Kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa XIII với nhiều nội dung quan trọng về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề hệ trọng đã bế mạc sau hơn 1 tháng làm việc. Cùng điểm lại những dấu ấn lực lượng Công an tại diễn đàn dân cử cao nhất.
1. Quốc hội khai mạc kỳ họp ngày 20/5, ba tuần sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Vì lẽ đó, ngay sau phiên khai mạc, Quốc hội nghe Chính phủ trình bày báo cáo về tình hình biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, chủ trương và giải pháp của Việt Nam. Nội dung này cũng được Quốc hội họp riêng, thảo luận tại các đoàn. Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Việc Trung Quốc đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cùng với sự hộ tống, trong đó có cả tàu chiến và máy bay quân sự bảo vệ, là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông; bất chấp cả những thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng và hai Nhà nước Việt Nam-Trung Quốc. Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa. Đồng bào ta thực sự lo lắng và kiên quyết phản đối, cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, chia sẻ và tỏ tình đoàn kết với Việt Nam.
Bộ trưởng Trần Đại Quang trao đổi với các đại biểu Quốc hội |
Tại một số địa phương trên cả nước đã xảy ra tình trạng lợi dụng vấn đề này để kích động phá hoại, gây mất an ninh trật tự. Bộ Công an cho biết, nguyên nhân dẫn đến hành động vi phạm pháp luật trước hết là do hành động ngang ngược của phía Trung Quốc làm cho người dân phẫn nộ, bức xúc. Thứ hai là mâu thuẫn giữa công nhân với các chủ doanh nghiệp. Thứ ba là hành vi kích động của một số tội phạm hình sự để cướp phá, cướp tài sản. Thứ tư là có sự kích động, xúi giục của kẻ địch, CQĐT đã phát hiện, bắt giữ, để điều tra làm rõ theo quy định của pháp luật. Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động nắm tình hình, áp dụng biện pháp ngăn chặn, điều tra, làm rõ các hành vi phạm pháp của các đối tượng để xử lý theo quy định pháp luật. Đồng thời, xác định những nguyên nhân, tồn tại để khắc phục, tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ theo Luật An ninh quốc gia và Luật Công an nhân dân, tăng cường công tác vận động quần chúng, tuyên truyền để người dân không nghe, không làm theo sự xúi giục của kẻ xấu, sự kích động của kẻ địch; tăng cường lực lượng bảo vệ cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, cho doanh nghiệp nước ngoài, kể cả lập thêm một số đồn Công an mới để đảm bảo an ninh trật tự, tính mạng, tài sản, đảm bảo công nhân yên tâm làm việc.
Trong vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang và các Thứ trưởng Bộ Công an, lãnh đạo các Tổng cục đã trực tiếp xuống chỉ đạo tại các địa phương, huy động lực lượng Công an áp dụng các biện pháp nghiệp vụ bảo vệ tài sản, tính mạng của các chuyên gia, công nhân người nước ngoài. Đồng thời tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn hành vi quá khích của người dân, khẩn trương phân loại, có biện pháp giáo dục, cam kết không tái phạm...
Thảo luận tại tổ và hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, trước tình hình phức tạp, Bộ Công an đã có chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, phát huy tính chủ động, trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương trong việc giữ vững an ninh, trật tự tại các địa bàn, nhất là các khu công nghiệp, đầu tư kinh doanh nước ngoài. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) khẳng định, ý đồ các thế lực thù địch hòng tạo cớ để vu cáo chúng ta nhiều mặt, nhưng phải nói rằng trong vấn đề này, lực lượng Công an đã đảm bảo sự chủ động, thực hiện khẩn trương, kiên quyết. Bộ trưởng Bộ Công an đã kịp thời chỉ đạo lực lượng Công an các đơn vị, địa phương tiến hành các biện pháp, kế hoạch một cách bài bản để phòng ngừa, ngăn chặn không để tái diễn hành vi gây rối, phá hoại cơ sở kinh tế trong nước, các đối tác đầu tư nước ngoài. “Tôi được biết, tình hình hiện nay đã trở lại bình thường. Tôi đánh giá rất cao sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của lực lượng Công an” - đại biểu ghi nhận.
Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) thì cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới khu vực diễn biến hết sức phức tạp, các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống tiếp tục gia tăng, bất ổn chính trị, hoạt động khủng bố và các vấn đề an ninh mạng đang đặt ra nhiều thách thức đối với lợi ích và an ninh của đất nước chúng ta, lực lượng Công an đã chủ động nắm chắc tình hình, phân tích, đánh giá dự báo sát, đúng tình hình, tham mưu, đề xuất với Đảng, nhà nước ban hành nhiều chủ trương giải pháp cơ bản, có ý nghĩa chiến lược về việc bảo đảm an ninh trật tự. Theo đại biểu, lực lượng Công an đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; giữ vững thế chủ động chiến lược. Chất lượng công tác điều tra, xử lý các loại tội phạm ngày được nâng cao. Nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng được phát hiện điều tra, xử lý kịp thời, công tác phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng, tội phạm về môi trường được quan tâm chỉ đạo đạt kết quả tích cực. Còn theo đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên), cần thành lập thêm các đồn công an đủ mạnh ở những khu vực này và tăng cường đầu tư cho lực lượng cảnh sát cơ động để đảm bảo nhiệm vụ, bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới...
Các đại biểu dự kỳ họp |
2. Tại kỳ họp thứ 7, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã trình dự án Luật Công an nhân dân sửa đổi, dự án Luật Căn cước công dân. Đối với Luật xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp trước, sau khi chỉnh sửa, trình Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý lần cuối và trình Quốc hội thông qua ngày 16-6. Luật nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch, đơn giản hoá thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam. Đối với dự án Luật Căn cước công dân, việc xây dựng dự án phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, bảo đảm phù hợp với chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân của Đảng, Nhà nước hiện nay và những năm tiếp theo. Việc xây dựng dự án luật tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong đi lại, giao dịch, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, yêu cầu quản lý dân cư, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật. Thảo luận tại Quốc hội, các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị công phu dự án luật, tính cấp thiết ban hành cũng như bổ sung những nội dung cần hoàn thiện.
Đối với dự án Luật Công an nhân dân, qua thảo luận, về cơ bản các ý kiến phát biểu đều đồng tình cao với tờ trình của Chính phủ và các nội dung cơ bản của dự thảo. Các ý kiến phát biểu góp ý trên rất nhiều nội dung, từ chức năng nhiệm vụ của ngành công an, các vấn đề cụ thể như là công dân phục vụ có thời hạn, vấn đề hệ thống chức vụ cơ bản, vấn đề hệ thống cấp bậc hàm… Các đại biểu đặt vấn đề rất toàn diện, từ chức năng nhiệm vụ, đến trang bị, tạo điều kiện, đến công tác đảm bảo, nâng chất lượng đội ngũ cán bộ công an, việc hoàn thiện về mặt tổ chức. Trong bối cảnh tình hình hiện nay, những ý kiến đóng góp đó vừa để hoàn thiện dự luật, vừa là chia sẻ rất quý báu để lực lượng CAND nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc kỳ họp |
3. Với chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề hệ trọng, tại kỳ họp này, Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận thấu đáo, thông qua 11 luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến về 16 dự án luật, 1 nghị quyết khác. Đây là các văn bản pháp luật rất quan trọng, góp phần triển khai thi hành Hiến pháp, phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nền hành chính lành mạnh, công khai, minh bạch; tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, theo pháp luật, củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phát triển bền vững đất nước. Quốc hội đã dành thời gian thảo luận những vấn đề quan trong về tình hình kinh tế, xã hội cũng như các báo cáo giám sát liên quan... Tại các buổi thảo luận tại tổ và hội trường, đại biểu Quốc hội là lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương đã dành thời gian phát biểu các ý kiến đóng góp vào các dự thảo luật, nghị quyết, các báo cáo kinh tế, xã hội và báo cáo giám sát chuyên đề, tạo điều kiện để Quốc hội hoàn thiện các dự thảo trước khi trình Quốc hội thông qua. Điều này vừa là chức năng, nhiệm vụ đại biểu, vừa thể hiện tinh thần trách nhiệm, trí tuệ cao của mỗi đại biểu Công an tại diễn đàn dân cử cao nhất.
“Diễn đàn này, hòa chung nhịp đập trái tim của đồng bào, chiến sĩ cả nước, các vị đại biểu Quốc hội đã mạnh mẽ lên án hành động sai trái của phía Trung Quốc. Quốc hội đã thảo luận sâu sắc, ra thông cáo tuyên bố lập trường chính nghĩa của Việt Nam, kiên quyết phản đối hành động sai phạm của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và không tiếp tục có những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Quốc hội đánh giá cao những phát biểu tâm huyết thể hiện lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của các vị đại biểu Quốc hội và nhân dân. Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng thống nhất ý chí, hành động, ủng hộ và thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; giữ gìn quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Quốc hội Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Quốc hội, nghị sĩ Quốc hội, các tổ chức, cá nhân và bạn bè trên thế giới đã và đang tiếp tục đồng tình, ủng hộ Việt Nam, lên tiếng bảo vệ chính nghĩa, lẽ phải của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc đình chỉ ngay những hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam”.
(Phát biểu bế mạc kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng)
|
.