Trong nước
Các đảo ở Trường Sa được giải phóng như thế nào?!
Ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp quyết định mở trận quyết chiến chiến lược cuối cùng nhằm tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch còn lại, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông đất nước về một mối. Chiến dịch lịch sử giải phóng Sài Gòn vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Cả nước dốc sức cho trận chiến đấu cuối cùng toàn thắng. Nhiệm vụ của Hải quân trong chiến dịch là: Vận chuyển bộ đội và phương tiện chiến đấu với số lượng cao nhất, thời gian nhanh nhất, xây dựng lực lượng khẩn trương đáp ứng với yêu cầu chiến đấu giải phóng các đảo và tiếp quản các cơ sở hải quân địch.
Ngày 5-4-1975, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Hải quân: “Khẩn trương chuẩn bị chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa, một quần đảo có ý nghĩa chiến lược về chính trị, quân sự và kinh tế, góp phần giải phóng hoàn toàn đất nước”. Nhận được chỉ thị, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Hải quân quyết tâm: “Bám sát tình hình, tranh thủ thời cơ có lợi nhất để giải phóng đảo, kiên quyết không để lực lượng nào khác đánh chiếm đảo trước ta”; đồng thời lệnh cho Đoàn 125 Vận tải và Đoàn 126 Đặc công chuẩn bị tiến công giải phóng đảo.
Bộ đội Việt Nam giải phóng đảo Song Tử Tây - quần đảo Trường Sa |
Ngày 9-4, trong lúc các cánh quân lớn trên đất liền của ta bắt đầu tiến công mãnh liệt vào thị xã Xuân Lộc, Tân An - tuyến phòng thủ vòng ngoài của Sài Gòn - thì Bộ Tư lệnh và Sở Chỉ huy tiền phương của Quân chủng Hải quân nhận được lệnh của Quân ủy Trung ương giao cho nhiệm vụ tiến đánh đảo Song Tử Tây, trận mở màn giải phóng quần đảo Trường Sa.
21 giờ ngày 10-4, các tàu 673, 674, 675 của Trung đoàn 125 được điều cấp tốc từ Hải Phòng vào đã cập cảng Đà Nẵng. Tàu vừa cập cảng đã lập tức bắt tay vào làm công tác chuẩn bị tiếp tục đi biển. Đội 1 thuộc Trung đoàn 126 Hải quân được giao nhiệm vụ mở đầu chiến dịch giải phóng quần đảo Trường Sa, có sự phối hợp của một lực lượng Đặc công Quân khu 5 khẩn trương cho bộ đội tập kết xuống tàu.
4 giờ ngày 11-4, lực lượng chiến đấu giải phóng đảo Song Tử Tây rời Quân cảng Đà Nẵng ra khơi. 19 giờ ngày 13-4, 3 tàu chở lực lượng chiến đấu đã đến mục tiêu cần tiến đánh đúng thời gian quy định. 19 giờ 10 phút, tàu 673 chở lực lượng chiến đấu tiếp cận đảo, hai tàu 674, 765 vòng ra án ngữ ở phía bắc và nam đảo, sẵn sàng chi viện khi cần thiết.
2 giờ ngày 14-4, các phân đội chiến đấu bí mật đổ bộ. Sau hơn 2 giờ vật lộn với dòng nước xoáy, với những đợt sóng lớn và những mỏm san hô lởm chởm vây quanh đảo như hàng rào thiên nhiên phòng ngự kiên cố, lực lượng đổ bộ đã bám được mép đảo. Đồng chí Nguyễn Ngọc Quế, Đội trưởng Đội 1 chỉ huy trận đánh, lệnh cho đơn vị chia thành 3 mũi áp sát các mục tiêu.
Đúng 4 giờ 30 phút ngày 14-4 trận đánh bắt đầu. Phát đạn ĐKZ đầu tiên nổ là hiệu lệnh hiệp đồng cho toàn đơn vị tiến công. Tiếp theo, hỏa lực các cỡ của quân ta tới tấp nã vào công sự địch. Bị đánh bất ngờ, bọn địch rất hoang mang, co cụm chống trả yếu ớt. Sau một phút định thần, bọn chúng lợi dụng công sự vững chắc tiếp tục chống trả quyết liệt. Các chiến sĩ Đội 1 lập tức chia cắt đội hình địch, lần lượt chiếm hết công sự này đến công sự khác...
Sau 30 phút chiến đấu dũng cảm, lực lượng ta làm chủ được trận địa. Bọn địch tháo chạy tán loạn. Vừa chiến đấu, vừa truy lùng và kêu gọi địch đầu hàng, đến 5 giờ 15 phút ngày 14-4, toàn bộ số địch còn lại ra đầu hàng. Quân ta làm chủ toàn bộ đảo, lá cờ giải phóng được các chiến sĩ Hải quân ta kéo lên đỉnh cột cờ giữa đảo. Ngay sau đó, Đội 1 đã thiết lập máy vô tuyến điện trên đảo và liên lạc được với Sở chỉ huy phía trước của Quân chủng.
Trong trận chiến đấu này, ta tiêu diệt 6 tên, bắt sống 33 sĩ quan và binh lính địch, thu 1 khẩu ĐKZ, 2 súng cối 60 ly, 2 đại liên, 2 trung liên, 45 súng bộ binh các loại và nhiều trang thiết bị chiến đấu khác.
Song Tử Tây bị mất, hệ thống phòng thủ của địch trên quần đảo Trường Sa bị đe dọa. Địch vội vàng điều tàu tuần dương HQ 16 và tàu đổ bộ cỡ lớn HQ 402 từ Vũng Tàu ra định phản kích chiếm lại, nhưng trước sự bố phòng chặt chẽ và tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao của ta; mặt khác những thất bại nặng nề dồn dập của chúng trên khắp các chiến trường, đặc biệt là tin tuyến phòng thủ An Rang của chúng bị vỡ, đã làm cho tinh thần bọn sĩ quan, binh sĩ đi chi viện hoang mang, dao động, không dám tiến đánh mà cho tàu quay sang tăng cường phòng thủ cho đảo Nam Yết là trung tâm chỉ huy của địch ở quần đảo Trường Sa.
Từ sau những ngày giải phóng đảo Song Tử Tây 14-4, trên các chiến trường, tốc độ tiến quân của ta càng nhanh, càng mạnh, địch bị thất bại nghiêm trọng. Thừa thắng xốc tới, các lực lượng của Đội 1 Đoàn 126 Đặc công Hải quân và một đơn vị của Quân khu 5 tiếp tục được lệnh đi giải phóng các đảo còn lại. Với trí thông minh, lòng dũng cảm, lực lượng ta liên tục chiến đấu và chiến thắng giòn giã. 3 giờ sáng ngày 25-4 ta giải phóng đảo Sơn Ca. 10 giờ 30 phút ngày 27-4 ta làm chủ đảo Nam Yết. 10 giờ 30 phút ngày 28-4 ta tiếp tục làm chủ đảo Sinh Tồn. 9 giờ sáng ngày 29-4, phân đội chiến đấu cuối cùng của Trung đoàn 126 trong chiến dịch đã hoàn thành công tác đổ bộ chiến đấu và hoàn toàn làm chủ đảo Trường Sa Lớn; đồng thời kết thúc nhiệm vụ chiến đấu đặc biệt quan trọng của Quân ủy Trung ương giao cho Quân chủng Hải quân.
Chiến thắng giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa thể hiện việc quán triệt, chấp hành nghiêm chỉnh quyết tâm và tư tưởng chỉ đạo của trên về nhiệm vụ giải phóng đảo. Đây là một chiến thắng có ý nghĩa chiến lược, góp phần vào chiến thắng vĩ đại của toàn dân tộc ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 lịch sử. Chiến thắng một lần nữa chứng minh sự thành công của Bộ Tư lệnh Hải quân trong việc chỉ đạo xây dựng và chiến đấu của lực lượng vận tải chiến lược và lực lượng Đặc công Hải quân
Nguồn: Báo Đà Nẵng