tỉnh Sơn La; tỉnh Hoà Bình...- nơi trung chuyển 60 - 70% ma tuý vào Việt Nam. Tuy nhiên, khi đấu tranh mạnh ở các tỉnh Sơn La, Hoà Bình thì các đối tượng lại vận chuyển qua các tuyến khác như Điện Biên, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh... Đặc biệt, khi lực lượng chức năng “đánh” mạnh vào các đường dây mua bán trái phép ma tuý lớn thì giá ma tuý trong nội địa tăng cao, thủ đoạn càng tinh vi, phức tạp hơn, tội phạm manh động hơn, trộm cắp nhiều hơn. Chính vì vậy, Bộ Công an xác định đây tội phạm rất nguy hiểm, cần tập trung xử lý.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết thêm, theo thống kê hiện có hơn 200.000 đối tượng nghiện đưa vào diện quản lý, ngoài ra, đối tượng chưa có hồ sơ quản lý còn rất nhiều. Trong các Trại giam, 60 - 70% đối tượng bị giam giữ có liên quan đến ma tuý, từ mua bán, vận chuyển đến tàng trữ...
Hiện nay, các đối tượng buôn bán ma tuý đang nhắm vào con em các gia đình có điều kiện, ban đầu chúng cho dùng miễn phí để gây nghiện phải phụ thuộc bọn chúng, sau đó sẽ lôi kéo vào đường dây buôn bán ma túy... Chính vì vậy, không chỉ lực lượng Công an hay Biên phòng là có thể xử lý được tội phạm ma tuý mà cần có sự quan tâm, chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trước mắt, phải ngăn chặn được nguồn cung, giảm nguồn cầu đối tượng các chất gây nghiện.
Nguồn: Bộ Công an