Trong nước
Siết chặt các khâu quan trọng để giảm TNGT
08:34, 26/06/2014 (GMT+7)
Siết chặt điều kiện kinh doanh vận tải; kiểm tra chặt chất lượng phương tiện, công tác đăng kiểm, đào tạo và sát hạch lái xe; kiểm tra các đường ngang dân sinh trái phép; tăng mạnh kiểm soát tải trọng xe hơn nữa để từng bước giảm được TNGT.
Đó là ý kiến chỉ đạo của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng công tác bảo đảm TTATGT ngày 25/6.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng công tác bảo đảm TTATGT |
Thu hồi xe mang biển 80 không đúng mục đích
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban ATGT quốc gia, trong 6 tháng đầu năm, với chủ đề “Siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, công tác thanh tra, kiểm tra và tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm đã có nhiều đổi mới, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm TTATGT.
6 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 12.827 vụ TNGT, làm chết 4.689 người, bị thương 12.263 người. So với cùng kỳ 2013 giảm 2003 vụ, giảm 224 người chết; có 48 tỉnh, thành giảm số người chết vì TNGT; 12 địa phương có số người chết tăng, trong đó có 9 tỉnh tăng trên 25%.
Bên cạnh đó, lực lượng công an toàn quốc đã lập biên bản hơn 2 triệu trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 1.600 tỷ đồng. đồng thời, tập trung chỉ đạo và kiểm tra, đôn đốc công tác điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông. Đến nay, đã khởi tố 2.588 vụ, 2.474 bị can, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp truy tố 2.227 vụ với 2.314 bị can…
Bộ GTVT đã chỉ đạo các địa phương tiến hành kiểm tra đồng loạt sức khoẻ lái xe của các đơn vị kinh doanh vận tải, đã tổ chức khám cho 129.105 lái xe trên tổng số 136.132 lái xe phải khám sức khoẻ, phát hiện 1.769 trường hợp không đủ điều kiện lái xe, trong đó có 381 trường hợp dương tính với chất ma tuý.
Đặc biệt, Bộ Công an đã có Công điện 593 chỉ đạo công an các địa phương thực hiện thu hồi, đổi biển số xe đối với các xe ôtô mang biển 80 hiện địa phương đang quản lý, sử dụng không đúng mục đích.
Tiền phạt vi phạm giao thông dành để bảo đảm ATGT
Một trong những vấn đề nổi lên mà các địa phương đều kiến nghị là cần “giải toả” việc xử lý số tiền xử phạt vi phạm ATGT theo hướng cho các địa phương được chi số tiền này cho công tác bảo đảm TTATGT (vì đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết thoả đáng).
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Lê Hùng Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Tươi đều phản ánh tiền xử phạm vi phạm ATGT còn dư mà không chi cho công tác này nên cũng ảnh hưởng đến công tác bảo đảm ATGT trên địa bàn.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết, trước 2013, kinh phí xử lý ATGT không đưa vào cân đối ngân sách và để chi trực tiếp cho các lực lượng tham gia công tác bảo đảm TTATGT. Sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thì các khoản chi đều đưa vào cân đối ngân sách nhưng Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư nêu rõ các cơ quan của tỉnh lập dự toán chi các khoản từ nguồn thu xử phạt này để báo cáo HĐND địa phương xem xét việc chi từ khoản tiền này.
Ở khía cạnh khác, Thứ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn cho rằng công tác tuyên truyền về ATGT chưa đạt yêu cầu về chiều rộng và chiều sâu cũng như về nội dung chương trình. Nhiều tờ báo lớn, có lượng phát hành cao nhưng cũng không mở chuyên mục ATGT.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương bày tỏ lo lắng khi phương tiện giao thông ngày càng tăng nhanh mà hạ tầng giao thông không theo kịp, nhất là các đô thị lớn. Hiện cả nước có hơn 3 triệu xe ô tô đang là thách thức lớn cho hạ tầng. Ông Lê Quý Vương cho rằng, các thành phố lớn cần xây dựng các bãi đỗ xe ngầm để vừa giảm quá tải vừa đẹp cảnh quan đô thị.
Về phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tuần tra kiểm soát của lực lượng CSGT, Bộ Công an sẽ tiếp tục siết chặt hơn quy trình thực hiện nghiệp vụ, thái độ tiếp xúc với dân, kiểm tra đột xuất để uốn nắn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm của cán bộ, chiến sỹ.
Quang cảnh Hội nghị đầu cầu Hà Nội |
Siết chặt điều kiện kinh doanh vận tải, đào tạo lái xe
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ kết quả công tác bảo đảm ATGT có chuyển biến về cả 3 tiêu chí nhưng điểm hạn chế vẫn là tình trạng TNGT diễn biến phức tạp, việc quản lý vận tải nói chung còn bộc lộ nhiều yếu kém.
Do đó, các cơ quan, ban ngành cần siết chặt điều kiện kinh doanh vận tải, kiểm tra chất lượng phương tiện, đẩy mạnh công tác đăng kiểm, đào tạo và sát hạch lái xe, kiểm tra các đường ngang dân sinh trái phép mở ra các tuyến quốc lộ, tăng cường kiểm soát tải trọng xe một kiên quyết hơn nữa.
Việc thi công quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên phải đi liền với ATGT, nơi nào không bảo đảm ATGT thì không cho thi công vì đây luôn tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao đối với người tham gia giao thông.
Thời gian tới, tiến hành kiểm tra các bến đò ngang, các ghe đò lưu thông trên các tuyến giao thông đường thuỷ ở các địa phương, nhất là địa bàn có nhiều sông rạch; rà soát lại cầu treo dân sinh tại các địa phương.
Tại cuộc họp này, Uỷ ban ATGT quốc gia đưa ra thông điệp mạnh mẽ: Tất cả các cơ quan, công sở, cán bộ và công chức không tổ chức uống rượu bia vào buổi trưa.
Các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Chủ tịch Uỷ ban ATGT quốc gia trong công tác bảo đảm trật tự ATGT trong thời gian tới.
Về tình hình giải phóng mặt bằng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, yêu cầu kỹ thuật của dự án phải bàn giao mặt bằng và hoàn thành việc di dời công trình hạ tầng kỹ thuật trước ngày 30/6/2014. Đến ngày 23/6, kết quả thực hiện GPMB tại quốc lộ 1 đạt 1.169,7 km/1.220,7 km (đạt 95%); đã bố trí tái định cư tập trung được 1.731 hộ/5.310 hộ (đạt 32,6%).
Dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã GPMB được 286 km/291,2 km (đạt 98,2%), tổng số hộ bị ảnh hưởng 7.779 hộ. Hiện còn một số tỉnh chưa hoàn thành GPMB là Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Hậu Giang, Bình Phước.
|
Nguồn: chinhphu.vn