Sáng 28/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Năm, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội làm việc tại Hội trường, tiến hành giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016.
Theo chương trình, Quốc hội dành 1 ngày làm việc để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.
Quốc hội giám sát tối cao về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN |
Trước đó, thực hiện kế hoạch giám sát, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với nhiều bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty và một số doanh nghiệp nhà nước; làm việc với Thường trực Chính phủ, nghe báo cáo về kết quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 – 2016. Sau khi tập hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương, Đoàn giám sát đã hoàn thiện Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 trình Quốc hội xem xét.
Mở đầu phiên họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tóm tắt của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.
Kịp thời hoàn thiện thể chế quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp là một chủ trương lớn, quan trọng, được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng. Thời gian qua, chính sách, pháp luật về cổ phần hóa DNNN cơ bản đã được ban hành đầy đủ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và bám sát định hướng, chủ trương của Đảng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tóm tắt kết quả giám sát |
Trong giai đoạn 2011-2016, chính sách, pháp luật về cổ phần hóa DNNN đã được ban hành dưới dạng nghị định, thông tư là khá đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Luật Chứng khoán, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật Đất đai… Đặc biệt, năm 2014, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp là bước hoàn thiện có tính pháp lý cao nhất về quản lý DNNN. Việc hoàn thiện thể chế quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN nhìn chung khá đầy đủ, kịp thời hơn so với giai đoạn trước.
Tuy nhiên, Báo cáo kết quả giám sát cũng chỉ rõ, trong một số luật khác vẫn còn có quy định chưa thống nhất, một số điểm chưa rõ ràng, tạo cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện. Chính sách, pháp luật về lựa chọn, bổ nhiệm, giám sát người quản lý doanh nghiệp chưa chặt chẽ dẫn đến nhiều cán bộ quản lý doanh nghiệp vi phạm pháp luật, tham nhũng hoặc yếu kém về năng lực, doanh nghiệp thua lỗ, đầu tư không hiệu quả, làm thất thoát, lãng phí tiền và tài sản nhà nước. Công tác cổ phần hóa DNNN thiếu căn cứ pháp lý chặt chẽ ở cấp độ luật, vẫn phụ thuộc nhiều vào hệ thống pháp luật chuyên ngành như pháp luật về đất đai, chứng khoán… và các nghị định của Chính phủ.
Hệ thống văn bản pháp luật quy định chung cho tất cả các DNNN, chưa thật sự phù hợp với đối tượng được sắp xếp, cổ phần hóa là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp. Một số quy định về cổ phần hóa còn dẫn đến cách hiểu và vận dụng khác nhau giữa các cơ quan, đơn vị...
Hoạt động của DNNN đạt nhiều kết quả tích cực
Về kết quả đạt được trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, báo cáo cho biết: Đến hết năm 2016, cả nước còn 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn và bị tác động mạnh do biến động lớn về tình hình thị trường, giá cả, về rủi ro tài chính khi xảy ra khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008 - 2012, đặc biệt là xu hướng giảm khá mạnh của ngành khai khoáng vốn là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng GDP lớn, nhưng hoạt động của các DNNN vẫn đạt được một số kết quả tích cực.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp |
Đến hết năm 2016, sau 5 năm, tổng tài sản của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tăng 45,8%; vốn chủ sở hữu tăng 92,2%. Hiệu quả kinh doanh của DNNN xét trên tiêu chí lợi nhuận tạo ra, nộp ngân sách nhà nước có chiều hướng tích cực. Có những tập đoàn có tỷ suất lợi nhuận cao như Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội là 43,5%, Tập đoàn Cao su Việt Nam là 30,4%, Tổng công ty Mía đường là 29,9%. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trong giai đoạn 2011-2016 vẫn nộp NSNN 147.941 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội nộp NSNN 131.400 tỷ đồng...
Báo cáo cho biết, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn nhà nước có xu hướng tăng trưởng ổn định và phát triển. Tổng tài sản của các công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên có cổ phần, vốn góp của Nhà nước năm 2016 là 495.126 tỷ đồng, tăng 3,8 lần so với năm 2011; tổng vốn chủ sở hữu là 167.701 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 3 lần so với năm 2011; tổng doanh thu đạt 423.250 tỷ đồng, tăng 1,7 lần so với năm 2011.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân cả giai đoạn 2011-2016 đạt 13%; tổng lợi nhuận trước thuế là 31.723 tỷ đồng, tăng 4,3 lần so với năm 2011; tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2016 đạt 19% và bình quân cả giai đoạn 2011-2016 đạt 15%; tỷ suất lợi nhuận trước thuế/tổng tài sản bình quân năm 2016 đạt 6% và bình quân cả giai đoạn 2011-2016 đạt 5%.
Năm 2016, các doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của nhà nước phát sinh phải nộp NSNN 62.967 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2015 nếu xét trong cùng số lượng doanh nghiệp hiện có năm 2015.
Hiệu quả chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và một số vi phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Cụ thể là, hiệu quả hoạt động của DNNN còn chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ, tổng tài sản và vốn tăng (tài sản tăng 45,8%, vốn chủ sở hữu tăng 92,2%) nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách nhà nước có tốc độ tăng chậm (tốc độ tăng nộp ngân sách nhà nước chỉ 18%, bình quân 3%/năm), tổng số nợ phải trả cao, tăng 26% so với năm 2011 (từ 1.292.400 lên 1.628.649 tỷ đồng); chưa thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế cũng như chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, thúc đẩy các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển, tạo động lực phát triển kinh tế.
Đại biểu Leo Thị Lịch - Bắc Giang phát biểu tại phiên họp |
Tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực đất đai, tài sản... diễn ra phức tạp; tình trạng đấu thầu hình thức chưa được ngăn chặn hiệu quả; công tác quản lý tài sản công thiếu chặt chẽ, nặng tính bao cấp nên việc hạch toán và theo dõi tài sản không kịp thời và đầy đủ. Còn có trường hợp để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện phức tạp trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất thu hồi khi thực hiện các dự án đầu tư tại địa phương.
Một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thấp hơn chi phí vay vốn trung bình của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản cao. Tại một số doanh nghiệp nhà nước còn xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản....
Giám sát qua báo cáo và làm việc trực tiếp của Đoàn giám sát với Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước cho thấy, các vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước trong thời gian qua chủ yếu tập trung ở 4 vi phạm như: Vi phạm nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong kinh doanh; Vi phạm nguyên tắc thị trường; Vi phạm nguyên tắc quản trị doanh nghiệp; Vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính. Một số vi phạm để lại hậu quả nặng nề, lâu dài, khó khắc phục về tài chính và buộc phải xử lý, kỷ luật cán bộ.
Cổ phần hóa đạt nhiều kết quả tích cực
Về cổ phần hóa DNNN, báo cáo cho biết, giai đoạn 2011 - 2016 cả nước đã cổ phần hóa 571 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp. Công tác cổ phần hóa trong giai đoạn này đã đạt được những kết quả tích cực như: Các cơ quan, đơn vị về cơ bản đã thực hiện trình tự, thủ tục cổ phần hóa theo đúng quy định pháp luật, không làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước, hài hòa quyền lợi của nhà nước, nhà đầu tư và người lao động tại doanh nghiệp.
Từ năm 2011 đến hết năm 2015 đã có 276 doanh nghiệp cổ phần hóa phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Sở giao dịch chứng khoán và các công ty chứng khoán với tổng số cổ phần chào bán là 3.068.158.697 cổ phiếu, trị giá 17.558 tỷ đồng. Số cổ phiếu bán được là 1.500.663.351 cổ phiếu, trị giá 20.547 tỷ đồng, đạt 49% tổng số lượng cổ phần chào bán. Nguồn vốn thu được sau khi cổ phần hóa DNNN chuyển về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.
Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu và tiến độ cổ phần hóa theo kế hoạch đề ra; tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ ở các công ty cổ phần còn cao, trong đó có các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoạt động trong lĩnh vực Nhà nước không cần chi phối...
Sau cổ phần hóa còn phát sinh nhiều vấn đề cần phải tiếp tục xử lý như giải quyết tranh chấp về tài sản, đất đai; các vấn đề về lao động, trợ cấp; về công nợ giữa người lao động với công ty cổ phần và giữa DNNN với công ty cổ phần; ràng buộc pháp lý để triển khai thực hiện phương án sản xuất kinh doanh thể hiện trong phương án cổ phần hóa…
Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN
Báo cáo của Đoàn Giám sát đã chỉ rõ nguyên nhân của những vướng mắc, bất cập về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thời gian qua.
Đại biểu Trần Văn Minh - Quảng Ninh phát biểu tại phiên họp |
Nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới, Đoàn Giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; xem xét, sửa đổi các luật liên quan nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập trong quy định hiện hành.
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát đối với quá trình quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Chính phủ cần sớm tổng kết, đánh giá và báo cáo Quốc hội để sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan; hoàn thiện quy định về lựa chọn, bổ nhiệm, giám sát người quản lý doanh nghiệp, quản lý đất sau cổ phần hóa.
Chính phủ phân công và chỉ đạo các bộ thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước trong ngành, lĩnh vực phụ trách; ban hành cơ chế giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tiếp tục chỉ đạo xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Ngoài ra, Chính phủ cần quản lý, giám sát chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của doanh nghiệp, xem xét, thực hiện phá sản doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật; không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp.
Các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện và phê duyệt phương án sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật để lại diện tích đất phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Bản thân các doanh nghiệp nhà nước cần tiếp tục đổi mới quản trị doanh nghiệp; rà soát điều lệ hoạt động, quy chế quản lý nội bộ, làm việc; nghiên cứu cơ chế đối với Ban kiểm soát theo hướng hoạt động độc lập, không để xảy ra tình trạng thao túng toàn bộ hoạt động doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tập trung vào kinh doanh những ngành, nghề kinh doanh chính; xây dựng lộ trình và thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn góp, bảo đảm công khai, minh bạch, đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước.
Cơ bản tán thành với những nội dung của báo cáo giám sát
Phát biểu thảo luận tại hội trường, các đại biểu bày tỏ nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo của Đoàn giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý vốn, tài sản nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết - An Giang phát biểu tại phiên họp |
Các đại biểu Quốc hội khẳng định công tác quản lý vốn, tài sản nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Qua đó các đại biểu đề xuất nhiều nội dung để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, vướng mắc nhằm thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới, như: Kiện toàn hệ thống quy định của pháp luật về quản lý vốn, tài sản, cổ phần doanh nghiệp nhà nước (xây dựng Luật cổ phần hóa; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước,...); kiện toàn mô hình hoạt động của SCIC; xử lý dứt điểm các tập đoàn, tổng công ty, công ty, dự án kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân sai phạm trong quá trình cổ phần hóa nhằm ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản của nhà nước; quản lý chặt vấn đề sử dụng đất trước, trong và sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp nhà nước, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; định giá đúng tài sản doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa; đảm bảo công khai, minh bạch việc mua bán tài sản, thoái vốn của nhà nước; di dời các doanh nghiệp trong nội thị ra các khu công nghiệp; định giá đúng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp khi cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước một cách thực chất; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, cổ đông, người lao động khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm trong quá trình cổ phần hóa DNNN; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình quản lý vốn, tài sản, cổ phần hóa DNNN...
Tại phiên thảo luận, Quốc hội cũng đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu giải trình làm rõ một số nội dung liên quan đến định giá đất, quản lý, sử dụng đất đai trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước./.