Trong nước

Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đồng loạt thực hiện cấm biển tránh bão

15:19, 17/07/2014 (GMT+7)
Sáng nay, cơn bão mang tên Thần Sấm đã tiếp tục mạnh thêm một cấp, các tỉnh, TP đang cấp tập ứng phó với mưa bão. Do ảnh hưởng của bão, ở Thủ đô Hà Nội đã bắt đầu mưa lớn gây ngập sâu nhiều điểm, giao thông tại nhiều tuyến phố tắc nghẽn.
 
Sáng 17/7, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Quyền Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương Hoàng Đức Cường cho biết, đến 8h sáng nay bão Thần Sấm (Rammasun) đi theo hướng Tây Tây Bắc, hướng vào khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc). Đến khoảng trưa 18/7 vượt qua đảo Hải Nam vào vịnh Bắc Bộ. Cường độ bão cấp 13, giật cấp 14, 15. Đến khoảng trưa ngày 19/7, bão Thần Sấm đổ bổ vào đất liền, vùng trọng tâm khu vực các tỉnh Quảng Ninh – Thái Bình, cường độ bão khi đổ bộ cấp 11, giật cấp 12, 13.
 
Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định: “Đây là cơn bão lớn do biến đổi khí hậu ngày một phức tạp. Đến sáng nay bão đang mạnh lên thêm một cấp, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Đặc biệt có lượng mưa 200-300 mm nên rất nguy hiểm. Do vậy, tất cả các tỉnh, địa phương phải chuẩn bị tinh thần, ứng phó". Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương dừng các cuộc họp không cần thiết để chỉ huy phòng chống bão; Bộ NN&PTNT cử đoàn công tác đi kiểm tra ở tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh.
 
Bão Thần Sấm tiến trực diện vào miền Bắc
Bão Thần Sấm tiến trực diện vào miền Bắc
Trước diễn biến phức tạp của bão, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương yêu cầu các địa phương kiên quyết kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền đang ở trong khu vực nguy hiểm trên biển từ Bắc vĩ tuyến 14 di chuyển, trú tránh an toàn trong ngày hôm nay. Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên cũng kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ở ven biển, vùng cửa sông; Tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền; di chuyển và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè khu nuôi trồng thủy, hải sản. Tổ chức chặt tỉa cành cây, hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, công trình; rà soát, sơ tán dân vùng ven biển, cửa sông; có phương án chống úng ngập cho các đô thị, các vùng trũng thấp, dừng các hoạt động sản gieo cấy vụ hè thu và vụ mùa. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, tính mạng của người dân, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình sẽ thực hiện cấm biển từ ngày 17/7.
 
*Hà Nội bắt đầu mưa lớn, gây ngập nhiều tuyến phố
 
Tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho hay, đã chỉ đạo rà soát lại các phương án chống mưa bão, rà soát lại các tuyến đê, cây xanh được cắt tỉa. Lực lượng quân đội như Bộ tư lệnh thủ đô được huy động để tham gia ứng trực. Cũng trong sáng nay, Hà Nội đã phải hứng chịu trận mưa lớn. Thời điểm mưa to cũng rơi vào thời điểm đi làm của người dân khiến giao thông nhiều điểm bị đảo lộn, tắc nghẽn do úng ngập. Theo báo cáo của Công ty Thoát nước Hà Nội cho hay, từ hồi 6h50 ngày 17/07 đến 8h30 trên địa bàn TP đã xảy ra mưa to tại các khu vực quận Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm với lượng mưa đo được tại Xuân Đỉnh là 108mm. Lượng mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn nên tại các khu vực đang được xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đô thị hóa hoặc không có hệ thống thoát nước như phố Phạm Văn Đồng, Trần Bình, Phan Văn Trường đã xảy ra úng ngập với mức độ 0,1- 0,2m.
 
Các vị trí khác như Hoàng Quốc Việt (trước ĐH Điện lực), Trần Đăng Ninh, Nút Mai Dịch… ngập sâu từ 0,1 - 0,3m. Đến khoảng 9h, các vị trí trên cơ bản đã rút nước, giao thông hoạt động bình thường. Từ 8h đến 9h15 mưa to tại khu vực quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, lượng mưa đo được tại Vân Hồ 40mm, Hồ Tây A 39mm, Trúc Bạch 41mm, Hầm chui Trung tâm Hội nghị Quốc gia là 29mm, Đông Anh 50 mm, Long Biên 45mm.
 
Tại thời điểm mưa đã xảy ra úng ngập tại ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Thợ Nhuộm, ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trưng, Tôn Đản, Đinh Liệt - Gia Ngư… với mức độ 0,2-0,3m. Một số vị trí khác như phố Minh Khai (chân cầu Vĩnh Tuy), Mạc Thị Bưởi xảy ra úng ngập do ảnh hưởng của việc đang triển khai thi công các công trình trên mương Vĩnh Tuy. Hiện nay nước đang rút mạnh, giao thông tại các vị trí trên đã hoạt động trở lại. Công ty Thoát nước Hà nội đã huy động dàn thiết bị cơ giới đã thực hiện ứng trực để kịp thời hỗ trợ thông tắc tại các vị trí được phân công. Các cửa phai hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa… đã được mở để điều hoà nước. Trạm bơm Yên Sở, trạm bơm Đồng Bông I, Đồng Bông II và các trạm bơm cục bộ khác liên tục vận hành để hạ mực nước trên hệ thống.
 
* Hải Phòng, Thái Bình: Lãnh đạo các địa phương này đã hoãn tất cả các cuộc họp chưa cần thiết, thành lập các đoàn công tác đến các địa bàn ven biển để chỉ đạo, đôn đốc triển khai đối phó với bão. Hải Phòng đã điều động tàu CN09 và SAR ra ứng trực tại các vùng biển. Lãnh đạo TP Hải Phòng yêu cầu, bất kể lãnh đạo nào để xảy ra tai nạn tại địa bàn mình quản lý sẽ phải chịu trách nhiệm. Hải Phòng cũng đang xem xét tình hình thực tế để cấm biển trong ngày hôm nay hoặc sáng mai. Được biết, TP này đã huy động hơn 39.000 người tham gia phòng chống bão, trên 1.000 ô tô và hơn 240 tàu thuyền. TP cũng chuẩn bị phương án di dời cho 87.900 hộ dân.
 
*Quảng Ninh: Tỉnh đã lên phương án di dời dân, kêu gọi hơn 200 tàu thuyền về tránh trú, một số ít còn lại được kêu gọi về nơi trú ẩn. Hệ thống lồng bè đã thông báo di chuyển, di chuyển 300 hộ dân lên bờ. Với tàu du lịch, đến trưa nay, Quảng Ninh sẽ thực hiện lệnh cấm biển. Với khu du lịch Cô Tô, huyện đã có những phương án chống bão tại chỗ. Riêng khu dân cư gần mỏ, người dân phải sơ tán. Tỉnh này cũng thành lập 3 tổ công tác đi kiểm tra các huyện, TP: Vân Đồn, Hạ Long, Móng Cái.
 
*Nam Định: Sẽ bắt đầu thực hiện lệnh cấm biển từ chiều hôm nay.
 
*Khánh Hòa: Vào lúc 4h ngày 16/7 tàu KH 90154 của Khánh Hòa do ông Trương Quốc Toàn làm thuyền trưởng hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, trên đường vào bờ tránh bão thì thuyền viên Nguyễn Văn Tài bất cẩn bị rơi xuống biển mất tích hiện vẫn chưa tìm thấy; tàu đang di chuyển vào bờ.
 

Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác