Trong nước

Phối hợp giám sát BHXH trong các doanh nghiệp

08:31, 03/07/2014 (GMT+7)
Chiều 2/7, Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ LĐTBXH, Thanh tra Chính phủ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp giám sát thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội trong các loại hình doanh nghiệp.
 
Trước mắt 5 cơ quan sẽ phối hợp tiến hành giám sát, đánh giá việc thực hiện pháp luật BHXH của các doanh nghiệp tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các doanh nghiệp nợ, chậm, trốn đóng BHXH thường xuyên với số tiền lớn. 
 
Qua giám sát, phát hiện những vấn đề bất cập, chưa hợp lý trong chính sách và cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện chính sách BHXH bắt buộc, các cơ quan sẽ kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi Luật BHXH và các quy định pháp luật khác có liên quan cho phù hợp với thực tiễn... 
 
Về nội dung cụ thể, các bên tổ chức đoàn giám sát liên ngành cấp Trung ương về việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH tại các doanh nghiệp trên địa bàn một số tỉnh trọng điểm, tập trung giám sát việc quản lý, sử dụng lao động, số lao động tham gia đóng BHXH, mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, việc đóng BHXH, việc thực hiện các chế độ BHXH cho người lao động tại doanh nghiệp…
 
 
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ trì làm Trưởng đoàn giám sát, có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố  tham dự các buổi làm việc của Đoàn giám sát; phối hợp với các bên xây dựng đề cương và lựa chọn các đơn vị, doanh nghiệp để đoàn giám sát làm việc.
 
Tổng Liên đoàn xây dựng báo cáo kết quả giám sát; kiến nghị với các cơ quan thẩm quyền có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với những đơn vị, doanh nghiệp cố tình vi phạm Luật bảo hiểm xã hội làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp.
 
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hướng dẫn Ủy ban MTTQ tỉnh, thành phố tham gia các buổi làm việc của Đoàn giám sát tại địa phương. Từ kết quả giám sát, tập hợp ý kiến phản ánh, kiến nghị đến cơ quan thẩm quyền có các chính sách, giải pháp giải quyết kịp thời. 
 
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các sở trực thuộc phối hợp với đoàn giám sát tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn; thực hiện thẩm quyền quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội sau khi có kết luật giám sát. 
 
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với đoàn giám sát tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn; cung cấp thông tin, danh sách các doanh nghiệp không đóng, đóng không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; chây ì, nợ đọng bảo hiểm xã hội để đoàn giám sát liên ngành lựa chọn. 
 
Thanh tra Chính phủ xem xét các kiến nghị của báo cáo kết luận giám sát để thực hiện thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ theo quy định của Luật Thanh tra.

Nguồn: chinhphu.vn

Các tin khác