Trong nước

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

16:25, 16/10/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 28, chiều ngày 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành nội dung thảo luận.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội báo cáo một số vấn đề
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội báo cáo một số vấn đề

Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, thực hiện quy định của pháp luật, ngày 20-9-2018, dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đã được gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Đến nay, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được ý kiến đóng góp của các Đoàn đại biểu Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội và đề nghị của cơ quan, tổ chức hữu quan. Các ý kiến cơ bản nhất trí với dự kiến chương trình, đồng thời đề nghị một số vấn đề cụ thể. Theo đó, bổ sung các nội dung trình Quốc hội: Bầu Chủ tịch nước; Xem xét, phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan; Xem xét, thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Chủ nhiệm Văn phòng Nguyễn Hạnh phúc cũng cho biết, tại kỳ họp lần này chưa bổ sung Báo cáo việc quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 60/2018/QH14 của Quốc hội do thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết ngắn (3 tháng), nên chưa có nhiều thông tin để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Từ kỳ họp tháng 10-2019 sẽ yêu cầu Chính phủ báo cáo nội dung này.

Về dự kiến chương trình chi tiết kỳ họp, theo Chủ nhiệm Văn phòng Nguyễn Hạnh Phúc, trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến đóng góp, chương trình công tác của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến điều chỉnh thứ tự, thời điểm xem xét một số nội dung cho phù hợp, trong đó lưu ý một số nội dung sau: Quốc hội bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp để thuận tiện cho việc trình Quốc hội các nội dung thuộc thẩm quyền; Xem xét, quyết định nhân sự thành viên Chính phủ trước khi lấy phiếu tín nhiệm; Thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan trước ngày 13-11-2018; Thảo luận tại hội trường dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vào sáng ngày 25-10-2018; Không bố trí truyền hình, phát thanh trực tiếp phiên thảo luận ở hội trường các báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 24 ngày, bế mạc vào ngày 21-11-2018.

Về công tác chuẩn bị, Chủ nhiệm Văn phòng Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, các cơ quan hữu quan đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ chuẩn bị các nội dung bảo đảm yêu cầu, điều kiện đặt ra để kịp trình Quốc hội tại kỳ họp. Phần lớn các nội dung trình Quốc hội đều đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nhưng đến nay vẫn còn một số tài liệu chưa được gửi đến đại biểu Quốc hội. Riêng các nội dung về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, công tác nhân sự... được cho ý kiến tại phiên họp này, sau đó sẽ tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện để gửi đến đại biểu Quốc hội.

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp

Ngoài ra, Văn phòng Quốc hội đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành công tác chuẩn bị phục vụ kỳ họp. Đến thời điểm hiện nay, công tác cung cấp thông tin, tài liệu, thông tin tuyên truyền, tiếp dân, an ninh, an toàn kỳ họp và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, công tác lễ tân, hậu cần... đã được triển khai thực hiện tương đối chu đáo, chặt chẽ và cơ bản hoàn thành. Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan rà soát, hoàn thiện một số công việc còn lại, bảo đảm phục vụ tốt cho kỳ họp.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, căn cứ kết luận tại phiên họp này, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tiếp tục hoàn thiện dự kiến chương trình kỳ họp và dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để trình Quốc hội tại phiên họp trù bị.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV; đồng thời đề nghị Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đảm bảo công tác cung cấp thông tin, tài liệu, thông tin tuyên truyền, an ninh, an toàn kỳ họp và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, về chất vấn và trả lời chất vấn, đề nghị các đại biểu Quốc hội chỉ hỏi đáp những nội dung xung quanh vấn đề chất vấn từ đầu nhiệm kỳ; hỏi ngắn, đáp gọn; tránh sa vào những vấn đề khác, giảm hiệu quả của quá trình chất vấn.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành tốt công tác chuẩn bị phục vụ kỳ họp.

Nguồn: Cổng TTĐT Quốc hội Việt Nam

Các tin khác