Trong nước
Chủ tịch Quốc hội: Luật Căn cước là cuộc cải cách lớn
16:18, 14/07/2014 (GMT+7)
Cho ý kiến dự án Luật Căn cước công dân sáng 14/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, dự án luật khi có hiệu lực thi hành sẽ là cuộc cải cách lớn trong quản lý Nhà nước về dân cư và tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho người dân.
Sau phiên khai mạc sáng 14/7, UBTV Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Căn cước công dân. Đây là dự luật do Bộ Công an soạn thảo, được Chính phủ trình Quốc hội thảo luận lần đầu tại kỳ họp thứ bảy vừa rồi. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã có báo cáo xin ý kiến UBTV Quốc hội một số vấn đề lớn nhằm tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự luật.
Theo Ủy ban Quốc phòng và An ninh, có ba vấn đề lớn cần xin ý kiến. Thứ nhất, về cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư và mối quan hệ với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. Vấn đề này đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung vào dự thảo luật một chương hoặc một số điều để làm rõ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, mối quan hệ với các cơ quan chuyên ngành khác, trong đó có cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cơ chế bảo mật, khai thác, chia sẻ, sử dụng thông tin...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao dự án Luật Căn cước công dân |
Thứ hai, về sổ định danh cá nhân. Đối với quy định sổ định danh 12 số, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, các ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí việc quy định 12 số như dự thảo, đồng thời đề nghị bổ sung một số điểm như cấu trúc sổ định danh, thẩm quyền, phương thức cấp...
Thứ ba, về thẻ căn cước công dân, Ủy ban xin ý kiến việc nên giữ nguyên tên gọi “chứng minh nhân dân” hay “thẻ căn cước công dân” như một số ý kiến...
Kết luận việc thảo luận những nội dung trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chốt: “Tôi đánh giá rất cao dự án luật, đây là cuộc cải cách lớn trong quản lý nhà nước về dân cư và tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho người dân, cắt giảm các thủ tục hành chính phiền hà. Ban soạn thảo đã chuẩn bị kỹ lưỡng, khoa học dự luật này”. Đối với các ý kiến còn khác nhau cần cân nhắc kỹ để bổ sung, hoàn thiện dự luật. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Công an cần chuẩn bị các điều kiện về nhân, vật lực, các trang thiết bị hiện đại để đảm bảo việc thực hiện một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.
Dự Luật căn cước công dân được bố cục 5 chương 36 điều. Qua phân tích các đại biểu cho thấy, với yêu cầu phải hiện đại hóa giấy tờ về căn cước công dân, ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, phù hợp với xu hướng của các nước trên thế giới, trong khi đó, kỹ thuật, công nghệ cấp, quản lý Chứng minh nhân dân còn lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng của nhân dân.
Việc sử dụng thẻ Căn cước công dân theo công nghệ tiên tiến vừa bảo đảm bền, đẹp, chống làm giả, vừa có khả năng tích hợp nhiều thông tin cần thiết để góp phần đơn giản hóa giấy tờ cho công dân, từng bước thực hiện Chính phủ điện tử.
Thẻ Căn cước công dân (thay thế Chứng minh nhân dân) là giấy tờ tùy thân có giá trị chứng nhận căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan có thẩm quyền cấp từ cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Dự thảo Luật quy định nội dung thẻ Căn cước công dân phản ánh thông tin cơ bản về công dân phục vụ cho việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân nhưng vẫn bảo đảm giữ bí mật đời tư cá nhân. Trên thẻ có thông tin về nơi thường trú của công dân. Trên thẻ Căn cước công dân cũng có thông tin về họ và tên khai sinh, họ và tên gọi khác, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc.
Các thông tin này được tích hợp từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên công dân có thể sử dụng thẻ Căn cước công dân để chứng minh các thông tin này trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân mà không cần phải sử dụng một số giấy tờ khác của công dân. Mặt khác, trên thẻ Căn cước công dân có số định danh cá nhân của mỗi người, giúp cho công dân thuận tiện khi giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện các giao dịch dân sự, giúp cơ quan, tổ chức kiểm tra, khai thác các thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...
Nguồn: cand.com.vn