Trong nước
Ứng dụng giống và sản phẩm cây trồng biến đổi gen trong nông nghiệp
08:22, 17/11/2014 (GMT+7)
Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy trong quản lý, ứng dụng giống và sản phẩm cây trồng biến đổi gen (BĐG), phải coi đây là một trong những thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại và không có lý do nào chần chừ trong sử dụng những thành tựu này để góp phần gia tăng năng suất, giá trị sản phẩm…
Nội dung này được thảo luận tại Hội thảo “Ứng dụng giống và sản phẩm cây trồng BĐG trong nông nghiệp” diễn ra chiều 15/11. Hội thảo do Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp TP Hà Nội thực hiện dưới sự chủ trì của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) TP. Đây là một trong nhiều hoạt động thuộc khuôn khổ Hội chợ triển lãm quốc tế Nông nghiệp lần thứ 14 (AgroViet 2014), đã thu hút sự tham dự của hơn 200 đại biểu.
Đây cũng là cơ hội tốt để các đại biểu là các nhà quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực này cùng trao đổi, chia sẻ thông tin về một nội dung đang thu hút sự quan tâm của dư luận hiện nay - cây trồng BĐG trong sản xuất nông nghiệp.
Hội thảo khẳng định về tính ưu việt của cây trồng biến đổi gen, nhất là trong ứng phó với biến đổi khí hậu |
Giống, cây trồng BĐG ngày càng chứng minh tính thích nghi và năng suất cao
Tại Hội thảo, GS.TS Lê Đình Lương, Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam cho hay, ngày nay, với những thành tựu rực rỡ của di truyền học hiện đại, con người đã có trong tay một công cụ hết sức hữu hiệu để có thể chủ động để tạo ra các giống mới theo yêu cầu của thực tiễn sản xuất tại từng địa phương cụ thể, lại có thể kiểm soát được từng gen cần đưa vào sinh vật mới để tạo giống.
Thống kê cho thấy, năm 2012, các giống BĐG đã được trồng ở 29 nước (21 nước đang phát triển và 8 nước phát triển). Đây cũng là năm đầu tiên các nước đang phát triển trồng nhiều cây BĐG. Thực tế, công nghệ BĐG đã tăng 94 lần, từ 17 ngàn km2 lên 1,6 triệu km2. Năm 2010, 10% đất trồng trọt của thế giới đã trồng cây BĐG. Năm 2011, 11 giống chuyển gen khác nhau đã được thương mại hóa trên 160 triệu ha tại 29 nước. Đã có một sự nhất trí rộng rãi trên cơ sở khoa học rằng, thực phẩm bắt nguồn từ cây trồng BĐG có tính an toàn đối với sức khỏe con người không kém các thực phẩm truyền thống. Thậm chí, các giống BĐG lại có khả năng kháng bệnh, kháng thuốc diệt cỏ tốt hơn và có lợi hơn đối với môi trường.
Các nghiên cứu cũng chỉ rõ, Biến đổi khí hậu (BĐKH) sẽ ngày càng khắc nghiệt và có những tác động tiêu cực lên đời sống kinh tế - xã hội. Vì vậy, ngoài việc học cách ứng phó, chúng ta phải tìm ra giải pháp “sống chung”. Cũng liên quan đến việc ứng phó với biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp đã chọn cây trồng BĐG để đảm bảo năng suất, sản lượng cao nhất trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), do ảnh hưởng của BĐKH, trung bình mỗi năm diện tích đất canh tác của nước ta mất khoảng 70.000ha, trong khi dân số tăng thêm 1 triệu người/năm. Đó là chưa kể, cả nước còn tới 6,7% dân số thiếu lương thực, trong số này có tới 8,7% là nông dân.
PGS.TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho biết: “Sau khi triển khai thí nghiệm trồng ngô BĐG ở Hưng Yên và nhiều mô hình khác nữa cho kết quả khả quan, chúng tôi tin loại cây trồng này có thể vững vàng trước các điều kiện thời tiết cực đoan bởi khả năng kháng sâu và thuốc diệt cỏ tốt, năng suất nhờ đó tăng lên, giảm chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, ngô BĐG không hề có sự khác biệt về đa dạng sinh học và môi trường so với loại cây trồng cũ”.
Xác định rõ vai trò của công nghệ sinh học đối với sản xuất nông nghiệp, nhất là việc đảm bảo an ninh lương thực, ngay từ năm 2006, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2006/QĐ-TTg ngày 12/1/2006 về Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020. Theo đó, từ giai đoạn 2016-2020, cây trồng BĐG sẽ chiếm 30-50% trong tổng số 70% diện tích các giống được tạo ra bằng công nghệ sinh học... Chính phủ, trực tiếp là Bộ NN&PTNT đã xác định cây trồng BĐG là mục tiêu chính trong thời gian tới nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Thành công của một số thử nghiệm triển khai trong thực tế thời gian qua cùng cơ sở hành lang pháp lý thuận lợi cho thấy việc ứng dụng giống và cây trồng BĐG hoàn toàn có triển vọng phát triển tốt ở nước ta.
Hội thảo thu hút đông đại biểu tham dự |
Sẽ không còn nghi ngại?
Thực ra, trong bối cảnh hiện nay, vẫn còn sự nghi ngại nhất định về loạt cây trồng BĐG này. Để tránh sự nghi ngại này, PGS.TS Lê Huy Hàm phân tích: “Thế giới đã có lịch sử trồng và sử dụng sản phẩm BĐG từ rất lâu, hiện có khoảng 350 triệu người sử dụng nhưng đến nay chưa từng ghi nhận bất kỳ bằng chứng nào cho thấy loại cây trồng này và sản phẩm của nó không an toàn đối với đa dạng sinh học, sức khỏe con người và vật nuôi”.
GS.TS Lê Đình Lương nhấn mạnh: Thế giới đã có quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và ứng dụng vào thực tế cho kết quả rất khả quan. Việt Nam là quốc gia đi sau, lại đang có những đòi hỏi cấp thiết về năng suất cây trồng nhằm đảm bảo an ninh lương thực, do đó việc đưa loại cây trồng này vào sản xuất là một đòi hỏi của thực tiễn, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp.
GS.TS Đình Lương đề nghị các chuyên gia, các nhà khoa học và cả giới truyền thông, báo chí cùng chung tay vào cuộc để nâng cao nhận thức tích cực về cây trồng BĐG. GS.TS Lê Đình Lương khẳng định: Vấn đề vướng mắc chính là “tâm lý” mặc dù thực tế hàng ngày hàng giờ, bản thân mỗi người đều đã và đang sử dụng sản phẩm BĐG. Phải nhận thức một cách đúng đắn là công nghệ mới cho phép chúng ta chủ động trong cải tiến phương pháp nghiên cứu, sản xuất giống mới, trong đó có giống BĐG. "Thực ra, quá trình thay đổi để thích nghi với biến chuyển của môi trường cũng diễn ra trong thiên nhiên nhưng chậm hơn và vô định hướng. KHCN hiện đại khác thiên nhiên là góp phần thúc đẩy quá trình biến chuyển nhanh, đột phá và hiệu quả hơn” - TS Lương nói.
Chung quan điểm này, PGS.TS Lê Huy Hàm phân tích: bất cứ một công nghệ mới nào khi đưa vào cuộc sống cũng sẽ gặp phải hai nhóm lợi ích trái ngược nhau, có thể ủng hộ hoặc có thể phản đối. Do đó, nhà khoa học, báo chí phải đưa sự thật khoa học đến với công chúng, với người dân vượt qua tâm lý e ngại để ứng dụng thuận lợi thành tựu công nghệ vào cuộc sống.
Thông tin thêm về chính sách về quản lý an toàn sinh vật chuyển gen và định hướng phát triển cây trồng chuyển gen ở Việt Nam, PGS.TS Phạm Văn Toản, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho hay, Việt Nam đã triển khai chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp hướng tới mục tiêu chung là tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi, chủng vi sinh vật, các chế phẩm công nghệ sinh học nông nghiệp mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao phục vụ nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong NN&PTNT; Nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa, tăng nhanh tỷ lệ nông, lâm, thủy sản chế biến phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
Nguồn: dangcongsan.vn