Chiếc quạt thi đua yêu nước là biểu tượng xuyên suốt chương trình giao lưu, lấy ý tưởng từ chiếc quạt lịch sử mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng cho đồng chí Hoàng Đạo Thuý (khi đó đang công tác ở Cục Quân huấn - Bộ Quốc phòng) năm 1948, với lời căn dặn: “Chú dùng chiếc quạt này để quạt cho phong trào lớn mạnh lên”, cũng là thời điểm Bác Hồ ra lời kêu gọi toàn dân thi đua ái quốc…
Sau khoảnh khắc thiêng liêng cả hội trường nghe lại lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đại biểu đã được giao lưu với những gương mặt điển hình thi đua yêu nước trên nhiều lĩnh vực. Mỗi điển hình là một câu chuyện, cuộc đời, hoàn cảnh khác nhau song cùng có chung nghị lực vượt khó, tinh thần hăng hái thi đua, thể hiện sự hy sinh thầm lặng của bản thân, miệt mài cống hiến có ích cho xã hội, cho đất nước.
Đại úy Nguyễn Thành Hưng tham gia chương trình giao lưu. |
Đó là tấm giương sáng của Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cơ khí nông nghiệp Phan Tấn, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Ông Phan Tấn Bện, một điển hình “kỹ sư nông dân” đã sản xuất thành công máy quấn rơm không chỉ giúp ích cho bà con nông dân mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Máy quấn rơm của ông Bện ưu điểm hơn những máy nhập khẩu từ nước ngoài là quấn rơm từ phía trước, giúp tài xế dễ quan sát và lấy rơm được nhiều hơn, có khả năng chạy trên địa hình sình lầy, phù hợp vùng Đồng Tháp Mười. “Muốn sản phẩm của mình tồn tại, đứng vững được, không có cách nào khác phải cải tiến những cái đang có” – đó là phương châm của ông Bện khi luôn mày mò tìm cách cải tiến, sản xuất máy. Chia sẻ về mong ước của mình, ông Bện cho rằng, đó là làm thế nào để tự sản xuất được nhiều máy móc, giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài và tiến tới xuất khẩu thêm…, để “biến” rơm thành tiền, thành bạc, làm giàu cho quê hương, đất nước.
PGS. Văn Như Cương đã xuất hiện với vai trò giới thiệu một điển hình tiên tiến trong lĩnh vực giáo dục lên giao lưu với Đại hội là Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Thông, nguyên Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngư Lộc 2, Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa – một con người thầm lặng nhưng đóng góp niềm vui cho nhiều em nhỏ tật nguyền và người dân có hoàn cảnh khó khăn. Sau 35 năm cống hiến cho ngành giáo dục, trở về với đời thường, cô không nghỉ ngơi mà mở lớp học miễn phí, giúp nhiều em nhỏ hoà nhập cộng đồng, giúp nhiều em học lên cao, đồng thời xây dựng quỹ khuyến học cho xã gần 3 tỷ đồng. “Những năm qua nền giáo dục của chúng ta có những mảng tối, có những việc khiến người dân chưa bằng lòng mà chúng ta phải khắc phục. Tuy nhiên cũng có những điểm sáng, những con người, tấm gương mẫu mực như cô giáo Thông. Tôi tin rằng, nếu xã hội chúng ta có nhiều hơn nữa những con người như thế thì chắc chắn nền giáo dục của chúng ta sẽ nhanh chóng trở nên hiện đại”, PGS. Văn Như Cương nhận định.
Đại úy Nguyễn Thành Hưng, Phó Đội trưởng, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, đại biểu đại diện cho lực lượng CAND giao lưu tại Đại hội gây ấn tượng bởi vẻ ngoài rắn rỏi, bản lĩnh và sự gan dạ, mưu trí, sáng tạo trong phá án. Hơn 10 năm trong nghề, anh đã tham gia hơn 20 chuyên án, đấu tranh với hàng trăm đối tượng hình sự, trong đó có nhiều đối tượng giang hồ, cộm cán, có vũ khí nóng. “Quá trình công tác tại Công an huyện Đông Anh và Cục Cảnh sát hình sự tạo cho tôi một tâm thế sẵn sàng đối mặt với tội phạm. Thực tế khi tiến hành khám phá các vụ trọng án, trực tiếp có mặt tại hiện trường và được tiếp xúc với những người thân của các nạn nhân, tôi cảm nhận rõ nhất sự đau đớn, mất mát như chính người thân của mình. Vì thế tôi càng nỗ lực, cố gắng để đấu tranh làm rõ, sớm truy bắt thủ phạm các vụ trọng án” – Đại úy Nguyễn Thành Hưng chia sẻ. Tâm sự về kỷ niệm phá vụ án sát hại 4 người trong một gia đình tại bản Phồng, Tương Dương, Nghệ An, Đại úy Nguyễn Thành Hưng khẳng định, đó “không phải là chiến công, mà là hoàn thành nhiệm vụ” như lời Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát vẫn căn dặn các anh, để rồi tâm thế càng nhẹ nhõm hơn, càng vững tâm tham gia đấu tranh những chuyên án mới… Những cán bộ, chiến sỹ CAND như anh đã và đang ngày đêm trên mọi miền Tổ quốc, vượt mọi khó khăn gian khổ, lập chiến công xuất sắc, đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Một trong những điểm nhấn xúc động của chương trình giao lưu là khi các đại biểu được xem phóng sự về Thạc sỹ, Bác sỹ Bùi Đình Lĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế Quân dân y huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình năm 1984, hơn một năm sau, anh đã tình nguyện ra đảo Phú Quý công tác. Từ một nơi thiếu thốn cơ sở vật chất về y tế, đến nay sau gần 30 liên tục sống ở đảo, anh đã trở thành vị bác sỹ, người con của đảo, tận tình khám chữa bệnh cho hàng nghìn lượt người dân, dù phải xa vợ xa con, thiếu thốn cuộc sống gia đình… “Tôi luôn nhận thức, người thầy thuốc phải thương yêu người bệnh, coi người bệnh như chính người thân của mình, coi bà con nhân dân trên đảo như bà con ruột thịt, coi đảo như quê hương, phải có bổn phận, trách nhiệm chăm lo sức khoẻ cho cán bộ, nhân dân trên đảo” – Bác sỹ Bùi Đình Lĩnh khẳng định. Qua những chia sẻ của người con gái bất ngờ có mặt tại sân khấu và tâm sự về người bố biền biệt xa nhà, nhiều đại biểu rưng rưng xúc động, hiểu thêm những cống hiến miệt mài của người bác sỹ quân y sẵn sàng có mặt nơi Tổ quốc cần để thực hiện sứ mệnh cao cả của mình.
Xen lẫn chương trình giao lưu là những phần biểu diễn nghệ thuật đặc sắc về tình yêu quê hương, đất nước. Xuyên suốt chương trình là hình ảnh chiếc quạt giấy mà mỗi đại biểu được cầm trên tay và phất cao rực rỡ, đẹp mắt khi lắng nghe lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm nào. Sức lan toả, ý nghĩa của chủ đề chương trình “Quạt cho phong trào lớn mạnh” là ở chỗ đó…