Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/trong-nuoc/201604/chinh-phu-mo-duong-cho-doan-quan-tien-phong-ve-kinh-te-674844/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/trong-nuoc/201604/chinh-phu-mo-duong-cho-doan-quan-tien-phong-ve-kinh-te-674844/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chính phủ mở đường cho 'đoàn quân tiên phong' về kinh tế - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 29/04/2016, 13:57 [GMT+7]

Chính phủ mở đường cho 'đoàn quân tiên phong' về kinh tế

Gỡ bỏ các rào cản, giải phóng sức sản xuất, thống nhất ý chí phát triển đất nước là điểm chủ đạo toát lên từ Hội nghị giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với các doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chính phủ luôn bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của người dân, doanh nghiệp - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Hội nghị được tổ chức hôm nay (29/4), tại TP. Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế của đất nước, trong không khí cả nước kỷ niệm Ngày Chiến thắng 30/4.

“Cách đây 41 năm, đoàn quân Giải phóng tiến vào đây, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bác Hồ đã nói sau khi thống nhất, chúng ta sẽ xây dựng đất nước to đẹp hơn, đàng hoàng hơn. Toàn quân, toàn dân cùng tham gia xây dựng đất nước nhưng tiên phong vẫn là đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam – lực lượng đóng góp rất lớn tạo ra GDP, giải quyết việc làm… Vậy người tiên phong cần được quan tâm, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội trường Thống nhất, với sự có mặt của 1.000 doanh nghiệp, đại diện cho khoảng 500.000 doanh nghiệp trên cả nước.

Thủ tướng cho biết, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhưng vẫn còn tồn tại không ít rào cản đối với lực lượng kinh tế tiên phong này.

Thủ tướng khẳng định: Chính phủ luôn bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hội nhập, tạo nên niềm tự hào “Made in Việt Nam”.

Do đó, “kết quả Hội nghị phải tạo niềm tin cho doanh nghiệp, cho xã hội, tạo một niềm tin thị trường mới để mọi người hăng hái bắt tay vào sản xuất, kinh doanh, góp sức phát triển đất nước”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện các doanh nghiệp dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Các ý kiến doanh nghiệp, hiệp hội, ngành nghề tại Hội nghị nhất trí cho rằng: Thời gian qua, môi trường đầu tư, kinh doanh có phần khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều rào cảo, trở ngại đối với doanh nghiệp. Đó là sự băn khoăn về việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp không đúng thời hạn (1/7/2016), có nguy cơ tạo “khoảng trống pháp lý”; thủ tục hành chính đã thông thoáng, thuận tiện hơn nhưng doanh nghiệp còn lo ngại về một bộ phận cán bộ, công chức có thái độ cửa quyền, “hành là chính”, còn có nhiều giấy phép con. Hiện nay các doanh nghiệp phải chịu nhiều rủi ro và gánh nặng chi phí cả chính thức và không chính thức khá lớn. Việc nước ta đã, đang và sẽ tham gia nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) được doanh nghiệp quan tâm, với băn khoăn về khả năng cạnh tranh của mình trước làn sóng hội nhập mạnh mẽ đó. Ý kiến của doanh nghiệp cũng cho rằng, chi phí vốn, lãi suất còn ở mức cao, chưa hợp lý; còn tồn tại nhiều khoản thuế, phí…

Các doanh nghiệp cùng kiến nghị: Cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa với mục tiêu chất lượng thể chế của Việt Nam không thua kém các nước tiên tiến trên thế giới. Kiên quyết loại bỏ những quy định, điều kiện và giấy phép kinh doanh không còn phù hợp đang cản trở quyền tự do kinh doanh của người dân và đang làm tăng rủi ro và chi phí cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ giảm lãi suất, miễn, giảm, hoãn một số khoản thuế, phí để “khoan thư sức dân”, tạo môi trường bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; coi “doanh nghiệp như đối tượng phục vụ chứ không phải là đối tượng quản lý”, như phát biểu của lãnh đạo Vinamilk, hay “nên gom các đợt thanh kiểm tra vào một, chứ một tháng, một quý, doanh nghiệp đón quá nhiều đoàn kiểm tra”, đại diện Hiệp hội Dệt May than thở… Và “mong Chính phủ điều hành nền kinh tế như một dàn nhạc giao hưởng, ở đó, Thủ tướng là nhạc trưởng, các bộ, ngành là nhạc công và các doanh nghiệp là ca sĩ để chúng ta cùng tạo nên một bản nhạc kinh tế thật hay”, Chủ tịch Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà nói thay nguyện vọng của các doanh nghiệp.

Cũng tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành trực tiếp giải đáp, làm rõ các vấn đề doanh nghiệp quan tâm với tinh thần chung, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, là tiếp tục giữ vững ngọn lửa đổi mới, đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu giúp Chính phủ kiến tạo những bước đột phá trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, “luôn là người bạn đồng hành, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp”.

.

Nguồn: Chinhphu.vn