Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, nên từ đêm 16/9 đến chiều 18/9 ở các tỉnh Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt mưa to đến rất to.
Tổng lượng mưa ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ phổ biến trong khoảng từ 100-250mm, riêng khu vực Đông Bắc, các tỉnh vùng núi phía Bắc từ Lạng Sơn tới Tuyên Quang có tổng lượng mưa từ 250-300mm, có nơi trên 400mm; ở các tỉnh phía Tây Bắc Bộ lượng mưa phổ biến từ 70-150mm, có nơi trên 200mm.
Trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình từ ngày 17-23/9 sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3-7m, ở hạ lưu từ 2-4m.
Trong đợt lũ này, lưu lượng lớn nhất đến hồ Sơn La có khả năng lên mức 5.000 m3/giây, đến hồ Hòa Bình có khả năng lên mức 4.000 m3/giây; mực nước trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng lên mức 32,5m, trên mức báo động 3 là 0,5m, sông Lô tại Tuyên Quang lên mức 23m, trên mức báo động 1 là 1m; sông Lục Nam tại Lục Nam lên trên mức báo động 3 (6,3m); sông Cầu tại Đáp Cầu, sông Thương tại Phủ Lạng Thương lên trên mức báo động 2 (5,3m).
Về công tác phòng chống bão số 3, chiều 15/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì phiên họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương với các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa để chỉ đạo công tác đối phó. Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1762 ngày 15/9 chỉ đạo đối phó với bão số 3.
Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Văn phòng thường trực đã có các Công điện số 20, 21 gửi Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa; các tỉnh thành phố khu vực Bắc Bộ và các Bộ yêu cầu chủ động triển khai các biện pháp đối phó với bão.
Tàu thuyền neo đậu tránh bão |
Bộ Tham mưu Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tiếp tục đôn đốc và chỉ đạo Biên phòng các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận và các Hải đoàn Biên phòng 38, 48 tổ chức theo dõi nắm chắc diễn biến của bão; sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống khi có yêu cầu. Các Bộ Công an, Y tế, Công Thương, Giao thông Vận tải đã có công điện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các biện pháp đối phó với bão.
Bộ Ngoại Giao đã có Công hàm gửi Đại sứ quán các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực (Trung Quốc, Philippines, Đài Loan) đề nghị hỗ trợ cho ngư dân tránh trú bão và cứu nạn khi có sự cố xảy ra.
Tổng cục Thủy lợi đã có Công điện gửi các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa chỉ đạo việc vận hành hệ thống công trình thủy lợi đề phòng ngập, úng và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ chứa.
Các tỉnh, thành phố có Công điện chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai ứng phó với bão; tổ chức cuộc họp chỉ đạo các Sở, ngành và địa phương triển khai công tác ứng phó với bão, thành lập các đoàn công tác để kiểm tra, đôn đốc thực hiện; có kế hoạch chủ động sơ tán dân trước tại những khu vực nguy hiểm đã xác định có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét; phương án đảm bảo an toàn cho tàu du lịch và khách du lịch; kiểm tra, rà soát các công trình đê điều, hồ đập xung yếu, tổ chức ứng trực, sẵn sàng phương án để xử lý khi có sự cố xảy ra.
Theo Báo cáo số 44 của Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ 30 ngày 16/9, Biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 34.223 tàu/124.634 người ở khu vực từ vĩ tuyến 17 trở lên phía Bắc (từ Quảng Trị đến Quảng Ninh), cụ thể neo đậu tại các bến 26.085 tàu/87.926 người.
Hoạt động trên biển chủ yếu hoạt động ven bờ đi về trong ngày 8.138 tàu/36.708 người. Lồng, bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản: Có 4.010 lồng, bè, chòi canh/5.112 người (Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình).
Hiện các hồ chứa khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa hiện có dung tích trữ ở mức tương đối cao, từ 80% dung tích thiết kế trở lên.
Nhiều hồ chứa vừa và nhỏ (chủ yếu có tràn tự do) cơ bản đã đầy nước (Thái Nguyên: 8 hồ; Bắc Giang: 14 hồ; Phú Thọ: 6 hồ; Sơn La: 2 hồ; Vĩnh Phúc: 3 hồ; Ninh Bình: 5 hồ; Thanh Hóa: 19 hồ). Hiện các hồ vẫn an toàn, chưa có báo cáo về sự cố hồ chứa.
Mực nước các hệ thống thủy lợi lớn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ hiện đang ở mức thấp. Các đơn vị quản lý đang chủ động tiêu nước đệm để phòng, chống úng, ngập.
.