Trong nước
Chuyển biến tích cực trong trả lời kiến nghị của cử tri, nhân dân
Cho ý kiến về báo cáo Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 của Quốc hội tại Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17/10, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri đạt được những kết quả nhất định, có những chuyển biến tích cực và đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc trả lời, đánh giá thêm hiệu quả của việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của các cơ quan.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV |
100% kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 được xem xét, giải quyết, trả lời
Trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV của Ban Dân nguyện, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, thông qua 1.423 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 5, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội đã tổng hợp được 2.114 kiến nghị của cử tri. Cụ thể, có 60 kiến nghị liên quan đến các hoạt động của Quốc hội (chiếm 2,8%); 2.004 kiến nghị liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ, bộ, ngành (chiếm 95,5%); 35 kiến nghị liên quan đến công tác của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân (chiếm 1,7%).
Trong đó nổi lên một số vấn đề cử tri nhiều địa phương kiến nghị như: về giáo dục đào tạo (183 kiến nghị), về giải quyết việc làm và an sinh xã hội (181), về nông nghiệp, nông thôn (167), về cải cách thủ tục hành chính, tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương (158),...
Toàn bộ các kiến nghị này đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, đến nay đều được xem xét, giải quyết, trả lời và có văn bản gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội, nơi cử tri kiến nghị (đạt 100%). Hầu hết các kiến nghị đều được trả lời ở dạng giải trình hoặc cung cấp thông tin về nội dung của các văn bản pháp luật chiếm 79,79%; số các kiến nghị được xem xét giải quyết đạt 5,14%; còn lại 302 kiến nghị đang tiếp tục được nghiên cứu để giải quyết chiếm 15,07%.
Về kết quả giải quyết ý kiến kiến nghị cụ thể, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, có 1.599 kiến nghị được trả lời dưới dạng giải trình, cung cấp thông tin (chiếm 79,79%) thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giải quyết việc làm và an sinh xã hội; văn hóa, giáo dục, y tế; kế hoạch, đầu tư, tài chính, ngân hàng; sản xuất, kinh doanh, quản lý thị trường; xây dựng, giao thông vận tải; tài nguyên, môi trường; tổ chức bộ máy nhà nước, tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Đối với các kiến nghị cử tri đã được giải quyết xong chủ yếu là tiếp thu kiến nghị cử tri một số tỉnh, thành phố; tiếp thu các kiến nghị, phản ánh của cử tri, Thanh tra Chính phủ, các bộ ngành đã tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi tham nhũng, hạn chế thất thoát tài sản Nhà nước; tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện một số chính sách, pháp luật theo kiến nghị của cử tri về chính sách người có công, cấp bằng liệt sỹ, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới,...
Vẫn còn 302 kiến nghị đang trong quá trình xem xét để giải quyết. Các kiến nghị này chủ yếu liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số văn bản luật, pháp lệnh cần thời gian để tổng kết, đánh giá (như luật Đất đai, Khiếu nại, Xử lý vi phạm hành chính, Lao động, Pháp lệnh ưu đãi người có công,...) hoặc cần được bố trí kinh phí để giải quyết chẳng hạn như kiến nghị về nâng cấp, xây dựng một số tuyến quốc lộ; đầu tư cơ sở hạ tầng; chế độ chính sách đối với người có công,...
Đối với việc tiếp tục giải quyết 601 kiến nghị tồn đọng từ những kỳ họp trước, đã có 131 kiến nghị đã được giải quyết xong (chiếm 21,80%) thuộc nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, nông thôn; lao động việc làm, an sinh xã hội; văn hóa, giáo dục; y tế; kế hoạch, đầu tư tài chính; sản xuất, kinh doanh, quản lý thị trường;tài nguyên, môi trường, trong đó, một số bộ giải quyết được nhiều kiến nghị như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Thanh tra Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội... Cùng với đó vẫn còn 366 kiến nghị tồn đọng qua nhiều kỳ vẫn đang trong quá trình xem xét, giải quyết, chiếm 60,90%.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo của Ban Dân nguyện giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 của Quốc hội |
Chất lượng giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri có sự chuyển biến tích cực
Đánh giá chung tình hình giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, chất lượng giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri được tất cả các Đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá cao, có sự chuyển biến rõ rệt về cả về chất lượng và thời hạn giải quyết, cơ bản đã giải đáp thỏa đáng những vấn đề cử tri kiến nghị.
Nhiều bộ, ngành được một số Đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá đã giải quyết kịp thời kiến nghị của cử tri địa phương như: Bộ Tài nguyên – Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công thương; Bộ Tài chính; Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Một số bộ, ngành đã giải quyết xong toàn bộ số lượng kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 (không tồn đọng) như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng hoặc cơ bản đã giải quyết xong, kiến nghị tồn động rất ít như Tài nguyên – Môi trường, Bộ Giao thông vận tải.
Đối với các kiến nghị chưa được giải quyết, có nhiều kiến nghị đề cập đến những vấn đề phức tạp, liên quan nhiều lĩnh vực, có phạm vi điều chỉnh rộng nhưng các bộ, ngành đã rất tích cực nỗ lực nghiên cứu, xác định rõ lộ trình giải quyết, trong đó, một số bộ đã xác định rõ lộ trình đối với tất cả các kiến nghị đang giải quyết, như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đặc biệt, nhiều tồn tại hạn chế được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu tại các báo cáo kỳ họp trước đã được Chính phủ, các bộ, ngành tích cực giải quyết, điển hình như tiếp thu kiến nghị của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện việc công khai lịch tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp.
Bên cạnh những kết quả tích cực công tác tiếp nhận giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri vẫn còn một số tồn tại hạn chế. Chất lượng tổng hợp, xử lý kiến nghị của cử tri của nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Một số kiến nghị đã được các bộ, ngành trả lời rõ ràng, đầy đủ tại nhiều kỳ họp Quốc hội, hoặc đã được pháp luật quy định, nhưng vẫn được tổng hợp để chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Công tác đôn đốc, giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật còn chưa được tích cực, hiệu quả nên nhiều luật, bộ luật đã có hiệu lực nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thi hành; một số văn bản hướng dẫn thi hành luật còn sai về nội dung và hình thức văn bản, nhưng còn chưa được các cơ quan của Quốc hội giám sát, phát hiện kịp thời.
Đối với các cơ quan thuộc khối Chính phủ thì một số văn bản trả lời cử tri có nội dung còn rất chung chung, chưa rõ, thiếu thống nhất nên gặp khó khăn khi thực hiện; một số văn bản ban hành chậm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân cũng như nguồn thu của ngân sách nhà nước, gây khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Quá trình triển khai một số chính sách pháp luật của Nhà nước tới người dân chưa được giám sát, kiểm tra kịp thời và hiệu quả dẫn đến có trường hợp quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng. Trong một số ít lĩnh vực gánh nặng thực thi thủ tục hành chính trong vẫn còn chưa được cải thiện nhiều, như trong lĩnh vực xây dựng.
Phân tích nguyên nhân phần lớn kiến nghị của cử tri là về giải trình, cung cấp thông tin
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, qua xem xét báo cáo của Ban Dân nguyện cho thấy có 601 kiến nghị tồn đọng qua nhiều kỳ họp nhưng chỉ tập trung vào một số bộ, ngành như Văn phòng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thanh tra Chính phủ.
Tương tự như vậy, tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội có 2.114 ý kiến cũng tập trung vào một số bộ, ngành là Giáo dục 183 ý kiến, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…Và tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay các bộ nhận được nhiều ý kiến của cử tri nhất cũng vẫn là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải và Bộ Giáo dục.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đặt vấn đề, tại sao các cơ quan này lại tập trung nhiều ý kiến, kiến nghị như vậy? Vấn đề này cần được làm rõ là do thể chế hay do tổ chức thực hiện. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nhấn mạnh, đáng ra nhân dịp này có điều kiện thì nên phân tích tăng, giảm số lượng kiến nghị tiếp nhận và giải quyết; tìm ra được nguyên nhân đặc biệt là nguyên nhân xuất phát từ các quy định của pháp luật để có điều kiện điều chỉnh. Nếu chỉ có tổng hợp số liệu không thì rất khó để có những giải pháp đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.
Cơ bản nhất trí với nội dung của báo cáo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đánh giá so với nhiệm kỳ trước đây, công tác dân nguyện, việc tập hợp ý kiến cử tri, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của các bộ, ngành làm rất tích cực và bài bản, qua đó đã góp phần cho việc thống kê cũng như thúc đẩy việc giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri đạt được tỷ lệ cao nhất trong 15 năm vừa qua và so với năm 2017 là gấp 1,5 lần. Đây là những kết quả rất tích cực.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng chỉ ra rằng, phần lớn kiến nghị của cử tri là thiếu thông tin do chưa chủ động tiếp cận thông tin cũng như khả năng tiếp cận thông tin và hạn chế, yếu kém trong phổ biến, tuyên truyền, giáo dục đường lối, chính sách pháp luật.. Đây là thực trạng cần được phân tích sâu bởi khối lượng công việc lớn, các bộ, ngành gần như chỉ trả lời thôi cũng rất tốn kém thời gian, nguồn lực, giấy mực trong khi đó, trong hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức nào cũng có trách nhiệm thông tin tuyên truyền phổ biến pháp luật.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị, trong số những ý kiến, kiến nghị đã được giải trình cung cấp thông tin cần phân tích thêm việc thiếu thông tin và khả năng tiếp cận thông tin ở những lĩnh vực nào là thấp, lĩnh vực nào thiếu nhiều thông tin nhất để có định hướng về công tác tuyên truyền và giáo dục, phổ biến cho người dân và cử tri.
Trao đổi làm rõ ý kiến của Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, số kiến nghị giải trình, cung cấp thông tin quá nhiều là con số biết nói và có hai mặt của vấn đề. Trưởng Ban Dân nguyện phân tích, các cuộc tiếp xúc cử tri có rất nhiều kiến nghị của cử tri đã được trả lời, lẽ ra đại biểu có thể giải đáp luôn hoặc Đoàn đại biểu Quốc hội có văn bản giải thích luôn nhưng đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội vẫn tổng hợp để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, gây quá tải cho các cơ quan này. Cùng với đó là rất nhiều kiến nghị cử tri lẽ ra phải giải quyết lại chưa giải quyết mà tạm thời tiếp thu để trong thời gian tới xem xét dẫn đến đẩy lên con số giải trình và trả lời theo dạng này rất nhiều.
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng cho biết Ban Dân nguyện sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan liên quan để giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện báo cáo để trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 tới./.
Nguồn: Cổng TTĐT Quốc hội Việt Nam