Trong nước

Phải giữ vững hình ảnh an toàn, an ninh của hàng không Việt Nam

16:17, 28/07/2014 (GMT+7)
“Chúng ta luôn tự hào là Việt Nam có ngành hàng không rất an toàn, nhưng lúc này đang có nhiều dấu hiệu, nguy cơ đe dọa hình ảnh ấy. Cần phải nhìn nhận nghiêm túc, có trách nhiệm và giải pháp quyết liệt làm thay đổi tình hình đó”.
 
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu nhìn thẳng vào những vấn đề yếu kém, đáng lo ngại này khi chủ trì cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2014 công tác của Ủy ban an ninh hàng không dân dụng quốc gia vào sáng 28/7.
 
Cuộc họp lần này của Ủy ban diễn ra trong thời điểm được đánh giá là “đặc biệt của lịch sử hàng không thế giới” do những vụ việc tai nạn, sự cố nghiêm trọng, với nhiều lý do diễn ra liên tiếp.
 
Trong cuộc họp, những kết quả, đánh giá và cả nội dung đề cập từ các cơ quan, thành viên Ủy ban đều có những khác biệt so với thời gian trước.
 
Báo cáo từ các cơ quan chức năng trong 6 tháng đầu năm cho thấy, hoạt động hàng không tiếp tục tăng trưởng. Số máy bay, chuyến bay, giờ bay, sản lượng thông qua các cảng hàng không đều tăng ở mức 2 con số. Lượng hành khách trong 6 tháng qua đạt 24,7 triệu lượt, tăng 14,9%, cùng 432.000 tấn hàng hóa, tăng 18,4%.
 
Tuy vậy, 6 tháng qua, hàng không trong nước cũng đã xảy ra 145 vụ việc vi phạm, tăng đột biến hơn 95% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, 62 vụ hành khách mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật phẩm nguy hiểm; 35 vụ sử dụng giấy tờ giả để đi tàu bay; 7 vụ hoang tin bom, vật liệu nổ; 30 vụ gây rối trật tư, đe dọa, hành hung nhân viên hàng không...
 
Về sự cố, tai nạn tàu bay, 7 tháng qua công tác an toàn hàng không không để xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, lại xảy ra 173 sự cố tàu bay, tăng 32 vụ - mặc dù số lượng sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn mức cao có giảm so với cùng kỳ năm trước.
 
Từ nay đến cuối năm, những vấn đề, lỗi nghiêm trọng của ngành Hàng không phải được khắc phục hoặc giảm mạnh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao nhiệm vụ
Từ nay đến cuối năm, những vấn đề, lỗi nghiêm trọng của ngành Hàng không phải được khắc phục hoặc giảm mạnh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao nhiệm vụ
 
Một số sự cố có tính nghiêm trọng được đem ra kiểm điểm, như cấp huấn luyện bay sai tại Cảng HK Đà Nẵng ngày 27/6 với sai phạm được xác định do lỗi công ty quản lý bay hàng không trong việc bố trí thiếu vị trí trong kiểm soát không lưu; sự cố tàu bay của Vietjet Air vận chuyển nhầm hành trình do lỗi tổ bay, nhân viên điều phối và cơ sở thủ tục bay thuộc Cảng HK Nội Bài không thực hiện đúng quy trình khai thác bay...
 
Phân tích tình hình phức tạp của an ninh chính trị, an ninh hàng không thế giới, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ ra và yêu cầu có sự nhìn nhận đúng mức độ đối với những tín hiệu, con số thống kê nói lên tình trạng đáng lo ngại trong nhiều khâu, lĩnh vực hoạt động của hàng không Việt Nam thời gian qua.
 
“Chúng ta luôn tự hào là Việt Nam có ngành hàng không rất an toàn, nhưng lúc này đang có nhiều dấu hiệu, nguy cơ đe dọa hình ảnh ấy. Cần phải nhìn nhận nghiêm túc, có trách nhiệm và giải pháp quyết liệt làm thay đổi tình hình đó”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
 
Đó là việc công tác bảo đảm an ninh hàng không. Dù nhìn chung được giữ vững, các vụ việc vi phạm được các lực lượng phối hợp xử lý kịp thời, nhưng việc để “tăng đột biến” các vụ vi phạm an ninh, các sự cố an toàn là vấn đề mà cơ quan quản lý, cơ quan chức năng cần phải nhìn nhận, nghiêm khắc kiểm điểm, đưa ra nguyên nhân chi tiết và giải pháp rõ nhất để khắc phục.
 
“Những vi phạm, kể cả vi phạm về buôn lậu, hải quan lặp đi lặp lại rồi tăng cao cho thấy: Phải chăng công tác quản lý của ta vẫn có nhiều khe hở, Việt Nam đang là nơi dễ dàng để trung chuyển, lợi dụng vận chuyển hàng lậu, hàng nguy hiểm?”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
 
Vì vậy, thời gian tới, các lực lượng liên quan, đặc biệt là các hãng, đơn vị hàng không đề ra kế hoạch hành động, thực hiện các giải pháp quyết liệt và mốc tiến độ để làm thay đổi, khắc phục được các hạn chế trên tinh thần “từ nay đến cuối năm phải làm chuyển biến được tình hình, những vấn đề, lỗi nghiêm trọng phải được khắc phục hoặc giảm mạnh”, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ.
 
Trong đó, cần chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để tránh các vi phạm quy định về an ninh hàng không. Đồng thời, xiết lại các quy trình quản lý, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, nghiêm khắc xử lý, răn đe các hành vi vi phạm trong ngành cũng như các đối tượng liên quan; tổ chức các đoàn kiểm tra thường xuyên, củng cố tổ chức hoạt động các ban khẩn nguy hàng không tại các sân bay.
 
Đối với vấn đề cũng đang gây bức xúc trong dư luận hiện nay là chuyện chậm chuyến, hủy chuyến, Phó Thủ tướng nêu rõ: Không để tiếp tục tình trạng gia tăng như hiện nay. Bằng việc phân tích, chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm, áp các tiêu chuẩn hàng không quốc tế, các hãng sớm khắc phục tình trạng này và không được coi - không nên coi là đây “chuyện thường ngày” như trước đến nay quan niệm về hàng không Việt Nam.
 

Nguồn: chinhphu.vn

Các tin khác